Tùy bút của Hùng Văn
(VNTB) – Đêm 15 tháng 4 hàng năm với người Phan Rang luôn là một đêm rất dài cho đợi sáng…
Quân sử của ‘bên thắng cuộc’, viết rằng, “Sáng ngày 14/4/1975, tiếng pháo công kích của đại quân ta bắt đầu bắn vào điểm chốt của địch ở Bà Râu, Suối Đá, Kiền Kiền, Ba Tháp, Núi Đất và sân bay Thành Sơn.
Đến 7 giờ sáng ngày 14/4/1975, Sư đoàn 3 bộ binh ta tấn công chiếm quận lỵ Du Long và các vị trí Bà Râu, Suối Vang, Suối Đá, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch tại đây; đồng thời bẻ gãy nhiều đợt phản công của chúng hòng giữ “Tuyến Phòng thủ từ xa”.
Sáng ngày 16/4/1975, lệnh tấn công được phát ra, lực lượng ta chia làm 3 mũi chính: Mũi thứ nhất có xe tăng dẫn đầu tiến theo đường Quốc lộ 1, sau khi đánh chiếm Phan Rang sẽ tiến lên sân bay Thành Sơn từ hướng Nam; mũi thứ 2 từ hướng Tây Bắc đánh thẳng vào sân bay Thành Sơn; mũi thứ 3 đánh chiếm cảng Ninh Chữ, không cho địch tháo chạy ra biển. Phối hợp với quân chủ lực, lực lượng 311 ở núi Cà Đú xuất kích, đánh tạt vào sườn quân địch đang tháo chạy.
Ở hướng Tây Bắc, 2 đại đội đặc công và công binh Quân khu 6 phối hợp với lực lượng địa phương chọc thẳng xuống Phước Thiện, Ninh Quý, vượt qua Cầu Sắt vào khu vực Bảo An – Tháp Chàm.
Đến 9 giờ 30 phút ngày 16/4/1975 cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên đỉnh Toà hành chính – cơ quan đầu não ngụy quyền Ninh Thuận, đánh dấu tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng. Tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ Sài Gòn bị đập tan đã tạo thế mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”.
Tiếp nối Ninh Thuận là Bình Thuận để rồi sau khúc khải hoàn thì hai địa danh này bị xóa sổ để thành Thuận Hải, và hôm 1 tháng 4 vừa qua, Ninh Thuận đã kỷ niệm 30 năm “tái lập tỉnh”.
Nhắc đến cuộc chiến giờ thành ký ức xa xăm lắm rồi, cuộc chiến hồi nào giờ đọng lại trong men tàn hương rượu của đêm nay ở Phan Rang đêm trước sự kiện 47 năm, thân hữu lại nhắc đến Nguyễn Văn Hải – người được biết đến với cái tên bút danh của sáng tác thơ Nguyễn Bắc Sơn.
Sinh tiền, thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn có nhà ở địa chỉ số 5, đường Chu Văn An, Phan Thiết.
Phan Rang mùa này càng về khuya trời càng oi. Một gã bạn cũ mèm nào đó ngân nga những câu thơ hời nào của Nguyễn Bắc Sơn về thân phận của tuổi trẻ thời ly loạn, và chuyện công hầu khanh tướng giờ dẫu 47 năm đi qua vẫn tựa nước chảy qua cầu…
Khi ta thôi học
Người khách trú bán ve chai già đã chết
Y đã hát cho ta nghe
Những buổi trưa buồn rầu
Trong ngôi trường đầy vết tích chiến tranh
Những bài hát làm nhớ hoài một nước cổ Trung Hoa
Một nước Trung Hoa loạn lạc
Thiếu cơm và thừa nước mắt
Ôi giấc mộng anh hùng Lương Sơn Bạc
Khi ta thôi học
Các giáo sư dạy cho lũ học trò những điều họ không tin
Và chúng ta tin những điều họ không dạy
Khi ta thôi học
Ta không biết con người sinh ra để làm gì
Và ta mải miết
Ði tìm câu trả lời
Ðể sống yên tâm
Tiếc mày không gặp tao ngày trước
Ta cho mày say quất cần câu
Rượu bia bốn chục chai đồ bỏ
Uống từ chạng vạng suốt đêm thâu
Thành phố giới nghiêm ta ngất ngưỡng
Một mình huýt sáo một mình nghe
Theo sau còn có vầng trăng lạnh
Cao tiếng cười buông tiếng chửi thề
Thời đó là thời ta chấp hết
Lửng lơ hoài trên chiếc đu quay
Ðời mình như ly rượu cạn
Hắt toẹt đời đi chẳng nhíu mày
Thời đó là thời ta bất xá
Sẵn sàng chia khổ với anh em
Hơi cay, đạn khói, dùi ba trắc
Bước cũng không lui trước bạo quyền
Bây giờ ta đã thành ti tiểu
Uốn vào khuôn khổ cuộc đời kia
Loanh quanh trong chiếc chuồng vuông chật
Sống đủ trăm năm kiếp ngựa què.
… Lại thêm một lần nữa tháng 4 về rải đều khắp miền Nam, nước Việt.