Ngày 8/4, khoảng 3.500 công nhân của công ty tiếp tục đình công, bỏ việc ra về. Toàn bộ công nhân đã ra về lúc 9h30. Việc đình công kéo dài liên tiếp sang ngày thứ 8 vẫn chưa kết thúc.
Công nhân công ty Shin Sung Vina (Long An) đình công bỏ về lúc 9h30 ngày 8/4/2015. Ảnh: Nguyễn Thiện Nhân
|
Từ ngày 31/3 đến 3/4 là đình công phản đối luật BHXH mới. Công nhân phản đối Luật BHXH mới vì luật này không cho rút tiền BHXH một lần sau khi nghỉ việc mà phải đợi đến tuổi hưu.
Từ 4/4 đến nay, diễn ra đình công phản đối công ty chèn ép công nhân trong việc tính tiền thưởng, chấm công, công cụ văn làm việc và chế độ khác… Ngoài ra, nhiều công nhân còn phát hiện công ty đóng bảo hiểm chậm trễ, hiện chưa đóng bảo hiểm đầy đủ cho công nhân.
Khi phóng viên VNTB đến gặp gỡ công nhân để phỏng vấn tình hình, bảo vệ và “kẻ lạ” với gương mặt sắc lạnh, ngang tàng mặc thường phục ra ngăn cản, sau đó họ bám theo để ngăn các công nhân khác trả lời phỏng vấn.
Qua tiếp xúc làm việc với nhiều công nhân cho thấy tình hình đình công tại đây rất căng thẳng. Nguyên nhân kéo dài là do công nhân bất đồng với cách đối xử chèn ép công nhân của bà Tổng giám đốc người Hàn Quốc vì cắt nhiều quyền lợi của công nhân, tìm cách buộc thôi việc đối với những công nhân làm lâu năm do những công nhân này có mức lương cao và không chấp nhận chia sẻ tiền lương với công nhân trong những ngày diễn ra đình công.
Phóng viên VNTB đã có cuộc trao đổi với một công nhân nữ của công ty:
PV: Công ty mình đình công được mấy ngày rồi?
Công nhân nữ: 8 ngày rồi đó anh.
PV: Hôm nay, 8/4 đình công về việc gì vậy em?
Công nhân nữ: Đình công từ hôm bữa 31/3. Lúc đầu là đình công về cái vụ bảo hiểm vì phía em cũng hoang mang vụ đó. Sau đình công về bảo hiểm, công nhân tiếp tục đình công về vấn đề công ty o ép công nhân.
PV: Vấn đề o ép công nhân là gì?
Công nhân nữ: Là tính lương, thưởng, chấm công…không thỏa đáng anh ạ! Lúc trước tiền “con nhỏ” người ta là 30.000 đồng/tháng nhưng giờ lại cắt. Tương tự như trước đó, thâm niên 11 năm trở lên là được thưởng 2 tháng lương, nhưng giờ chỉ còn 1 chấm rưỡi (1 tháng rưỡi) chứ không cho 2 chấm như mọi lần.
PV: Còn thâm niên dưới 11 năm thì sao?
Công nhân nữ: Vô 1 năm đầu tiên là 1 chấm; 2 năm là 1.1; 3 năm là 1.2; đến 6 năm là 1.5. Từ 6 năm trở lên là 1.5 tính tiếp thôi chứ không có lên nữa (trước kia cho lên dần đến 2 châm mới thôi).
“Đình công được 4-5 ngày thì bên trên mới nói là bây giờ sẽ khôi phục lại chế độ tiền thưởng (làm 11 năm trở lên được thưởng Tết 2 tháng), công nhân đòi mấy ngày đình công phải trả lương. Nhưng phía quản lý không chịu. Sau đó công nhân thỏa thuận với công ty là “Nếu đình công 7 ngày thì công ty chịu một nửa là 3,5 ngày, công nhân chịu một nửa là 3,5 ngày (tính vào phép năm), nhưng phía công ty cũng không chịu.”
PV: Công ty có đóng đầy đủ BHXH cho công nhân?
Công nhân nữ: Bên em giờ đang thưa kiện về vụ đóng BHXH đó anh. Vì hiện nay, ai nghỉ việc mới biết được, chứ còn đang làm thì không tài nào biết được bảo hiểm công ty đóng cho là bao nhiêu. Khi phía công nhân ý kiến, thì công ty lại cho rằng “thiếu ý thức” mới phát ngôn như vậy!
PV: 8 ngày bao gồm ban đầu là đình công phản đối luật BHXH mới (31/3 đến 3/4 ), sau đó là đình công phản đối công ty về tính lương, thưởng, chế độ khác…
Công nhân nữ: Dạ. Khi vấn đề luật BHXH ổn định thì lẽ ra công nhân đã ổn định. Nhưng công nhân tiếp tục đình công là do phía cá nhânTổng Giám đốc.
PV: Cụ thể là gì?
Công nhân nữ: Vì vào sáng ngày 8/4 thì bên phía công ty trao đổi với phía công nhân là sẽ chia sẻ một nửa ngày công, trong 7 ngày đình công. Phía công nhân nhượng bộ vì thấy công ty đồng ý khôi phục cả chế độ thưởng Tết. Nhưng không ngờ, khi thấy công nhân nhượng bộ thì phía Tổng giám đốc công ty trở mặt, BCH công đoàn thông báo rằng tiền thưởng Tết không khôi phục, ngay cả tiền lương những ngày đình công cũng thế.
PV: Cám ơn em.
* Được biết, vào tháng 7/2006 Công ty Shin Sung Vina (trụ sở tại xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) từng bị công an và hải quan phát hiện hành vi buôn lậu với trị giá hàng hóa lên đến hơn 10 tỉ đồng (Theo Báo Thanh Niên)