Lynn Huỳnh
(VNTB) – Quan chức chính quyền thân Nga tại Kherson ngày 29-6 thông báo khu vực này chuẩn bị tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để sáp nhập với Nga trong thời gian tới.
“Chúng tôi đang chuẩn bị cho một cuộc trưng cầu dân ý, và chúng tôi sẽ tổ chức. Vùng Kherson sẽ đưa ra quyết định gia nhập Nga, và sẽ chính thức trở thành một thực thể cấu thành (với Nga)”, TASS dẫn lời ông Kirill Stremousov – phó lãnh đạo “chính quyền dân sự – quân sự” do Nga bổ nhiệm tại Kherson – cho biết.
Ông Stremousov từng nói “Kherson muốn tham gia Liên bang Nga trong tương lai gần để trở thành một thành viên hoàn chỉnh”. Ông còn dự đoán “dân số của tỉnh Kherson – ít nhất là 60% hoặc thậm chí 70% – sẽ lựa chọn tham gia Liên bang Nga”.
Trước đó một ngày, lực lượng an ninh thân Nga đã bắt giữ Thị trưởng Kherson Ihor Kolykhayev hôm 28-6, sau khi ông này từ chối làm theo yêu cầu của Moscow.
Bình luận về tin tức trên, có ý kiến thắc mắc rằng vì sao báo chí nhà nước Việt Nam không lên án hành động “bán nước”, “cõng rắn cắn gà nhà” của Kirill Stremousov.
Tỉnh Kherson nằm ở phía bắc bán đảo Crimea, nơi Nga sáp nhập sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2014. Vài ngày sau khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi cuối tháng 2, lực lượng Nga kiểm soát thành phố Kherson và đến giữa tháng 3, họ kiểm soát hoàn toàn tỉnh Kherson, đồng thời thiết lập chính quyền mới tại đây.
Sau khi lực lượng Nga kiểm soát Kherson, Kolykhaev vẫn ở lại thành phố. Trong một thời gian, ông tiếp tục lãnh đạo chính quyền địa phương, nhưng từ chối hợp tác với quân đội Nga. Đến cuối tháng 4, Nga thành lập chính quyền ở Kherson và thị trưởng Kolykhaeva mất quyền lãnh đạo thành phố.
Một số kênh truyền hình Nga đã bắt đầu phát sóng ở Kherson và các khu vực lân cận khoảng hai tháng trước. Giới chức Kherson quy định ruble là đồng tiền chính thức, cùng với đồng hryvnia của Ukraine. Các chi nhánh ngân hàng Nga cũng hoạt động tại Kherson.
Kherson cũng đã bắt đầu cấp hộ chiếu Nga cho người dân địa phương bằng “thủ tục đơn giản hóa” theo sắc lệnh Tổng thống Nga Vladimir Putin ký tháng trước. Người có nguyện vọng nhập tịch không bắt buộc phải sống ở Nga, không cần chứng minh tài chính hay vượt qua bài kiểm tra ngôn ngữ Nga.
Bộ Ngoại giao Ukraine chỉ trích sắc lệnh nhập tịch của Nga “vi phạm luật quốc tế, vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như các chuẩn mực, nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế”. Kiev cáo buộc đây là bằng chứng cho thấy mục đích của Moskva là sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukraine do quân đội Nga kiểm soát vào khu vực pháp lý, chính trị và kinh tế Nga.
Tuy nhiên phía Điện Kremlin đã lên tiếng rằng người dân ở Kherson phải tự quyết định xem có muốn sáp nhập Nga hay không.
“Việc có sáp nhập vào Nga hay không là quyết định của người dân vùng Kherson, và cũng chính người dân tại đây sẽ quyết định số phận của họ. Một quyết định định mệnh như vậy cần phải có một nền tảng pháp lý hoàn toàn rõ ràng, một lý lẽ hợp pháp và hoàn toàn chính đáng, giống như trường hợp của Crimea”, TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.
Các nhà lập pháp Nga cho biết, một cuộc trưng cầu ý dân có thể diễn ra sớm nhất là vào tháng 7.
Bàn luận bên lề sự kiện trên, có ý kiến liên tưởng tới cuộc di cư ở Việt Nam năm 1954.
Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết nhằm khôi phục lại hòa bình ở Đông Dương. Hiệp định nêu rằng sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 Bắc được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời, chia Việt Nam thành hai vùng tập kết quân sự: quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập trung tại miền Bắc, còn quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung tại miền Nam, các lực lượng chính trị được ở nguyên tại chỗ.
Tập kết dân sự được diễn ra theo nguyên tắc tự nguyện. Sự phân chia ban đầu chỉ là tạm thời và dự định sẽ có một cuộc tổng tuyển cử vào năm 1956 nhằm thống nhất hai miền dưới một chính phủ.
Dự ước có một triệu người từ miền Bắc di cư vào Nam và có khoảng 45.000 – 85.000 dân thường và 100.000 binh sĩ chính quy của Việt Minh tập kết ra miền Bắc.
Để giám sát thực thi hiệp định, Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến được thành lập theo điều 34 của hiệp định với đại diện của ba nước Ấn Độ, Ba Lan, và Canada.
Kết cuộc sau đó về “tổng tuyển cử” thì lịch sử đã rõ. Vậy nay với câu chuyện ở Kherson, liệu có những quốc gia trung lập nào nằm trong danh sách giám sát cuộc trưng cầu dân ý?