Hoài Nguyễn
(VNTB) – Dường như đang có nhiều chi phái độc lập của Tòa Thánh Tây Ninh phát triển và không chịu sự chi phối của Chi phái 1997.
Số liệu của Vụ Cao Đài (Ban Tôn giáo Chính phủ) cho biết: “Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã công nhận tổ chức tôn giáo đối với 10 Hội thánh Cao Đài, 21 tổ chức Cao Đài hoạt động độc lập, và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo đối với 01 pháp môn Cao Đài”.
Vẫn theo Vụ Cao Đài, thì, “Năm 1997, Cao Đài Tây Ninh được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân thành lập tổ chức giáo hội theo Hiến chương và đường hướng hành đạo mới”.
Tài khoản facebook của tổ chức “Thông tin Cao Đài Nam California, Hoa Kỳ”, có nhận xét rằng: “Đạo loạn như ngày nay một phần cũng do sách của một số hiền tài. Và cũng do một số tín đồ không theo sách của Hội Thánh mà theo sách của hiền tài!!”.
“Sách của Hội Thánh”, phải chăng đó là muốn nhắc lại sự việc sau khi Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt mất năm 1934, nhiều chức sắc cao cấp của Tòa Thánh Tây Ninh ly khai và thành lập những chi phái độc lập. Để chấn chỉnh nền Đạo trở lại, kiện toàn hệ thống tổ chức của đạo Cao Đài và ngăn không cho các chức sắc khác tách khỏi Tòa Thánh hình thành các chi phái khác nữa nên các chức sắc Cao Đài còn lại dưới quyền lãnh đạo của Hộ pháp Phạm Công Tắc đã hợp soạn bộ Đạo luật này để xướng xuất những phương pháp thực hành các điều trong Tân Luật và Pháp Chánh Truyền để khôi phục lại trật tự và chấn chỉnh nền Đạo.
Đầu năm 1938, Hộ pháp Phạm Công Tắc giao cho các chức sắc Hiệp Thiên Đài soạn thảo một bộ Đạo luật để kiện toàn và điều hành nền Đạo cho đúng Pháp Chánh Truyền và Tân Luật. Khi bộ Đạo luật được soạn xong được chuyển qua cho các chức sắc Cửu Trùng Đài và Phước Thiện thảo luận, bàn bạc và sửa đổi cho phù hợp.
Sau khi xem xét bổ sung, chỉnh sửa hoàn chỉnh bộ Đạo luật này được dâng lên cho Hộ pháp Phạm Công Tắc phê chuẩn, lấy tên là Đạo Luật Mậu Dần và được ban hành vào ngày 15 tháng 1 năm Mậu Dần (dương lịch 14 tháng 2 năm 1938).
Đạo luật Mậu Dần, ở “Điều thứ ba: những phương pháp hay đặng chỉnh đốn thêm nữa”, có nội dung như sau:
“Hội Thánh thuyên bổ thêm Chức Sắc Thiên Phong đi cùng khắp các nơi đặng chỉnh đốn Chánh Trị Đạo lại và phổ thông nền Chơn Giáo ra ngoại quốc.
Từ đây Đầu Tỉnh, Đầu Họ và Đầu Quận Đạo sẽ chỉnh đốn y theo như Quyền Vạn linh đã định. Nam là Chánh, Nữ là Phó, đặng thi hành luật Đạo theo một khuôn khổ và luật lịnh.
Bắt đầu năm Mậu Dần thì các Văn Phòng Đầu Tỉnh, Đầu Họ và Đầu Quận Đạo phải có một vị Đầu Phòng chỉnh đốn lại cho trang hoàn hơn nữa, nghĩa là:
Phải lập đủ các sổ sách thâu xuất lại cho kỹ càng.
Phải lập cho đủ các hồ sơ đặng để lưu chiếu các giấy tờ của Đạo.
Mỗi Văn Phòng của Đầu Tỉnh Đạo phải có một vị Giáo Hữu làm Đầu Phòng.
Mỗi Văn Phòng của Đầu Họ Đạo phải có một vị Lễ Sanh làm Đầu Phòng.
Mỗi Văn Phòng Đầu Quận Đạo phải có một vị Chánh Trị Sự làm Đầu Phòng.
Nếu vị Chức Sắc nào muốn làm Đầu Phòng, thì phải có khoa mục tuyển chọn, chứng rằng mình là người có học thức, đủ sức làm tròn bổn phận.
Còn Bàn Trị sự cũng vậy, nhưng khi thi đậu rồi thì buộc phải làm tờ giao ước rõ ràng trọn hiến thân cho Hội Thánh và phế đời hành Đạo, mới đặng thuyên bổ lãnh chức trách Đầu Phòng.
Khoa mục ấy sẽ định thi ở tại Tòa Thánh.
Từ ngày đã có Đầu Phòng thì giao hết các việc trong văn phòng cho người lo chỉnh đốn, còn Chức Sắc Hành Chánh thì cần phải đi châu lưu cùng khắp trong địa phận mình, trước là xem xét sự hành động của Chức Sắc hoặc Chức Việc dưới quyền, sau nữa gần gũi thân mật để cảm hóa nhơn sanh.
Bàn Trị Sự nên chọn cử hạng người có tài đức, bất luận là hạng thanh niên hay là bậc trưởng lão, miễn vị ấy đặng phần đông tín nhiệm là đủ.
Nếu như một ai còn đương quyền Đời mà muốn vào hàng phẩm Chức Việc, thì phải từ bỏ quyền Đời đặng để trọn tâm lo tròn trách nhậm Đạo.
Mỗi khi khuyết Chánh Trị Sự thì chỉ có hàng Phó Trị Sự và Thông Sự đặng quyền dự cử mà thôi, trừ ra những vị nào đã bị phạm Luật Pháp có hình phạt của Hội Thánh. Còn như khuyết Phó Trị Sự, Thông Sự thì chọn những vị nào có đạo đức, đủ tư cách, hoặc dày công; ngoài ra những vị trên đây, thì Đạo Hữu nào dầu mới nhập môn cũng đặng dự cử, miễn là đủ sức tín nhiệm của toàn Đạo trong địa phận thì đặng. Nhưng trừ ra những vị nào đã bị phạm luật pháp có hình phạt của Hội Thánh và người trong các Chi Phái mới trở lại.
Trong mỗi hạn kỳ 6 tháng, xin Hội Thánh phái một Ban Thanh Tra đi xem xét các sự hành động trong Đạo, nào là Hành Chánh, Phước Thiện, Phổ Tế và Tòa Đạo đặng am hiểu các cơ quan trong nền Chánh Trị Đạo, hầu tìm phương giúp hay cho Hội Thánh chấn chỉnh lại cho đặc sắc.
Phải chỉnh đốn Y Viện cho có lương y chăm nom săn sóc những Chức Sắc Thiên Phong bệnh hoạn và bổ đi các nơi trong Thánh Thất.
Hội Thánh phải thuyên bổ Chức Sắc Phổ Tế trong các quận Đạo và công cử Chức Việc Phổ Tế trong mỗi làng Đạo”.
…Văn phong ở Đạo luật Mậu Dần được thể hiện theo cách sử dụng tiếng Việt ở thời kỳ đó, và những nội dung này để thế hệ trẻ về sau dễ hiểu hơn, thiết nghĩ rất cần các bài viết diễn giải theo mạch văn hôm nay từ kiến văn ở các nhân sĩ của đạo Cao Đài.
1 comment
Rất cảm ơn tác giả đã có bài tìm hiểu về Đạo Luật Mậu Dần (1938). Chúng tôi sẽ suy nghĩ và viết bì để tạ lòng quân tử. Kính.