Vũ Kim Hạnh
Điều tôi nghe về đảo An Bang trước khi đến, gợi trong tôi nhiều tò mò, hồi hộp. Cách đảo Trường Sa lớn chỉ 135 km, diện tích nhỏ lắm, chỉ 1 ha. Nền đảo là bãi san hô ngập nước, toàn đảo như cái nấm san hô khổng lồ. Cấu trúc chung là san hô dựng đứng nên bao quanh đảo là sóng vỗ ầm ì, gió dữ gió giật.Đảo có một đội chuyên kéo tàu khi khách đến thăm mà bị sóng dữ, không vào đảo được. Và toàn đảo không có giếng nước ngọt; mặt đất toàn cát san hô, khó trồng cây. Bộ đội trên đảo PHẢI TIẾT KIỆM TỪNG GIỌT NƯỚC NGỌT…
VÂNG, AN BANG KHÔNG ĐẤT TRỒNG, KHÔNG NƯỚC NGỌT.
Tôi lồm cồm bò trên những bao cát trải dài, tay chống trên những hạt cát san hô ẩm ướt. Và khi đứng dậy, ngước lên…WOW ! Một dãy ba cái thau nước (ngọt) trong vắt, kê ngang tầm tay cùng ba chiếc khăn mặt sạch bong. Một anh bộ đội nói nhẹ, cô rửa tay cho hết cát rồi vào thăm ạ. Họ tiết kiệm từng giọt nước và…mời khách rửa tay? Sự hiếu khách của lính đảo bỗng khiến tôi chùng lòng, xúc động.
Tôi bước vào “hoang mạc” , càng ngạc nhiên. Ở họng của công sự đầu tiên là nhà màng trồng rau, và chung quanh đều phủ xanh bóng cây. Gần, xa chung quanh tôi đều rợp xanh. Cuộc họp mặt và giao lưu giữa khách và bộ đội diễn ra ở một phòng họp cũng hết sức đặc biệt, giữa sân, trời vẫn nắng chói chang mà sân mát rượi dưới “mái che” toàn là những tầng lá giao nhau. Ngồi nghe các phát biểu dưới lá của “phòng họp thiên nhiên”, tôi cứ chĩa ngược điện thoại lên trời, chụp ảnh “mái che” khiến anh bộ đội ngồi cạnh thắc mắc hỏi, cô có muốn chụp ảnh thì đưa máy cháu chụp cô ngồi họp ạ. Tôi phì cười, cô chụp cây lá thôi.
Một lát tôi rời đi xuống phía bờ. Sóng vẫn vỗ mạnh, nắng vẫn đổ lửa. Tôi bỗng nghe trong tiếng gió một cuộc chuyện trò. Cây cột điện gió hỏi cây trụ thông tin đối diện, này tớ cung cấp đủ năng lượng, cậu có truyền tin kịp nhanh không đấy? Trong lòng tôi, vừa phục vừa thương những người chủ đảo, khi biết thêm, ở đảo này, không chỉ khổ vì khí hậu, thổ nhưỡng, họ còn từng phút từng giây căng thẳng đương đầu với của kẻ thù, bởi An Bang là lá chắn vòng ngoài ngăn chặn tấn công của địch từ hướng biển và khống chế các loại máy bay quân sự, các tàu xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Ngọn đèn biển xây trên đảo nhỏ này, từ 1966, đằng xa là điểm sáng của hòn đảo nhỏ là cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với khu vực dầu khí thềm lục địa phía Nam Tổ quốc
“QUÊ CON Ở TRƯỜNG SA”.
Đảo Trường Sa lớn quả thực là lớn nếu so với An Bang, ở gần đất liền nhất, cách Cam Ranh chừng 250 lý (dân đảo gọi là lý, thay vì hải lý). Đảo có diện tích 48 ha. Đây cũng là đảo duy nhất mà tàu Kiểm Ngư KN-290 cặp thẳng lên cầu tàu, không phải đi xuồng (và thế là lần đầu tiên, các chị có thể…mang giày cao gót thay cho dép rọ, nên “điệu” hẳn). Bước lên đảo là thấy đường nhựa rộng thênh thang, nhà cửa chen chúc với nhiều công trình, đài tưởng niệm liệt sĩ, nhà tưởng niệm Bác Hồ, chùa, nhà truyền thống, sân bóng (cỏ nhân tạo) , nhà khách, hải đăng, trường tiểu học, văn phòng Ủy ban Thị trấn…Đảo có nhiều hộ dân và có bảng tên đường, bằng số, N3, N4, không rõ nghĩa chữ N (đọc thành Anh) và không thấy những tên đường là M (em)?
Trên đảo cũng vẫn chỉ có vài loại cây quen thuộc: bàng vuông, phi lao, phong ba, nhưng tôi được biết thêm, cây bão tố hay mọc nép mình dưới cây phong ba cao to lực lưỡng (cách phân biệt: cành, nhánh của cây bão tố thì nhỏ, mảnh như cành mai). Vẫn nắng muốn bỏng cả ánh nhìn, mọi người chen nhau ngồi dưới những tàng cây xanh, những nhà nghỉ chân nhỏ xíu, ai nấy ngồi thở ra, lau mồ hôi. Tôi lân la đến khu nhà các anh bộ đội, hỏi thăm, hỏi “định tính” thì họ trả lời, đến “định lượng” thì họ im lặng và…cười (bí mật quân sự?).
Vui nhất là vào buổi tối, nắng và nóng vừa “tan ca”, nhường cho khí trời thật dịu mát. Cả đảo sáng đèn, tiếng đàn điện tử vang lên giữa thinh không biển trời mênh mông, thật hấp dẫn, thúc giục.
Ôi yêu sao là yêu điệu nhảy của những anh lính đảo. Mới hồi chiều chứ đâu, tôi hỏi số liệu thì cứ ngậm tăm loay hoay ậm ừ thì lúc này, họ nhào lên sân khấu, nhảy múa (rất điệu nghệ chứ không phải loạn xạ nhé) và hát thật to như muốn nổ tung lồng ngực. Tôi chen không lọt với mấy ông vác ống kính to của VTV mà cũng thu được trọn bài nhảy thật là đẹp “Chào em cô gái Lam Hồng” và khi bật lên nghe lại, còn nghe tiếng la của chính mình “Quá hay. Quá hay” . Khán giả này thật là thiếu kềm chế? Tôi xem lại đoạn video, biết 30 chú bộ đội trẻ khỏe này đã luyện tập bài nhảy rất công phu cả tháng trời. Họ múa đều và đầy sức sống. Ngay khi họ không múa gì, giữa đoạn nhạc chờ, chỉ đứng chân trụ và nhịp thôi, vậy mà cũng thấy sự dũng mãnh, nhịp nhàng. Suốt bài múa, khán giả bộ đội nhộn nhạo múa theo…Họ khỏe và vui thế, điêu luyện mà vẫn hồn nhiên trong vẻ mặt búng ra sữa đầy say mê hòa với nhịp dìu dặt của nhạc…
Đám trẻ con của đảo lên hát đồng ca một bài thật ngắn. Tiếng con nít phát âm thật rõ, thật trong trẻo: “Con thích chủ Hải quân dạy con hát, dạy con học, dạy con chơi. Con thương quê con. Quê con ở Trường Sa…”.
Quê con ở Trường Sa. Nghe không mềm lòng sao được, những đứa bé sinh ra, lớn lên ở đây, sẽ là thế hệ giữ đảo này, mà ta gặp, có khi chỉ một lần trong đời?
Giữa trời biển bao la, tôi nhớ lại, lâu lắm rồi, mình chưa từng dự một đêm văn nghệ mà mình nhịp chân, đứng dậy lắc lư và hát, nhiều chỗ mình hét theo hồi nào không hay, ngập tràn cảm xúc như thế.
Tôi trở về tàu lớn, đi dưới những vòm cây. Trong tối, tôi bỗng như nhìn thấy rõ màu xanh bất khuất của những vòm cây khỏe khoắn làm nên sự sống cho đảo, từ hòn đảo rất bé kiên cường như An Bang hay xanh tươi trù phú như Trường Sa lớn.
Tôi thầm cám ơn màu xanh.
Thực ra là phải cám ơn những người giữ đảo đã trồng lên, khơi lên, sống chết giữ gìn cho được màu – xanh – sự – sống.
Khi toàn dân đảo đứng ra chào tàu KN-290 rời đi, có cả mấy cô bé, cậu bé vừa hát “Quê con ở Trường Sa”, tôi nhìn những tàng cây xanh giữa biển đen trời đen đang làm nền sau lưng cho hai hàng người, mà nghe mình thầm nói: Xanh ơi, biết ơn Xanh, chú mày đáng yêu thế?