Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Bài học nhãn tiền về Covid-19 từ thành phố Vũ Hán vẫn là ám ảnh kinh hoàng.
Việt Nam đã đề nghị cung cấp thông tin bệnh đường hô hấp tăng bất thường tại Trung Quốc. Bài học nhãn tiền về Covid-19 từ thành phố Vũ Hán vẫn là ám ảnh kinh hoàng.
Ngày 22-11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức đề nghị Trung Quốc cung cấp thông tin chi tiết về sự gia tăng các bệnh đường hô hấp và các cụm bệnh viêm phổi ở trẻ em tại nước này.
WHO lưu ý rằng Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hồi đầu tháng 11 đã báo cáo về xu hướng ra tăng các ca mắc bệnh về đường hô hấp. Nguyên nhân được cho là do việc dỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn Covid-19 cùng với sự lây lan của nhiều mầm bệnh tương tự với SARS-CoV-2 như cúm, mycoplasma pneumoniae (bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn phổ biến thường ảnh hưởng đến trẻ nhỏ) và virus hợp bào hô hấp (RSV).
Đầu tuần này, cộng đồng y tế trực tuyến ProMED đã đặt ra nghi vấn về việc ngày càng nhiều phương tiện truyền thông đưa tin về các ca bị bệnh viêm phổi không xác định ở trẻ em tại miền Bắc Trung Quốc. Kênh FTV News ở Đài Loan đưa tin các bệnh viện nhi ở Bắc Kinh, Liêu Ninh và nhiều nơi khác đang quá tải bệnh nhân.
WHO cũng kêu gọi người dân ở Trung Quốc thực hiện các biện pháp để giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp bao gồm tiêm chủng, tránh tiếp xúc gần, đeo khẩu trang khi cần thiết và ở nhà khi bị bệnh.
Các trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 cũng từng được báo cáo là bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân vào cuối năm 2019. Những ca đầu tiên tử vong đầu tiên do căn bệnh này xảy ra vào tháng 1-2020. Quan ngại sâu sắc trước sự lây lan nhanh chóng và mức độ nghiêm trọng của virus SARS-CoV-2, WHO đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu vào tháng 3-2020. Một nhóm chuyên gia của WHO đã đến Vũ Hán để điều tra về dịch bệnh vào đầu năm 2021, nhưng nguồn gốc của virus này đến nay vẫn chưa thể xác định rõ.
Trước sự gia tăng trường hợp bệnh đường hô hấp tại Trung Quốc, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế Việt Nam) – cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (IHR) cho biết đã liên hệ, trao đổi trực tiếp với đại diện WHO tại Việt Nam và cơ quan đầu mối thực hiện IHR Trung Quốc đề nghị phối hợp, cung cấp các thông tin liên quan.
Ngày 23-11, cục cũng đã có thư gửi đại điện WHO và Văn phòng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ tại Việt Nam đề nghị cung cấp thông tin chính thức liên quan đến việc gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp tại Trung Quốc. Cục Y tế dự phòng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO, CDC Mỹ và các tổ chức quốc tế cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh đường hô hấp tại Trung Quốc và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Cục khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoang mang, lo lắng và chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân, các khuyến cáo phòng bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Tính đến cuối tuần này, phía giới chức Trung Quốc cho rằng “không phát hiện bất kỳ mầm bệnh mới hoặc bất thường hoặc biểu hiện lâm sàng bất thường nào, kể cả ở Bắc Kinh và Liêu Ninh”. Giới chức cho biết, đợt bùng phát là do “tăng chung các bệnh về đường hô hấp do nhiều mầm bệnh đã biết” như cúm, vi khuẩn mycoplasma pneumoniae (một trong những tác nhân gây bệnh viêm phổi thường ảnh hưởng đến trẻ nhỏ), vi rút hợp bào hô hấp (RSV) và vi rút gây bệnh Covid-19.
Trong chuỗi tin tức liên quan, phía Sở Y tế TP.HCM thông tin tác nhân gây viêm hô hấp cấp tính đối với trẻ em trên địa bàn TP.HCM hiện nay là các vi rút phổ biến có từ nhiều năm qua. Theo kết quả xét nghiệm Multiplex PCR của Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) từ các mẫu bệnh phẩm thu nhận từ các bệnh nhi mắc viêm hô hấp ở các bệnh viện nhi của TP.HCM cho thấy họ Enterovirus và Human Rhinovirus chiếm ưu thế. Kế đến là các vi rút cúm (influenza) và á cúm (parainfluenza), vi rút hô hấp hợp bào (RSV) và các vi khuẩn (H. Influenza, Strep. pneumonia và Mycoplasma pneumonia).
Sở Y tế TP.HCM kết luận hiện tượng tăng số ca bệnh viêm hô hấp trong những tháng gần đây tại các bệnh viện nhi của TP.HCM là hiện tượng tăng theo chu kỳ hằng năm của các bệnh thường gặp ở trẻ em. Tác nhân gây bệnh không có gì thay đổi, chủ yếu vẫn là các loại vi rút thường gặp, trong đó vi rút cúm là một loại vi rút đã có vắc xin dự phòng.