Minh Triều
(VNTB) – Người dân phản kháng với lực lượng chức năng do bất mãn
Theo số liệu của Cục CSGT – Bộ Công an, trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước có tới 51 vụ chống đối CSGT. Tăng 30 vụ so với cùng kỳ và tăng 19 vụ so với quý trước và khiến 21 cán bộ công an bị thương. Trong đó, 20 vụ là do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia, một vụ có ma túy. Cơ quan chức năng đã bắt giữ 55 người, khởi tố 50 vụ, 1 vụ đang củng cố hồ sơ.
Ngày 21/2, trên Quốc lộ 18 đoạn qua TP Hạ Long, Tổ Công tác thuộc Đội CSGT đường bộ số 2 (Công an tỉnh Quảng Ninh) ra tín hiệu dừng phương tiện, hướng dẫn vào làn kiểm soát nồng độ cồn đối với xe ôtô con biển số 23A-108.xx do một người đàn ông khoảng trên 40 tuổi điều khiển. Tuy nhiên, tài xế không chấp hành hiệu lệnh, quay đầu xe để đi ngược chiều đường, bỏ chạy rồi tông thẳng vào đại úy Hoàng Minh Đức khiến ông Đức bị xây xát. (1)
Nghiêm trọng hơn, ngày 6/3, tổ công tác Đội CSGT trật tự, Công an huyện Hiệp Hoà khi đang làm nhiệm vụ trên đường tỉnh 295 (đoạn qua thị trấn Bắc Lý, huyện Hiệp Hoà) đã phát hiện nam thanh niên điều khiển xe máy không biển số, không đội mũ bảo hiểm, không có gương chiếu hậu nên yêu cầu dừng xe kiểm tra. Tuy nhiên, nam thanh niên này đã không chấp hành hiệu lệnh dừng xe còn tăng ga bỏ chạy, tông thẳng vào tổ công tác CSGT, khiến 1 cán bộ CSGT bị thương, phải đưa đi cấp cứu. (2)
Việc chống đối CSGT ngày càng nhiều cho thấy người dân đang mất niềm tin vào CSGT do tình trạng nhận hối lộ và lạm quyền trong lực lượng này. Nếu như trước đây người dân chỉ phản ứng ngầm không bộc phát ra còn hiện giờ người dân đã dám thể hiện ra mặt và bằng hành động. Bên cạnh đó, cũng phải nói tới việc người dân không hài lòng về hệ thống pháp luật hiện nay. Nhất là từ ngày có chính sách thổi nồng độ cồn và mức phạt ngày càng tăng, các biện pháp kiểm tra, xử lý không công bằng cũng là lý do dẫn tới bức xúc.
Ngoài ra, sự bất mãn cũng xuất phát từ những cách hành xử bất hợp lý và thiếu tôn trọng người dân của CSGT. Việc mang dùi cui ra giữa đường để ngăn chặn người dân đang di chuyển rồi đòi hối lộ khiến người dân càng ngày càng bức xúc nặng nề hơn. Những trường hợp tông xe thẳng vào CSGT cho thấy người dân sẵn sàng liều mạng để phản ứng lại cơ quan chức năng. Và thế là lại gây ra một vòng lặp tiêu cực, khi CSGT hành xử phản cảm thì dân thấy bất mãn và chống đối, dân chống đối thì CSGT lại trấn áp nặng tay hơn.
Nói về người dân, nếu đổ lỗi cho dân không tuân thủ luật giao thông, đã sai nhưng vẫn chống đối thì phải coi lại chính sách định hướng xây dựng con người xã hội chủ nghĩa của đảng cộng sản. Người dân bạo lực, bất chấp pháp luật, là do giáo dục, tuyên truyền mà ra. Chính vì thấm nhuần cách làm việc của nhà cầm quyền nên sự bất mãn càng ngày càng lớn và phản ứng mạnh tới mức “sống còn” với lực lượng chức năng.
Là một phần quan trọng của hệ thống thực thi pháp luật, CSGT có trách nhiệm đảm bảo an toàn và tuân thủ pháp luật và bảo vệ người dân khi tham gia giao thông. Không chỉ vậy, lực lượng này còn là hình ảnh đại diện cho nhà cầm quyền khi tiếp xúc với người dân. Nếu người dân có ác cảm với CSGT thì tức là đang có nhiều bất mãn với nhà cầm quyền. Nhà nước phải có biện pháp cải thiện cách thức hoạt động, đối xử với người tham gia giao thông của đội ngũ CSGT để gây lại niềm tin của người dân đối với chế độ hiện hành nhằm tránh tình trạng bất mãn với CSGT ngày càng gia tăng.
_____________
Tham khảo:
(1)https://vietnamnet.vn/tai-xe-duong-tinh-voi-ma-tuy-lai-xe-tong-thang-vao-csgt-2255007.html
(2)https://atgt.baogiaothong.vn/tam-giu-doi-tuong-dam-thang-xe-vao-to-tuan-tra-lam-mot-csgt-bi-thuong-192240306175919697.htm