Lời nói đầu của Hiến Pháp năm 1946 xác định nguyên tắc – “đảm bảo các quyền tự do dân chủ”. Và tại Điều thứ 10 của bản Hiến pháp đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tiền thân của nước CHXHCN Việt Nam) này đã ghi nhận, mọi công dân Việt Nam có quyền “tự do tổ chức và hội họp”.
Điều 14 – Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 2013 khẳng định, “quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và Pháp luật”. Và tại Điều 25 của bản Hiến pháp này, cũng ghi nhận “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”
Thế nhưng, trái với những kỳ vọng cũng như cam kết của Bộ Nội Vụ (cơ quan soạn thảo) khi xây dựng về một dự thảo luật mang tính công bằng và “nhằm bảo đảm thực hiện quyền lập hội của công dân đã được nêu trong Hiến pháp năm 2013”, thì Dự luật Luật Về hội được cơ quan này được công bố tháng 06-2015 để lấy ý kiến Bộ, ngành, địa phương, nhân dân… lại quá sơ sài và biểu hiện đậm nét sự độc đoán.
Nổi bật trong đó là sự phân biệt đối xử đối với các tổ chức hội có tư cách pháp nhân và hội chưa có tư cách pháp nhân; sử dụng ngôn từ mơ hồ, dễ suy diễn – không rạch ròi ranh giới giữa bất hợp pháp và hợp pháp qua Khoản 2, Điều 8 với quy định: “Thành lập, hoạt động trái pháp luật, trái quy tắc đạo đức xã hội, xâm phạm quyền và lơi ích hợp pháp của Nhà nước, cộng đồng, tổ chức, các nhân gây phương hại đến lợi ích, chủ quyền, an ninh quốc gia, an toàn xã hội, khối đại đoàn kết dân tộc, quyền con người và quyền công dân.”.
Nổi bật trong đó là sự phân biệt đối xử đối với các tổ chức hội có tư cách pháp nhân và hội chưa có tư cách pháp nhân; sử dụng ngôn từ mơ hồ, dễ suy diễn – không rạch ròi ranh giới giữa bất hợp pháp và hợp pháp qua Khoản 2, Điều 8 với quy định: “Thành lập, hoạt động trái pháp luật, trái quy tắc đạo đức xã hội, xâm phạm quyền và lơi ích hợp pháp của Nhà nước, cộng đồng, tổ chức, các nhân gây phương hại đến lợi ích, chủ quyền, an ninh quốc gia, an toàn xã hội, khối đại đoàn kết dân tộc, quyền con người và quyền công dân.”.
Bên cạnh đó, Dự luật Luật về Hội đã ngang nhiên đặc cách và bảo hộ cho các cơ quan – tổ chức xã hội, nghề nghiệp thuộc “cánh tay trái, phải” của Đảng như: Hội nhà báo Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam… khi đưa các tổ chức này ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật. Song song đó là, cấm thành lập các tổ chức Hội về sau với chức năng – vai trò tương tự – qua Khoản 3, Điều 9 với quy định: “Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lắp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động.”.
Điều này là hoàn toàn đi ngược lại với cam kết về một nhà nước CHXHCN Việt Nam sẽ “công nhận, tôn trọng, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự… theo Hiến pháp và Pháp luật”.
Điều này là hoàn toàn đi ngược lại với cam kết về một nhà nước CHXHCN Việt Nam sẽ “công nhận, tôn trọng, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự… theo Hiến pháp và Pháp luật”.
Và sự ra đời của Dự luật Luật về Hội cũng một lần nữa cho thấy, nhà nước CHXHCN Việt Nam vẫn chưa thực tâm tôn trọng quyền con người, dù rằng nó đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Mà mọi đề xuất hay công bố các dự thảo luật có liên quan đến quyền con người chỉ là sự gắng gượng nhằm tránh sự chỉ trích của quốc tế và khoảng trống về quyền con người trong thực tế xã hội Việt Nam. Hệ quả là cho ra đời những dự luật sơ sài và thiếu dân chủ dưới mác “đảm bảo quyền con người” .
Với vị trí và vai trò là một tổ chức XHDS độc lập tại Việt Nam – Hội nhà báo độc lập Việt Nam (HNBĐLVN) tiếp tục nhận thấy, Dự luật Luật về Hội Việt Nam hoàn toàn không đủ cơ sở để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam, không những thế – còn là rào cản lớn nhất cho chính sự phát triển bền vững của xã hội nước ta.
Tiếp nối tinh thần về đề xuất Dự thảo luật Biểu tình 2015, HNBĐLVN lần 2 công bố đề xuất Dự thảo Luật về quyền lập Hội (2-2016) – trên cơ sở, mọi “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.”.
Chúng tôi nhấn mạnh nỗ lực tham gia xây dựng một dự thảo Luật nhằm hiện thực hóa một trong những quyền mà người dân Việt Nam đáng được hưởng, gián tiếp đặt nền móng cơ sở cho một XHDS Việt Nam vững mạnh. Đồng thời, chúng tôi cũng kỳ vọng nhiều hơn nữa về sự “góp phần” xây dựng Dự thảo Luật về quyền lập Hội lần này thông qua sự đóng góp ý kiến, thảo luận, vận động của nhiều giai tầng, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Với sự nỗ lực xây dựng và góp ý, phản biện thẳng thắn, chúng ta có thể tin tưởng rằng, Dự thảo luật về quyền lập Hội lần này sẽ trở thành một dự thảo luật ngày càng chặt chẽ và có tính dân chủ. Đảm bảo tôn trọng cao nhất nguyên tắc tự do, tự nguyện và tự chịu trách nhiệm của các tổ chức hội đã – đang và sẽ được thành lập – hoạt động. Chủ động ngăn chặn việc can thiệp quá sâu vào quá trình thành lập, nhân sự và hoạt động của các tổ chức hội từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong tương lai. Qua đó cũng cho thấy, các tổ chức XHDS độc lập tại Việt Nam tiếp tục theo đuổi mối quan hệ đối tác của nhà nước, và không hề đứng ngoài tiến trình xây dựng, thay đổi chính sách của nhà nước theo hướng “phục vụ Dân, do Dân, và vì Dân.”.
* Để góp ý đề xuất dự thảo Luật biểu tình 2015, quý vị đồng bào trong và ngoài nước có thể điền thông tin vào biểu mẫu sau: http://goo.gl/forms/gfBB8mrZdv.
* Sau khi ghi danh, nếu quý vị gặp phải sự quấy nhiễu từ phía chính quyền, xin hãy báo ngay về địa banbientap@ijavn.org để chúng tôi nhận biết và xử lý.
* Thời hạn cuối để lấy ý kiến về đề xuất dự thảo Luật về quyền lập Hội là đến hết ngày 30-04-2016.
Trân trọng cảm ơn,
Ban điều hành HNBĐLVN
Toàn văn Dự thảo Luật về quyền lập Hội
(Lần 2, tháng 2-2016)
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật về quyền lập hội.
CHƯƠNG I: QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Luật này quy định về quyền lập hội; tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội.
2. Tổ chức công đoàn độc lập.
3. Luật này không áp dụng đối với Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng tại Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
1. “Hội” theo quy định của Luật này là tổ chức tự nguyện của công dân, người lao động, pháp nhân Việt Nam hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, đoàn kết, giúp đỡ nhau, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên; góp phần xây dựng và phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;
2. “Hiệp hội” là một loại hình hội do các pháp nhân Việt Nam cùng ngành nghề, lĩnh vực tự nguyện, tập hợp thành lập;
3. “Liên hiệp hội” hoặc “Tổng hội” là một loại hình hội do các hội có cùng mục đích hoặc lĩnh vực hoạt động gần giống nhau tự nguyện, tập hợp, liên kết thành lập;
4. “Liên đoàn” là một loại hình hội do công dân, pháp nhân Việt Nam tập hợp thành lập;
5. “Không vì mục đích lợi nhuận” là không tìm kiếm lợi nhuận để phân chia, lợi nhuận có được trong quá trình hoạt động hội được dành cho các hoạt động của hội theo điều lệ đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
6. Công đoàn độc lập là các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động, không thể bị giải tán hay tạm ngưng hoạt động bởi cơ quan hành chính.
Các tổ chức quy định tại Khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều này sau đây gọi chung là hội.
Điều 3. Quyền lập hội
1. Quyền lập hội của công dân, pháp nhân Việt Nam gồm:
a) Quyền tham gia ban vận động thành lập hội;
b) Quyền tham gia thành lập hội;
c) Quyền vào hội; quyền tham gia hoạt động của hội; quyền tham gia điều hành hoạt động của hội và quyền ra khỏi hội theo quy định của điều lệ hội.
2. Nguyên tắc thực hiện quyền lập hội:
a) Công dân, pháp nhân Việt Nam thực hiện quyền lập hội theo quy định pháp luật;
b) Công dân, pháp nhân Việt Nam thực hiện quyền lập hội không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc; quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
3. Công dân, pháp nhân Việt Nam bị hạn chế quyền lập hội trong các trường hợp sau:
a) Vi phạm các hành vi bị cấm quy định tại Điều 10 Luật này;
b) Cá nhân bị mất quyền công dân hoặc bị hạn chế quyền công dân theo quy định của pháp luật; mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình; đang bị truy cứu trách nhiệm hoặc đang chấp hành các hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự, mà phần án tuyên có giới hạn về quyền lập hội.
c) Pháp nhân Việt Nam đang trong quá trình xem xét phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, tạm đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật;
d) Các trường hợp khác theo quy định của Luật có liên quan, và không đi ngược lại với các quy định liên quan ở Luật này.
4. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm, tạo điều kiện để công dân, pháp nhân Việt Nam thực hiện quyền lập hội theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 4. Quyền lập tổ chức công đoàn độc lập
Các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động có quyền thành lập và tham gia liên đoàn và liên minh; và bất cứ tổ chức, liên đoàn hay liên minh nào như vậy đều có quyền liên kết với các tổ chức quốc tế của người lao động và người sử dụng lao động.
Điều 5. Chính sách đối với hội và người làm việc tại hội
1. Chính sách của Nhà nước đối với hội
a) Ban hành cơ chế, chính sách để hội tham gia xã hội hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ, tư vấn; thực hiện chương trình, dự án, đề tài và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
b) Đối với các hội do Đảng và Nhà nước có nhu cầu thành lập và đã được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, thì thực hiện theo Luật ngân sách nhà nước (năm 2015).
c) Đối với các hội còn lại: Kinh phí hoạt động của hội thực hiện theo nguyên tắc tự bảo đảm, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho các nhiệm vụ Nhà nước giao (nếu có).
2. Người làm việc tại hội được thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật và theo điều lệ hội.
3. Chính phủ quy định chi tiết thi hành Điều này.
Điều 6. Chính sách đối với công đoàn độc lập và người làm việc tại công đoàn độc lập
Không có bất kỳ sự phân biệt nào về trách nhiệm và quyền lợi giữa các tổ chức công đoàn độc lập với hệ thống công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hiện hành.
Điều 7. Áp dụng pháp luật về hội
Luật này áp dụng chung cho việc thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội.
Điều 8. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội
1. Tự nguyện, tự quản.
2. Tự chủ kinh phí hoạt động.
3. Dân chủ, bình đẳng, minh bạch.
4. Không vì mục đích lợi nhuận.
5. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội.
Điều 9. Tên, trụ sở, phạm vi hoạt động, địa vị pháp lý
1. Tên của hội được viết bằng tiếng Việt, có thể được phiên âm, dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài và phù hợp với tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của hội; không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hoá dân tộc.
2. Trụ sở của hội đặt tại Việt Nam theo phạm vi hoạt động của hội.
3. Phạm vi hoạt động của hội (theo lãnh thổ) gồm:
a) Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh;
b) Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh);
c) Hội có phạm vi hoạt động trong huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là huyện);
d) Hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã).
4. Hội có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Các hành vi bị cấm
1. Cản trở công dân, pháp nhân Việt Nam thực hiện quyền lập hội theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
2. Ép buộc công dân, pháp nhân Việt Nam thành lập, tổ chức, hoạt động hội trái quy định của pháp luật.
3. Xúi giục, lôi kéo, kích động, mua chuộc công dân, pháp nhân Việt Nam thành lập và tổ chức các hoạt động của hội trái pháp luật.
4. Lợi dụng việc thành lập, hoạt động của hội để xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản hợp pháp của người khác hoặc cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng;
CHƯƠNG II: THÀNH LẬP HỘI
Điều 11. Điều kiện thành lập hội
1. Tên theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Luật này.
2. Tôn chỉ, mục đích hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật.
3. Có dự thảo điều lệ.
Điều 12. Ban vận động thành lập hội
1. Công dân, pháp nhân Việt Nam có nhu cầu thành lập hội phải dự kiến danh sách những người tham gia ban vận động thành lập hội. Danh sách ban vận động thành lập hội được gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Ban vận động thành lập hội có trách nhiệm:
a) Vận động công dân, pháp nhân đăng ký tham gia thành lập hội;
b) Hoàn thiện hồ sơ đăng ký thành lập hội;
c) Hết thời hạn 02 (hai) năm kể từ ngày có gửi danh sách ban vận động thành lập hội, ban vận động không thực hiện quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, coi như ban vận động tự giải thể.
3. Ban vận động thành lập hội tự giải thể sau khi tổ chức đại hội thành lập hội bầu ra ban lãnh đạo.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 13. Đăng ký thành lập hội
1. Hồ sơ đăng ký thành lập hội gồm:
a) Văn thư đăng ký thành lập hội;
b) Dự thảo điều lệ theo quy định tại Khoản 3 Điều 11 và Điều 14 Luật này.
c) Danh sách ghi danh tham gia hội của công dân và pháp nhân Việt Nam;
đ) Văn bản chứng minh quyền sử dụng hợp pháp nơi dự kiến đặt trụ sở của hội.
2. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục đăng ký thành lập hội.
Điều 14. Nội dung chủ yếu của điều lệ hội
1. Tên, tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực và phạm vi hoạt động của hội.
2. Địa vị pháp lý, trụ sở của hội (trường hợp có nhu cầu về trụ sở).
3. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động; chức năng, quyền, nghĩa vụ của hội.
4. Hội viên; quyền, nghĩa vụ của hội viên; thủ tục vào hội, rời khỏi hội.
5. Cơ cấu, tổ chức, thể thức bầu và miễn nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của các hội viên tham gia ban quản trị.
6. Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đổi tên, giải thể và thanh quyết toán tài sản, tài chính.
7. Tài sản, tài chính, quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội.
8. Khen thưởng, kỷ luật; khiếu nại, tố cáo; giải quyết khiếu nại trong nội bộ hội.
9. Sửa đổi, bổ sung điều lệ và hiệu lực thi hành.
10. Các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 15. Đại hội thành lập hội
1. Trong thời hạn 06 (sáu) tháng kể từ ngày cấp giấy đăng ký thành lập hội, ban vận động thành lập hội phải tổ chức đại hội thành lập hội; hết thời hạn này mà không tổ chức đại hội thành lập hội thì giấy đăng ký thành lập hội hết hiệu lực.
2. Nội dung chủ yếu của đại hội thành lập:
a) Công bố việc thành lập hội;
b) Thảo luận và thông qua điều lệ;
c) Chọn ban quản trị điều hành;
d) Thông qua phương hướng hoạt động của hội;
đ) Thông qua nghị quyết của đại hội.
3. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục công nhận điều lệ hội.
Điều 16. Thẩm quyền cấp giấy đăng ký thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, tạm đình chỉ, giải thể, đổi tên, công nhận điều lệ và người đại diện theo pháp luật của hội
1. Chính phủ có nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của các hội, tổ chức phi chính phủ;
2. Bộ Nội vụ giúp Chính phủ quản lý nhà nước đối với hoạt động của các hội.
CHƯƠNG III: HỘI VIÊN CỦA HỘI
Điều 17. Hội viên của hội
1. Hội viên của hội gồm hội viên chính thức, hội viên liên kết, hội viên danh dự.
2 Hội viên chính thức: Công dân, pháp nhân Việt Nam tán thành điều lệ hội, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn hội viên theo quy định của Luật này và điều lệ hội, tự nguyện, có ghi danh gia nhập hội có thể trở thành hội viên chính thức của hội:
a) Đối với cá nhân: Là công dân Việt Nam không bị tòa án tuyên cấm tham gia hoạt động về hội hoặc hành nghề thuộc lĩnh vực hoạt động chính của hội;
b) Đối với pháp nhân: Là pháp nhân của Việt Nam không bị cấm hoạt động theo quyết định của tòa án.
3. Hội viên liên kết: Công dân, pháp nhân Việt Nam không có điều kiện hoặc không có đủ tiêu chuẩn trở thành hội viên chính thức của hội, tán thành điều lệ hội, tự nguyện gia nhập hội, có thể trở thành hội viên liên kết của hội.
4. Hội viên danh dự: Công dân, pháp nhân Việt Nam có uy tín, công lao đóng góp cho hội thì có thể được hội suy tôn làm hội viên danh dự của hội.
5. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục kết nạp hội viên do điều lệ hội quy định.
Điều 18. Quyền và nghĩa vụ của hội viên
Quyền và nghĩa vụ của hội viên do điều lệ hội quy định.
Điều 19. Chấm dứt tư cách hội viên
1. Đối với hội viên cá nhân:
a) Có thư thông báo rời khỏi hội hoặc bị khai trừ theo quy định của điều lệ hội;
b) Bị tòa án tuyên bố là mất tích, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự; chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết.
2. Đối với hội viên pháp nhân:
a) Có thư thông báo rời khỏi hội hoặc bị khai trừ theo quy định của điều lệ hội;
b) Bị giải thể, phá sản, hợp nhất, chia, tách; bị tòa án tuyên cấm hoạt động về hội hoặc hành nghề thuộc lĩnh vực hội hoạt động.
3. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục chấm dứt tư cách hội viên, giải quyết quyền và nghĩa vụ đối với hội viên do điều lệ hội quy định.
CHƯƠNG IV: TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI
Điều 20. Cơ cấu tổ chức của hội
Theo thỏa thuận tại điều lệ hội.
Điều 21. Đại hội
1. Nhiệm kỳ đại hội do điều lệ hội quy định.
2. Đại hội bất thường được triệu tập khi ít nhất có 2/3 (hai phần ba) tổng số uỷ viên ban quản trị hoặc có trên 1/2 (một phần hai) tổng số hội viên chính thức đề nghị.
3. Đại hội nhiệm kỳ hoặc đại hội bất thường được tổ chức dưới hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu. Đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu chỉ được tổ chức khi có trên 1/2 (một phần hai) số hội viên chính thức hoặc có trên 1/2 (một phần hai) số đại biểu chính thức có mặt.
4. Những nội dung quyết định tại đại hội:
Theo các nội dung thỏa thuận tại điều lệ hội.
Điều 22. Ban quản trị và người đại diện theo pháp luật của hội
1. Ban quản trị là cơ quan điều hành của hội giữa hai nhiệm kỳ đại hội, do đại hội bầu trong số các hội viên chính thức của hội.
2. Số lượng, tiêu chuẩn, nhiệm kỳ, nguyên tắc hoạt động của ban quản trị do điều lệ hội quy định.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn theo thỏa thuận tại điều lệ hội.
4. Người đại diện theo pháp luật của hội do ban quản trị bầu trong số các ủy viên ban quản trị theo quy định của pháp luật và điều lệ hội. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 16 Luật này công nhận và bãi nhiệm người đại diện theo pháp luật của hội.
5. Chính phủ quy định chi tiết thủ tục công nhận và bãi nhiệm người đại diện theo pháp luật của hội.
Điều 23. Đơn vị, tổ chức thuộc hội
Theo điều lệ hội.
CHƯƠNG V: HỢP NHẤT, SÁP NHẬP, CHIA, TÁCH, TẠM ĐÌNH CHỈ, GIẢI THỂ HỘI
Điều 24. Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hội
1. Hai hoặc nhiều hội đang hoạt động có phạm vi và lĩnh vực hoạt động gần giống nhau có thể hợp nhất thành hội mới. Các quyền, nghĩa vụ và tài sản liên quan được chuyển giao cho hội hợp nhất.
2. Một hoặc nhiều hội đang hoạt động có thể sáp nhập vào một hội khác có phạm vi và lĩnh vực hoạt động gần giống nhau. Các quyền, nghĩa vụ và tài sản liên quan được chuyển giao cho hội nhận sáp nhập.
3. Hội đang hoạt động có thể chia thành hai hoặc nhiều hội mới có phạm vi hoạt động và lĩnh vực hoạt động khác nhau. Các quyền và nghĩa vụ liên quan được chuyển giao cho các hội mới.
4. Hội đang hoạt động có thể tách thành hội mới có cùng phạm vi hoạt động và lĩnh vực hoạt động khác nhau. Hội bị tách chuyển giao một phần quyền, nghĩa vụ và tài sản (nếu có) cho hội được tách.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 25. Tạm đình chỉ hoạt động hội
1. Hội bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 16 Luật này tạm đình chỉ hoạt động 06 (tháng) khi vi phạm một trong các trường hợp:
a) Vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 10 Luật này;
b) Quá thời hạn 06 (sáu) tháng kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 16 Luật này yêu cầu hội giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhưng hội không giải quyết;
c) Vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý tài sản, tài chính;
d) Bầu các chức danh quản trị hội không đúng quy định của pháp luật và điều lệ hội;
đ) Hoạt động của hội vi phạm quy định của pháp luật liên quan, điều lệ hội.
2. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục tạm đình chỉ hoạt động hội và thủ tục cho phép hội hoạt động trở lại sau khi tạm đình chỉ hoạt động.
Điều 26. Giải thể hội
1. Hội tự giải thể khi không đủ điều kiện hoạt động hoặc bị giải thể khi vi phạm pháp luật.
2. Hội tự giải thể trong các trường hợp sau đây:
a) Ban quản trị hội đề nghị;
b) Trên 1/2 (một phần hai) tổng số hội viên chính thức đề nghị.
3. Hội bị giải thể trong các trường hợp sau đây:
a) Quá thời hạn bị tạm đình chỉ mà hội không khắc phục được vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 29 Luật này;
c) Quá thời hạn 06 (sáu) tháng kể từ khi có nghị quyết của đại hội về việc tự giải thể mà ban quản trị hội không chấp hành;
d) Quá thời hạn 09 (chín) tháng kể từ khi có yêu cầu của trên 1/2 (một phần hai) tổng số hội viên chính thức đề nghị nhưng ban quản trị hội không tiến hành thủ tục tự giải thể hội;
đ) Mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ hội không giải quyết dứt điểm và kéo dài quá 12 (mười hai) tháng kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan quản lý nhà nước quy định tại Điều 16 Luật này yêu cầu hội giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ hội;
e) Hoạt động của hội vi phạm pháp luật, điều lệ hội nghiêm trọng.
4. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục giải thể hội.
CHƯƠNG VI: TÀI SẢN, TÀI CHÍNH CỦA HỘI
Điều 27. Tài sản, tài chính
1. Tài sản của hội bao gồm:
a) Trụ sở, trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động của hội;
b) Tài sản của hội được hình thành từ nguồn kinh phí của hội; do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hiến, tặng, tài trợ theo quy định của pháp luật, nguồn ngân sách nhà nước trang bị hoặc hỗ trợ gắn với nhiệm vụ được giao (nếu có).
2. Nguồn thu của hội:
a) Hội phí;
b) Nguồn thu từ các hoạt động cung cấp dịch vụ, tư vấn, thực hiện chương trình, dự án, đề tài và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật;
c) Tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;
d) Các nguồn thu hợp pháp khác.
3. Khoản chi của hội:
a) Chi hoạt động thực hiện nhiệm vụ của hội;
b) Chi thuê trụ sở làm việc, mua sắm phương tiện làm việc;
c) Chi thực hiện chế độ, chính sách đối với người làm việc tại hội;
d) Chi khen thưởng và các khoản chi khác theo quy định của điều lệ hội và quy định của pháp luật.
Điều 28. Quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội
Việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội phải công khai, minh bạch theo điều lệ hội và quy định của pháp luật:
1. Tài sản, tài chính của hội được sử dụng để thực hiện tôn chỉ, mục đích, quyền và nghĩa vụ của hội, không được chia cho hội viên.
2. Việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính do ngân sách nhà nước cấp, khoán, hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ được giao, thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
3. Việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ được thực hiện theo quy định của pháp luật.
4. Việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính đối với tài sản không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này được thực hiện theo quy định của điều lệ hội.
5. Chính phủ quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều này.
CHƯƠNG VII: QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HỘI
Điều 29. Nội dung quản lý nhà nước về hội
1. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hội.
2. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hội.
3. Quyết định đăng ký thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, tạm đình chỉ, giải thể, đổi tên, công nhận điều lệ và người đại diện theo pháp luật của hội.
4. Hướng dẫn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác quản lý hội.
5. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hội; kiểm tra việc thực hiện điều lệ hội đối với các hội.
6. Quản lý việc ký kết, thực hiện thoả thuận quốc tế, gia nhập các tổ chức quốc tế của hội, triển khai các hoạt động đối ngoại, tiếp nhận viện trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật.
7. Quản lý tài sản, tài chính do ngân sách nhà nước cấp, khoán, hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ được giao và do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ theo quy định của pháp luật.
8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về hội.
9. Tổng hợp báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Điều 30. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hội
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hội trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện và phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hội theo phân công của Chính phủ.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm ban hành cơ chế, chính sách để hội tham gia thực hiện chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
CHƯƠNG VIII: CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP
Điều 31. Không bị phân biệt đối xử
Người lao động và người sử dụng lao động, không bị phân biệt về bất cứ yếu tố gì, đều có quyền thành lập, chỉ phải tuân theo các quy định tổ chức liên quan, và gia nhập các tổ chức mà họ tự lựa chọn mà không cần phải xin phép trước.
Điều 32. Quyền của tổ chức công đoàn độc lập
1. Tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động có quyền thảo ra Hiến chương và điều lệ, hoàn toàn tự do lựa chọn đại diện, tổ chức hành chính và các hoạt động, cũng như lập chương trình.
2. Các cơ quan công quyền không được có bất cứ can thiệp nào để hạn chế quyền này, hay ngăn cản việc thực thi quyền này theo pháp luật.
3. Các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động không thể bị giải tán hay tạm ngưng hoạt động bởi cơ quan hành chính.
4. Các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động có quyền thành lập và tham gia liên đoàn và liên minh, và bất cứ tổ chức, liên đoàn hay liên minh nào như vậy đều có quyền liên kết với các tổ chức quốc tế của người lao động và người sử dụng lao động trong khuôn khổ pháp luật.
Điều 33. Khen thưởng, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo
1. Hội, hội viên, người làm việc tại hội, tổ chức công đoàn độc lập có nhiều thành tích, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội thì được khen thưởng theo quy định của điều lệ hội và quy định của pháp luật.
2. Việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong nội bộ do hội, tổ chức công đoàn độc lập giải quyết theo quy định của điều lệ hội, của tổ chức công đoàn độc lập và quy định của pháp luật. Ban quản trị hội, ban điều hành tổ chức công đoàn độc lập quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khiếu nại trong nội bộ hội, tổ chức công đoàn phù hợp với điều lệ hội và quy định của pháp luật.
3. Hội thông báo kết quả giải quyết tranh chấp, khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 16 Luật này.
Điều 34. Xử lý vi phạm
1. Cơ quan, pháp nhân, cá nhân vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Chính phủ quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định của Luật này.
CHƯƠNG IX: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 35. Áp dụng quy định của Luật về quyền lập hội đối với các đối tượng khác
Chính phủ quy định việc áp dụng Luật này đối với các đối tượng sau:
1. Người có quốc tịch nước ngoài hoặc người không quốc tịch đang sống, làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội trong một số trường hợp cụ thể;
2. Người Việt Nam ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam được thành lập, tham gia hội tại Việt Nam;
3. Hội viên của các tổ chức quốc tế.
Điều 36. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.
2. Luật này thay thế Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20 tháng 5 năm 1957 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành Luật quy định quyền lập hội.
3. Hội được thành lập hợp pháp trước ngày Luật này có hiệu lực thì tiếp tục hoạt động, không phải làm thủ tục đăng ký thành lập lại và trong thời hạn 12 (mười hai) tháng, hội phải thực hiện trình tự, thủ tục công nhận người đại diện theo pháp luật của hội theo quy định của Luật này.
Điều 37. Hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật này.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa …, kỳ họp thứ … thông qua ngày … tháng … năm …
***
* Để góp ý đề xuất dự thảo Luật biểu tình 2015, quý vị đồng bào trong và ngoài nước có thể điền thông tin vào biểu mẫu sau: http://goo.gl/forms/gfBB8mrZdv.
* Sau khi ghi danh, nếu quý vị gặp phải sự quấy nhiễu từ phía chính quyền, xin hãy báo ngay về địa banbientap@ijavn.org để chúng tôi nhận biết và xử lý.
* Thời hạn cuối để lấy ý kiến về đề xuất dự thảo Luật về quyền lập Hội là đến hết ngày 30-04-2016.