Việt Nam Thời Báo

VNTB – ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: tính tự chủ hay chuyên quyền?

Kỳ Lâm (VNTB) UBND TP.HCM vẫn yêu cầu trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (ĐH Y Phạm Ngọc Thạch) tạm dừng tuyển sinh cả nước, trong khi Bộ GD-ĐT yêu cầu trường này phải mở rộng đối tượng tuyển sinh.

Sinh viên ĐH Y Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Youtube
Dù nhấn mạnh tính nhất quán trong mở rộng đối tượng tuyển sinh ra phạm vi cả nước. Tuy nhiên, UBND Tp. Hồ Chí Minh vẫn cho rằng, “quá trình thực hiện của nhà trường chưa đảm bảo đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định” bởi sau buổi làm việc với Bí thư Thành ủy lúc đó là ông Đinh La Thăng, “trường đã vội vàng đăng ký với Bộ về phương án tuyển sinh mới cho năm học 2017 – 2018, trong khi chưa có đề án cụ thể nào cả.”

Sự kiện này một lần nữa cho thấy tính tự chủ và sự chuyên quyền trong giới công chức Việt Nam.

Cần biết rằng, ĐH Y Phạm Ngọc Thạch là trường trực thuộc thành phố về mọi mặt, bởi Hiệu trưởng do UBND bổ nhiệm, ngân sách TP cấp, ngân nhà nước chính là của UBND TP cấp, do chính dân TP đóng góp nhằm đào tạo nhân lực cho chính địa bàn – tức là đảm bảo yêu cầu phát triển của ngành y tế địa phương (Tỷ lệ tuyển sinh hàng năm, thôi học, tốt nghiệp, xuất sắc, tìm được việc làm của sinh viên thuộc cơ sở đào tạo). Thế nhưng, chỉ vì quan điểm chỉ đạo mang tính cá nhân của ông Bí thư thành ủy Đinh La Thăng, mà trường phải chấm dứt cơ chế tuyển sinh theo hộ khẩu thành phố, nghĩa là xâm phạm trực tiếp vào tính tự chủ mảng đại học cũng như các khía cạnh về đầu tư cho ngành y tế của thành phố 10 triệu dân này. Hay nói cách khác, nó đi ngược lại một trong những thành tố quan trọng nhất trong tự chủ đại học mà Anderson & Johnson (1998) vạch ra là tự chủ về mặt nguồn lực, trong đó “trường được quyền quyết định về các vấn đề liên quan đến điều kiện tuyển dụng, lương bổng, sử dụng nguồn nhân lực, bổ nhiệm, miễn nhiệm các vị trí trong khu vực học thuật và khu vực hành chính,…”.

Đó có phải là bất công mà Tp. Hồ Chí Minh phải chịu, ngoài việc ngân sách chỉ giữ được 18%?

Cần nhấn mạnh, nhu cầu giáo dục dựa vào yêu cầu địa phương là một phương thức đào tạo mang tính sát thực tiễn. Nhiều trường, kể cả quân đội đều có “chế độ” tuyển như vậy. Lấy ví dụ như Trường Sĩ quan Lục quân 2 chỉ tuyển từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở vào. 

Câu chuyện tuyển sinh theo hộ khẩu hay mở rộng tuyển sinh cả nước đối với trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch cũng là câu chuyện về tính tự chủ của trường hay sự chuyên quyền đến đâu. Và rõ ràng, trong trường hợp này, bản thân trường đã không hề “tự chủ”, khi mà chỉ với một ý kiến chỉ đạo từ “đồng chí Đinh La Thăng”, đã khiến trường phải mở rộng đối tượng tuyển sinh nhằm “hợp lòng lãnh đạo”.

Và sự chỉ đạo từ phía ông Đinh La Thăng là sự chỉ đạo mang tính chuyên quyền, do đó nó thường thiếu tính thực tiễn hoặc không dựa vào yếu tố cơ sở của một chủ thể để ra quyết định, hệ quả là nó đi ngược lại sự phát triển dưới danh nghĩa vì cộng đồng, hay vì sự phát triển chung.

ĐH Y Phạm Ngọc Thạch trực thuộc sự quản lý của UBND Tp. Hồ Chí Minh, được hưởng ngân sách của thành phố.
Nhưng não trạng chuyên quyền này không chỉ có ở ông Thăng. Trong hồi ký của ông Lê Phú Khải cũng đề cập đến một câu chuyện tương tự, khi vào đầu những năm 80 của TK XX, Tổng bí thư (TBT) Lê Duẩn vô thăm tỉnh Tiền Giang. Khi đứng trước cánh đồng bao la bát ngát của vùng Đồng Tháp Mười, TBT Lê Duẩn chỉ tay về cánh đồng trước mặt, hỏi tỉnh trồng những cây gì, thì ông Bí thư tỉnh ủy lúc bấy giờ là Chín Hải lễ phép trả lời: Thưa tổng bí thư, đó là rừng tràm ạ. 

Kết quả là vị TBT quát lớn: Ngu! Ngu! Sao không trồng lúa!!!

Không ai dám cãi, không ai dám “cả gan” giải thích là vì đất Đồng Tháp Mười là đất phèn nặng, chỉ trồng tràm là hợp nhất mà thôi!.

Câu chuyện nêu trên, cũng không khác chỉ đạo của ông Đinh La Thăng là mấy. Tư duy hạn hữu khiến họ cho đó là chân lý, là cách nhìn mới, nhưng không hiểu rằng, nó là tư duy chủ quan – đi ngược lại quy luật hiện hình cơ sở. Nhưng quan trọng hơn, cũng như quan chức tỉnh Tiền Giang lúc đó, không ai trong trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch “dám cãi” hay thậm chí lên tiếng giải thích rằng, ĐH Y Phạm Ngọc Thạch được “bao cấp” bởi UBND thành phố và nó được sinh ra để phục vụ cho nhu cầu phát triển ngành y tế thành phố, một thành phố 10 triệu dân với đà phát triển trung tâm phía Nam, và thậm chí là cả nước. Tính đặc thù về “bao cấp” này là hoàn toàn hợp lý, và đi sát về thực tiễn phát triển.

Ngoài ra, từ năm 2005, quyền tự chủ của trường đại học đã được Điểm 2, Luật Giáo dục ghi nhận với nội dung tương tự quan niệm của các nước phát triển: “Trường trung cấp, trường cao đẳng, trường đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và theo điều lệ nhà trường trong các hoạt động sau đây: 2. Xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, tổ chức quá trình đào tạo, công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng.”

Chính vì sự “chỉ đạo” bao trùm của đồng chí Đinh La Thăng, và vì sự thiếu tự tin trong bảo vệ tự chủ, mà giờ đây, 12.000 học sinh đăng ký vào trường này đã trở thành nạn nhân. Việc Bộ GD-ĐT yêu cầu trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch phải mở rộng tuyển sinh là xâm phạm trực tiếp vào tính tự chủ của trường cũng như vi phạm nghiêm trọng quan điểm tự chủ mà Luật Giáo dục đã đề ra.

Tin bài liên quan:

VNTB – Tận diệt thủy hải sản hay những hải tặc người Việt

Phan Thanh Hung

VNTB- Nữ sinh bỏng: liveshow của sự thối nát giáo dục, xã hội

Phan Thanh Hung

VNTB- Kỷ luật Đinh La Thăng: Vỏ đỏ lòng xanh

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo