Thiền Lâm
(VNTB) – Từ giữa năm 2016 cho đến nay, ngày càng xuất hiện những dấu hiệu rõ hơn về sự nổi lên của Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng Cộng sản Việt Nam – trong mối liên đới mật thiết về “học tập kinh nghiệm” của cơ quan này với Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung Quốc.
Vụ đảng cầm quyền Việt Nam kỷ luật Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng vào năm 2017 cũng đang có những nét khá tương đồng với vụ Trung Quốc kỷ luật một ủy viên bộ chính trị, Bí thư tỉnh Trùng Khánh là Bạc Hy Lai vào năm 2012.
Bạc Hy Lai tại tòa án Tế Nam, tỉnh Sơn Đông
Ở Trùng Khánh, Bạc được biết đến như một người theo chủ nghĩa dân túy độc đoán. Ông ta đã phát động một chiến dịch chống tội phạm, tăng cường chi tiêu trong các chương trình an sinh xã hội, duy trì tỉ lệ tăng GDP hai con số ổn định, và vận động để khôi phục thời kỳ Cách mạng văn hóa “văn hóa đỏ”. Việc quảng bá các giá trị của chủ nghĩa quân bình của Bạc và những thành tựu của “mô hình Trùng Khánh” của ông ta đã đưa Bạc trở thành người hùng của nhóm Tân Tả Phái. Tuy nhiên, tình trạng vô pháp luật của các chiến dịch chống tham nhũng của Bạc, cùng với những nỗi lo về tính cách khác biệt của ông ta, đã khiến Bạc trở thành một nhân vật gây tranh cãi.
Bạc Hy Lai cũng bị buộc tội đàn áp môn khí công Pháp Luân Công.
Bạc được xem là một ứng cử viên tiềm năng cho Ban Thường vụ bộ chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18 năm 2012. Sự nghiệp chính trị của ông kết thúc sau vụ Vương Lập Quân, sự kiện mà trong đó viên cảnh sát trưởng của ông ta xin tị nạn chính trị tại đại sứ quán Mỹ ở Thành Đô. Hậu quả là Bạc bị khai trừ khỏi chức vụ bí thư Trùng Khánh vào tháng 3 năm 2012 và bị đình chỉ vị trí trong bộ chính trị tháng tiếp theo. Việc bãi nhiệm Bạc gây chú ý vì nó đã vạch trần sự mất đoàn kết trong hàng ngũ Đảng cộng sản trước sự chuyển giao lãnh đạo. Ông ta sau đó bị mất toàn bộ các vị trí trong đảng, mất ghế tại Hội đồng nhân dân và cuối cùng bị khai trừ khỏi Đảng, bị bắt giam.
Tháng 9/2013, Bạc Hy Lai bị Tòa án Trung Quốc xử chung thân về tội tham nhũng.
Còn Đinh La Thăng?
Đinh La Thăng cũng là một nhân vật khiến nhiều tờ báo và dư luận Việt Nam như “lên đồng”, đặc biệt vào thời ông Thăng bắt đầu giữ chức Bộ trưởng giao thông vận tải vào năm 2011 cùng một số hứa hẹn và động tác tổ chức có đôi chút mạnh mẽ hơn các đời bộ trưởng trước.
Tại Đại hội 12 của đảng cầm quyền Việt Nam vào đầu năm 2016, ông Đinh La Thăng bất ngờ lọt vào Bộ Chính trị. Sa đó, ông Thăng còn gây “sốt” hơn trong dư luận khi được Bộ Chính trị điều về TP.HCM làm bí thư thành ủy. Tại đây, dù chưa thấy hành động gì có hiệu quả thực sự, nhưng nhiều phát ngôn thiên hẳn về chủ nghĩa thành tích của ông Thăng đã được một số tờ báo mô tả ông như “người hùng”.
Tuy nhiên trong thời gian làm bí thư TP.HCM, ông Đinh La Thăng lại bị đa số giới đấu tranh dân chủ nhân quyền xem là người đã bật đèn xanh cho Công an TP.HCM tổ chức nhiều trận đàn áp nhân quyền, trong đó đặc biệt là trận đòn thù nện vào đầu vài trăm người dân dám xuống đường biểu tình chống Formosa vào ngày 8 tháng Năm năm 2016.
Giờ đây, Đinh La Thăng đang phải đối mặt với một cuộc xung đột về quyền lực và lợi ích nhóm trong đảng. Logic tiếp theo là tương tự Bạc Hy Lai, Đinh La Thăng có thể phải chịu một kết luận về hành vi về tham nhũng.
Trong trường hợp đó, số phận của Đinh La Thăng nhẹ nhàng nhất sẽ là mất chức bí thư thành ủy TP.HCM và được đảng bố trí một cái ghế nào đó vô thưởng vô phạt.
Nhưng nặng nề hơn, ông Thăng sẽ “đi theo” Bạc Hy Lai, nghĩa là còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải ra trước vành móng ngựa.
Hãy chờ xem đảng “quyết” thế nào đối với số phận của Đinh La Thăng…