VNTB – Điều luật hình sự 331 với nhiều tranh cãi

VNTB – Điều luật hình sự 331 với nhiều tranh cãi

Triệu Tử Long

 

(VNTB) – Lỡ chửi vài câu có vào khung 2 “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội” của điều  luật hình sự 331

 

Từ vụ án tịnh thất Bồng Lai, nhiều người lạ lẫm với tội danh theo điều luật hình sự 331 rằng, lỡ chửi vài câu có vào khung 2 “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội” không?

Và, một thắc mắc nữa là điều luật hình sự 331 này nằm trong nhóm tội “xâm phạm trật tự quản lý hành chính”, như tội trốn nghĩa vụ quân sự…, thì “cá nhân” là đối tượng bị xâm hại phải là cán bộ, người nắm quyền quản lý hành chính, hay có thể mở rộng ra cho mọi công dân?!

Thắc mắc ở trên nhất thiết cần rõ câu trả lời, bởi công dân với công dân với nhau thì đã thuộc nhóm tội “xâm phạm nhân phẩm danh dự của con người” ở Chương XIV của Bộ luật hình sự rồi, gồm các tội Vu khống, Làm nhục…

Nếu đối tượng của tội này phải là người thuộc nhóm “trật tự quản lý hành chính”, thì nhà tu Thích Nhật Từ đâu thể là nạn nhân của vụ tịnh thất Bồng Lai (?!).

Thử cùng tìm hiểu theo cách dân dã nhất.

Trong cơ cấu của Bộ luật hình sự có những cái nhóm về tội phạm được phân định rất rõ, thí dụ như chương XV có quy định là các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân. Nếu ai đó mà lợi dụng tự do dân chủ, cái tội theo điều luật hình sự 331 để mà xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan nhà nước, của tổ chức và cá nhân thì sẽ đối mặt tù tội.

Nhưng nội dung ở trên nó lại không nằm ở trong cái tội xâm phạm quyền tự do con người, quyền tự do dân chủ của công dân được ghi ở chương XV của Bộ luật hình sự. Rồi tới chương XVI thì các cái tội liên quan tới xâm phạm quyền sở hữu, ví dụ như cướp tài sản, trộm cắp…

Tới chương XXI chẳng hạn thì các cái tội về xâm phạm đến an toàn công cộng, rồi các cái tội khác xâm phạm đến trật tự công cộng. Nhắc lại, cái điều 331 nó nằm ở chương XXII, thì cái tội đó được hiểu là một người mà lợi dụng quyền tự do dân chủ, quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do hội họp… để xâm phạm cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân – lưu ý, “cá nhân” chứ không phải là “công dân”.

Ở đây chương XXII lại là phần nội dung quy định về các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, tức các cái tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, như tội chống người thi hành công vụ, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích và quyền lợi ích hợp pháp của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân chứ không phải là “công dân”.

Rồi tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự, tội không chấp hành lệnh kêu gọi quân nhân dự bị nhập ngũ. Rồi tội làm trái các quy định về nghĩa vụ quân sự, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, tội đăng ký hộ tịch trái phép, tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác…

Một lần nữa, các nội dung trên cho thấy đây liên quan tới cái nhóm tội xâm phạm trật tự, quản lý hành chính.

Vậy quản lý hành chính là gì? Đây là hoạt động của cơ quan nhà nước trong quản lý xã hội bằng biện pháp hành chính. Tức hành chính của áp dụng pháp luật ở cơ quan nhà nước.

Nếu tất cả lập luận trên là có căn cứ, cho thấy nội dung của điều luật hình sự 331 không điều chỉnh quan hệ giữa người dân – người dân với nhau, mà là tổ chức này có thể hiểu là của cơ quan nhà nước, hoặc những tổ chức được nhà nước trao quyền, và cá nhân cũng là người thi hành công vụ trong quá trình thực hiện việc quản lý nhà nước.

Từ các viện dẫn móc xích như trên cho thấy trong vụ án liên quan đến những người dân ở tịnh thất Bồng Lai, nếu chịu sự điều chỉnh của pháp luật hình sự với cá nhân ông nhà tu Thích Nhật Từ, thì đó phải là cáo buộc của tội danh vu khống, nhục mạ, chứ không thể căn cứ vào điều luật hình sự 331 như phiên tòa sơ thẩm vừa qua.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)