Việt Nam Thời Báo

VNTB- Đến với một giọng ca

Đỗ Đăng Bắc
(VNTB) – Mấy mươi năm đã trôi qua!…, cho dù không ai làm cái công việc “Đãi cát tìm vàng”, nhưng thời gian tự nó chắt lọc những giá trị đích thực của cuộc sống, và lưu giữ lại những giá trị không thể vùi dập.


Nhân sự kiện khán giả trong nước đang háo hức chờ đón giọng ca huyền thoại Khánh Ly về biểu diễn tại thủ đô, có khá nhiều bài viết về sự kiện này. 
“Giữa bãi hoang ngó về đền đài”-một bài viết rất hay của Tuấn Khanh (nhạc sỹ Tuấn Khanh?) là một trong những bài viết đó. “…Giữa một nền văn nghệ hiện đại không ít hỗn loạn với những giá trị đảo lộn, thương tích, người ta vẫn tìm cách tự chữa lành mình bằng cách ngó về những đền đài đã mất!”, Tuấn Khanh viết vậy…
Một buổi tối cuối năm, khi đang dò kênh tìm bóng đá tôi bỗng ngạc nhiên và hứng thú dừng lại ở một chỗ, nơi đó đang phát một chương trình ca nhạc. Trên sân khấu, bên trên hình ảnh một chiếc cửa sổ đã mở toang hai cánh, có dòng chữ: Live show Thanh Tuyền( Chương trình truyền hình trực tiếp tiếng hát Thanh Tuyền).
Điều đặc biệt ấn tượng nữa là, chương trình được tổ chức thực hiện ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội.
Tôi thấy tiếc vì không biết chương trình đã phát từ bao giờ, và còn kéo dài bao lâu nữa. Kia, người nữ ca sỹ của live show mang tên cô, đang đứng trên sân khấu. Cận cảnh, khuôn mặt cô cho thấy cô không còn trẻ nữa. Mấy mươi năm đứng trên sân khấu, dấu vết của thời gian hiện rõ bên khóe mắt người ca sỹ. Giờ đây, vẫn cái giọng da diết vút cao, như xoáy sâu vào hồn người, nhưng dường như đã thiếu đi cái mượt mà, non tơ ngọt ngào của giọng ca một thời con gái. Vẫn chất giọng không thể trộn lẫn vào đâu, một giọng ca “Từ trong tận cùng sâu thẳm,” nhưng thanh âm đôi chỗ đã rạn vỡ, chứa chất sự mệt mỏi của cuối chặng đường!…
Tôi nhắm mắt lại, hồi tưởng một Thanh Tuyền khi xưa…hơn ba mươi năm về trước, một giọng ca thần tượng đem đến cho tôi những tuyệt tình ca; một giọng ca “…duy nhất chuyên chở được nỗi bơ vơ, lạc lõng của con người” với những Rừng lá thấp, Tình thư của lính, Không bao giờ ngăn cách, Kiếp nghèo, Hội trùng dương…
Người ta làm sao không nhớ tới Thanh Tuyền, mỗi khi nghe ai đó hát “Nỗi buồn hoa phượng”.
Và “Đà Lạt hoàng hôn” mà Thanh Tuyền mang đến, sẽ đọng lại mãi trong ký ức của mỗi ai khi đã đặt chân tới xứ Hoa anh đào…
Ngược về quá khứ, hơn ba mươi năm về trước, khi ấy tôi còn là một người lính trẻ. Không biết bao nhiêu phen tôi đã lần theo lối đường mòn trong đêm tối, vượt mấy quả đồi, để tìm đến một quán trà bên ngoài doanh trại, chỉ để nghe tiếng hát “Thanh Tuyền I”, “Thanh Tuyền II”. Bên ấm trà nóng, điếu thuốc ngún trên tay tôi thả hồn mình theo giọng ca Thanh Tuyền đang phát ra từ chiếc cassette của chủ quán. Có thể nói Thanh Tuyền là ca sỹ của lính. Giữa cái đói, cái rét nơi biên cương, tôi, một anh” Bộ đội cụ hồ” nhưng cũng đã tìm thấy niềm kiêu hãnh cho riêng mình, như niềm kiêu hãnh của người lính mà Thanh Tuyền mang đến cho người nghe: “… Giờ này anh ở đâu, Miền Trung hỏa tuyến địa đầu, giờ này anh ở đâu, vượt đường xa thiết giáp anh tung hoành…” .Có đêm, trên đường lần mò về doanh trại, tôi bị vệ binh trung đoàn bắt nhốt vào địa đạo khoét sâu trong lòng núi, vì tội bỏ doanh trại ra ngoài. Nhưng lần sau, “phi công vỗ cánh đại bàng…”, tôi lại tìm đến với Thanh Tuyền, đến với một giọng ca…
Ngược thời gian xa hơn nữa, vào những năm bảy lăm thế kỷ trước, sau khi Sài Gòn hoa lệ của Y Vân sụp đổ, khi mà người ta không còn được thấy “Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay…”, mà thay vào đó là muôn vàn áo lính của “Bộ đội giải phóng” từ rừng sâu đổ về. Không còn “ Ngựa xe như nước…”, mà thay vào đó là xe tăng gầm rú ào ào trên đường phố Sài thành. Cũng nhờ có biến cố này mà dân miền Bắc, “dân Bắc kỳ”, trong đó có tôi mới được biết đến ca sỹ Thanh Tuyền (tất nhiên mới chỉ được biết đến cô qua giọng ca được thâu vào dĩa loại 45vòng/ph, cùng lắm là được nhìn hình cô trên bìa dĩa). Ngày đó có hai loại dĩa, loại 33vòng/ph thường thâu âm các vở ca kịch dài. Loại 45vòng/ph thâu các bản tân nhạc hay tân cổ. Những ấn phẩm này theo chân các anh “Bộ đội cụ hồ” ra Bắc, sau khi “Giải phóng Miền Nam”; nói chính xác hơn, nó được các anh bộ đội giải ngũ cất giấu vào ngóc ngách ba lô của họ. Nó không hẳn là chiến lợi phẩm, có thể các anh bộ đội đã mua, xin hoặc thâu lượm từ những căn nhà bỏ hoang, mà giờ này chủ nhân của những chiếc dĩa đang ở trên những chiến hạm neo đậu ngoài khơi, hay ở nơi chân trời góc bể trong dòng người di tản…
Ngày đó các sản phẩm này bị cấm đoán ghê gớm. Nhưng oái oăm là rất rất nhiều người Miền Bắc muốn sở hữu các sản phẩm này; không phải chỉ vì ham muốn cái mới, cái lạ, nhưng còn bởi người ta muốn thưởng những giọng ca, những bài ca, mà bấy lâu nay người ta chỉ nghe ai đó hát bằng giọng hát thuốc lá thuốc lào những ca khúc này, đôi khi sai bét cả ca từ hay giai điệu, giờ được nghe chính những ca khúc đó bằng những giọng ca trứ danh, trong đó có giọng ca Thanh Tuyền.
Mặc cho bao chiến dịch truy quét “Tàn dư văn hóa phẩm đồi trụy!?”… do chính quyền tổ chức, những sản phẩm này vẫn được cất giấu trong những nhà nào may mắn có được.
Mặc dầu bao chiến dịch trong thanh niên, học sinh, vận động chống lại “ thứ văn hóa lai căng”, nhưng thanh niên vẫn hát! Mấy thanh niên thời đó không biết đến “Giọt mưa thu”, đến “Nỗi buồn hoa phượng”. Và thậm chí nhiều người không biết ca vọng cổ, vẫn nghêu ngao “Lan và Điệp” bằng cái giọng Nam bộ dở ẹc…
Ngày ấy loại nhạc dân Miền Nam gọi là “tân nhạc”,bị Miền Bắc dán cho cái nhãn “ Nhạc vàng” (sau này người ta gọi nó là nhạc sến).
Cái hồn quê, cái tình người dung dị, mộc mạc trong ca từ cuả nhiêù ca khúc mặc nhiên đi vào và lắng đọng trong sâu thẳm lòng người. Ai cũng có thể biết và hát… “ nhà em có cơm rau với cà, lại có em thơ mẹ già, mẹ chiều em lắm anh ơi…” cho dù không thể hát trọn vẹn bài hát hay biết tới tác giả của nó…
Rồi những ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn gắn với giọng ca huyền thoại Khánh Ly cứ ẩn hiện trong mỗi tâm hồn, mỗi con người Miền Bắc. Diễm xưa, Biển nhớ, Hạ trắng…thực sự là những mạch nguồn suối mát cho những cuộc đời vừa đi qua những cơn khát: Giải phóng Miền Nam, Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng, Hà nội, điện biên phủ trên không…
Mấy mươi năm đã trôi qua!…, cho dù không ai làm cái công việc “Đãi cát tìm vàng”, nhưng thời gian tự nó chắt lọc những giá trị đích thực của cuộc sống, và lưu giữ lại những giá trị không thể vùi dập.
Nhưng cuộc đời cũng có nhiều điều để phàn nàn.
Tại sao người tốt không được hưởng phước, người tài không được sử dụng hay được tôn vinh!..
Nếu cuộc đời luôn là công bằng, thì Thanh Tuyền và nhiều nghệ sỹ lớn khác của Miền Nam phải có danh hiệu( “ Nghệ sỹ nhân dân” chẳng hạn!).
Dẫu sao, danh vọng hay danh hiệu cũng chỉ là phù vân. Nghệ sỹ lớn, với tài năng và công sức họ, sự cống hiến, chính là bức chân dung họ tự tạc trong trái tim khán thính giả. Sự trân trọng và lòng ngưỡng mộ của quần chúng chính là vinh quang mà họ có được, cao hơn mọi danh vọng và danh hiệu…
Giọng ca của Thanh Tuyền là giọng ca buồn, gắn liền với những bản tình ca buồn. Nhưng, như ai đó khi dẫn chương trình âm nhạc giới thiệu nhạc sỹ Thanh Sơn có đề cập tới “Nhạc sến” đã nói: Cuộc đời cũng cần có những “dấu lặng” của nỗi buồn thì niềm vui và hạnh phúc mới trọn vẹn…”

Tin bài liên quan:

VNTB – Từ “phản đối” đến…”phản đối”!

Phan Thanh Hung

VNTB- Lời chúc từ trong tâm

Phan Thanh Hung

VNTB- “…Và chúng ta là người chiến thắng…”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo