VNTB – Đấu thầu thuốc: vì sao vẫn thích độc quyền?

VNTB – Đấu thầu thuốc: vì sao vẫn thích độc quyền?
Thảo Vy (VNTB) Một số thầy thuốc và dược sĩ ngại nêu tên đã cho rằng, “tiền nào của đó”, thuốc chất lượng phải đi kèm với giá phù hợp chứ không thể có giá rẻ mà thuốc tốt được.
 
 
Từ ngày 1/1/2018 Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam triển khai thí điểm được đấu thầu thuốc dùng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT). Căn cứ pháp lý cho việc “đấu thầu tập trung”, là theo Điều 44 của Luật đấu thầu, việc mua sắm tập trung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng nhiều, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc chủ đầu tư.
 
Thực trạng đấu thầu tập trung khiến các bệnh viện phải chờ thuốc trong danh mục được duyệt dẫn đến thiếu thuốc, ảnh hưởng tới chất lượng điều trị. Và khi BHXH được giao quyền đấu thầu thuốc trong danh mục thuốc BHYT, có nghi ngại rằng với tiêu chí “giá rẻ”, rất có thể sẽ lặp lại kịch bản “trúng thầu thuốc trị ung thư” kiểu như VN Pharma.
 
Tiền nào của đó?
 
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, cựu phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận: “Đấu thầu tập trung là vấn đề có những cái lợi và cái hại. Cái lợi ở đây là giúp đơn vị BHYT khỏe khi không phải bàn cãi giá thuốc và có quy chế giám sát đơn giản. Tuy nhiên, với đặc thù của thị trường manh mún nhỏ lẻ, đấu thầu tập trung làm sao tìm được mẫu số chung, đảm bảo tiến độ cung ứng thuốc cho các cơ sở là rất khó. Thời gian qua, đấu thầu tập trung đã diễn ra đại trà nhưng thiếu nhân lực chuyên nghiệp nên phải sắp xếp vội vàng. Ngay trong Sở Y tế, Giám đốc Sở kiêm luôn cả chức Giám đốc Trung tâm đấu thầu nên đang tồn tại tình trạng Sở tự đá bóng, tự thổi còi”.
 
Một số thầy thuốc và dược sĩ ngại nêu tên đã cho rằng, “tiền nào của đó”, thuốc chất lượng phải đi kèm với giá phù hợp chứ không thể có giá rẻ mà thuốc tốt được.
 
Theo phân tích của PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, cơ chế đầu thuốc giá rẻ đang gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư lớn vào sản xuất, đầu tư dây truyền hiện đại. Theo quy định về đấu thầu thuốc, đứng về mặt lý thuyết thì rất đúng, tất cả các loại thuốc đều phải vượt qua vòng kỹ thuật 70 điểm rồi mới đến vòng đấu giá. Nhưng thang điểm trên ai cũng đạt được, vô hình chung đây chẳng khác nào một đề thi không thể loại, lựa được thí sinh nên rất khó phân biệt được chất lượng giữa doanh nghiệp dược có kỹ thuật cao với doanh nghiệp có kỹ thuật trung bình hay kém chất lượng.
 
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ: “Tôi không vơ đũa cả nắm về việc thuốc rẻ là thuốc kém chất lượng, nhưng trên thực tế thuốc rẻ thì rất khó có chất lượng tốt. Chúng ta đầu tư làm gì những nhà máy có dây truyền hiện đại đạt tiêu chuẩn GMP châu Âu rồi tiêu chuẩn FDA của Mỹ, Úc, Nhật Bản… nhưng tới hồi ra đấu thầu thì rớt hết. Ngay tại hệ thống các bệnh viện thành phố và những bệnh nhân có BHYT thì không được sử dụng thuốc của dây truyền sản xuất hiện đại trong nước”.
 
Tại sao không “thí điểm giảm độc quyền”?
 
Công bằng mà nói thì cũng đang có vấn đề các bác sĩ bệnh viện né tránh không kê đơn thuốc bảo hiểm, mà kê đơn thuốc ngoại giá cao để ăn “hoa hồng”, khiến người dân mất quyền lợi bảo hiểm và phải mua thuốc với giá cao. Để giải quyết điều này, trong quản lý cần có những quy định với các điều khoản hạn chế tầng nấc trung gian từ sản xuất đến tay người bệnh, qua đó sẽ giảm tình trạng “hoa hồng” trong kê đơn, bán thuốc. Những thương vụ mua, bán lòng vòng được khai trước phiên hình sự sơ thẩm vụ công ty cổ phần Dược VN Pharma là ví dụ rõ rệt nhất.
 
“Với cơ chế tự chủ về mặt tài chính các bệnh viện đang triển khai thì Nhà nước không phải chi tiền, nhưng muốn mua sắm cái gì bệnh viện cũng phải xin. Điều đó khiến bệnh viện không phát huy được tính chủ động, sáng tạo, họ đang cố gắng vùng vẫy nhưng không thể tự gỡ trói. Trong khi đó, hệ lụy của việc đấu thầu khiến tần suất đón thanh tra, kiểm tra của cả lực lượng quản lý y tế lẫn công an diễn ra với mật độ dày đặc, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác chuyên môn của bệnh viện”. PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ quan điểm.
 
Nói một cách khác, thay vì chỉ thí điểm trao “độc quyền” đấu thầu thuốc cho BHXH, tại sao Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không “thí điểm giảm độc quyền”, bằng việc có cơ chế đấu thầu riêng cho từng bệnh viện. Nếu bệnh viện sử dụng vốn ngân sách thì việc đấu thầu phải thông qua BHXH hay Sở Y tế phê duyệt. Nhưng bệnh viện đã tự chủ về tài chính thì cũng phải được tự chủ trong đấu thầu, tiền của bệnh viện mà BHXH hay Sở Y tế lại quyết định đấu thầu là không mấy hợp lý.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)