VNTB- Đảng viên không thể tự ý ứng cử, ‘dân đen’ cũng vậy…

VNTB- Đảng viên không thể tự ý ứng cử, ‘dân đen’ cũng vậy…

Phạm Gia

(VNTB) – Đảng viên tự ứng cử đại biểu Quốc hội phải được cấp ủy, tổ chức đảng đồng ý. Là ‘phó thường dân’, thì phải được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đồng ý.

 

Sáng 21-1, Bộ Chính trị chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Hội nghị đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính trình bày những điểm mới trong hướng dẫn công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026. Hướng dẫn này vừa được Ban Tổ chức Trung ương ký ban hành ngày 20-1-2021.

Ông Phạm Minh Chính cho biết, đối với đảng viên không giữ chức vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị – xã hội, nếu tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thì phải báo cáo và phải được chi bộ, đảng bộ cơ sở nơi đảng viên sinh hoạt đồng ý.

Còn đối với đảng viên đang giữ các chức vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc đã nghỉ hưu thì , nếu tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thì phải báo cáo, và phải được cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ, và cấp ủy cấp trên trực tiếp của chi bộ, đảng bộ cơ sở nơi đảng viên sinh hoạt đồng ý.

“Yêu cầu kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội”, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thế nhưng với quy trình về “ý kiến của các cấp Đảng” như nêu trên lại cho thấy tất cả đều căn cứ vào cảm tính ở từng tổ chức được gọi là ‘quản lý cán bộ’, mà không rạch ròi điều chỉnh qua hệ thống pháp luật, cũng như người dân không cách gì biết được về những ứng viên đảng viên này ra sao trong lá phiếu cử tri.

Điều này khiến cho các kiểu câu tuyên truyền sau đây trở nên chông chênh trong kiểu hiểu của mỹ từ: “Bầu cử là một định chế quan trọng của dân chủ, nền tảng hợp pháp để hình thành các chức danh, cơ quan lãnh đạo của các tổ chức thành viên hệ thống chính trị”.

Dĩ nhiên ở đây là cần phân biệt giữa bầu cử với chế độ bầu cử. Theo đó, chế định bầu cử là một tổng thể gồm các nguyên tắc, các quy định của pháp luật về bầu cử cùng những quan hệ được hình thành trong toàn bộ quá trình tiến hành bầu cử: từ lúc công dân ghi tên trong danh sách bầu cử đến lúc các lá phiếu được bỏ vào thùng phiếu và xác định kết quả bầu cử. Đó là tổng thể các quan hệ xã hội hợp thành trình tự bầu cử.

Trình tự này ở Việt Nam không theo luật, mà lại theo quy trình do Ban Tổ chức Trung ương thuộc Bộ Chính trị đưa ra – cụ thể như những diễn biết tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, do Bộ Chính trị chủ trì hôm sáng ngày 21-1-2021.

Bên cạnh đó, cũng cần phân biệt “bầu cử” với “quyền bầu cử”. Quyền bầu cử được hiểu là khả năng của công dân được Nhà nước bảo đảm tham gia vào quá trình thành lập các cơ quan nhà nước ở Trung ương và cơ quan chính quyền địa phương. Quyền bầu cử là tổng thể những quy định cụ thể cho công dân.

Người ta nói rằng, ở đâu có bầu cử tự do và trung thực, thì ở đó một chế độ dân chủ được nảy nở và phát triển. Dân chủ có nghĩa là nhân dân là nguồn gốc, là chủ thể của quyền lực nhà nước; các cơ quan quyền lực phải được nhân dân bầu hoặc bãi miễn thông qua bầu cử tự do, bình đẳng và bỏ phiếu kín.

Thực tế thì các nguyên tắc ở trên tại Việt Nam đều tùy thuộc vào Bộ Chính trị. Chẳng hạn như khi kết thúc Hội nghị Trung ương 15, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tự tin thông báo về lựa chọn xong những ai sẽ vào danh sách “tứ trụ”, bất chấp phải còn tuần lễ nữa mới diễn ra hồi chung cuộc tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)