Kiều Phong (VNTB) Người ta thường nói, đại học là bậc học mà ở đó người sinh viên phải tự học, tự đào tạo. Để được như vậy, ngoài sự nỗ lực của bản thân, bắt buộc phải có những cuốn giáo trình tốt. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng giáo trình đại học ở nước ta hiện vẫn còn nghèo nàn và còn đang ở trong “vùng trũng” của thế giới.
Thiếu kinh phí in sách
Không riêng gì Việt Nam mà ở gần như hầu hết mọi nền giáo dục – đào tạo khác trên thế giới, sách in dùng cho học tập đều ít nhiều được trợ giá. Các nhà xuất bản và kiểm toán khai rằng giá bán sách ít hơn giá trị mà họ bỏ ra để sản xuất. Khi số người đi học ít thì không sao, nhưng khi số người đi học đã nhiều thì phần lỗ mà ngân khố quốc gia bỏ ra để trợ cấp ngày càng lớn. Do đó, để tránh lỗ, sách trợ giá không cung cấp đủ số lượng, tức là cung không đủ cầu.
Vậy bên cầu sẽ luồn lách thế nào? Rất đơn giản: đó là đem sách in đi ra photo. Các tiệm photo mọc ra đầy dẫy xung quanh các trường đại học, sách gì cũng có. Nhưng sách photo gây hại cho môi trường. Bìa sách photo thường đóng bằng bao ny-lon, là một dạng tổng hợp hóa học rất lâu mới phân hủy. Ngoài ra sách photo thường là bìa mềm, không giữ lâu được, học xong năm nào vứt luôn năm đó, không để lại được cho lứa đàn em sau theo học. Đồng nghĩa với việc giấy được sử dụng bừa bãi, mà để có được một tờ giấy thì phải khai thác bao nhiêu gỗ rừng.
Dù không phải là sách photo thì sách in cũng đang có vấn đề lớn về chất lượng in. Thử lấy một cuốn giáo trình thời Việt Nam cộng hòa và một cuốn giáo trình thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa sót lại cho đến ngày nay, độ tuổi như nhau và đem lên mũi ngửi. Cuốn giáo trình nào vẫn còn thơm thì đó là giáo trình thời VNCH, giáo trình nào bốc mùi thì đó là giáo trình VNDCCH, và CHXHCN Việt Nam ngày nay. Để tiết kiệm chi phí in, chế độ miền Bắc quan tâm đến nội dung sách mà ít để ý đến chất lượng giấy, chất lượng mực, cho nên sách vở miền Bắc không giữ lâu được, cho nên phải in đi in lại thường xuyên, rốt cục càng thêm tốn tiền.
Kinh phí in sách có thể không cần trợ cấp từ ngân sách nếu chuyện bản quyền được làm nghiêm ngặt. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, bộ môn Giải phẫu, đại học Y Hà Nội cho biết: Sách ở Việt Nam rẻ bèo. Ở nước ngoài, có những cuốn sách giá ngàn đô, tác giả giàu sụ. Sách in ở Việt Nam chỉ hai trăm ngàn trở xuống, nghĩa là chỉ dưới mười đô một cuốn, lại còn bị photocopy nữa, hỏi người viết sách làm sao mà sống được?
Cho nên, công nghiệp in sách nói chung và in sách giáo trình nói riêng, trong thời gian ngắn hạn, khó mà đạt được bước đột phá.
Thiếu người viết sách?
Một câu hỏi đặt ra lâu nay, đó là trong mọi ngành, Việt Nam không thiếu người có nền tảng, lại có hơn 14 000 giáo sư – tiến sĩ , vậy tại sao lại không thể có những cuốn giáo trình đạt chuẩn, những cuốn giáo trình viết cẩn thận, chu đáo, đến nơi đến chốn?
Anh Trần Bang trước khi là một nhà hoạt động xã hội dân sự thì là một kỹ sư, chuyên dịch sách cho Bộ xây dựng Việt Nam cho biết, trong quá trình dịch sách, ông thấy sách của Mỹ nhìn bề ngoài thì rất là dày, nhưng khi đọc thì rất là dễ. Sở dĩ như vậy là do sách Mỹ chú thích rất nhiều, chi chít. Nhiều khi phần chú thích chiếm gần một phần hai cuốn sách. Hơn nữa sách vở phương Tây, viết đoạn nào người ta chú thích đoạn đó, kèm theo chú thích trực tiếp bên dưới trang sách. Không giống như Việt Nam, tác giả từ đầu đến cuối cuốn sách cứ làm như hết thảy chữ nghĩa đó là của mình, chỉ liệt kê danh sách các tài liệu tham khảo ở hai ba trang gần bìa sau. Tác giả làm như thế thì cũng được, không ai cãi được. Nhưng nếu là một tác giả sách giáo trình có trách nhiệm, người ta sẽ hết chương đoạn nào người ta sẽ chú thích chương đó đoạn đó nguồn ở đâu ra, sao chép từ ai, dẫn nguồn từ tài liệu nào, yêu cầu bản quyền hết sức nghiêm ngặt. Việt Nam rất hiếm người viết sách đạt đến chuẩn mực như vậy, chữ nghĩa tuôn ra giấy cứ như của mình, để rồi các nguyên tắc về học thuật, trích dẫn không được tôn trọng trong cả hệ thống đại học. Nhiều người đạo văn cả chương sách cũng không bị xử lý, người đạo văn vô tình cũng không bị ai nhắc nhở, đến độ đạo văn mà cũng không biết mình đạo văn. Chất lượng mặt bằng của giáo trình, vì thế, không được gia tăng cho xứng đáng .
Một nhược điểm khác, đó là giáo trình ở Việt Nam khó khăn cho việc tra cứu. Thời buổi ngày nay, người ta không có thời gian để đọc nguyên cuốn sách từ đầu đến cuối, mà chỉ cần có kiến thức về mảng gì thì người ta mở cuốn sách ra, đọc đúng đoạn đó, tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Đây là lối học tập thực dụng của Mỹ, học xong thực hành được ngay. Đáng tiếc, lối viết giáo trình ở Việt Nam vẫn nặng tinh thần Xô Viết, giỏi về lý thuyết nhưng khi ra đến thực hành thì bỡ ngỡ. Khi một cuốn giáo trình viết tràng giang đại hải và rối rắm, người đọc và nghiền cả quyển thì giỏi nhưng chậm khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới.
Biết là vậy, nhưng với nền tảng văn hóa dân tộc và mặt bằng trình độ của các trường đại học Việt Nam ngày nay, lọc cho ra được những giáo sư viết giáo trình cũng khó. Việc đào tạo được một người viết sách mà có hệ thống, trích dẫn nhịp nhàng đẩy đủ vô cùng khó, nhiều khi là người ta có năng khiếu tự học bẩm sinh chứ chẳng trường lớp cao học hay nghiên cứu sinh nào đào tạo nổi.
Và khi kiến thức khoa học ngày càng nhiều, càng nhân lên theo cấp số nhân, các trường đại học Việt Nam ngày càng thiếu vắng những cuốn giáo trình có chất lượng.