Hiền Vương
(VNTB) – Các em nhỏ hãy bớt đi những hình ảnh màu mè bị coi là nhí nhố, bớt đi những khẩu hiệu chính trị như trêu ngươi thiên hạ…
Không ít nhà báo đưa lời kêu gọi như vậy trước vụ việc lùm xùm về một đoàn sinh viên ở Hải Dương vào Sài Gòn gọi là ‘hỗ trợ dập dịch’.
Trên báo Tuổi Trẻ Online số phát hành chiều 3-7, viết rằng, “TS.BS Đinh Thị Diệu Hằng – hiệu trưởng Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương – nhấn mạnh đoàn triển khai nhiệm vụ chống dịch Covid-19 tại TP.HCM theo sự phân công của Bộ Y tế, dựa trên tinh thần xung kích của sinh viên và cán bộ.
“Trước những ý kiến trái chiều trên mạng, bản thân tôi đã quán triệt đến đoàn cần tập trung cao nhất cho nhiệm vụ dập dịch, không nên tham gia vào những ý kiến hay bình luận trên mạng, bởi mục tiêu của đoàn là hỗ trợ tốt nhất có thể cho TP.HCM dập dịch trong thời gian sớm nhất”, bà Hằng chia sẻ.
Trước đó vào tối 30-6, Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương tổ chức lễ ra quân cho cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường tình nguyện lên đường “chi viện” đến TP.HCM chống dịch CoviD-19. Có tổng cộng 319 cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia chống dịch tại TP.HCM, trong đó có nhiều sinh viên vừa trải qua thời gian hỗ trợ tại tỉnh Bắc Giang” (dừng trích).
Ở đây có ít nhất các vấn đề sau cần được bà hiệu trưởng Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, làm rõ:
Thứ nhất, “Hơn 300 sinh viên Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương tình nguyện vào TP Hồ Chí Minh chống dịch” là bản tin đăng trên trang web của Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Hình ảnh của bản tin cho thấy trong đêm “Lễ ra quân”, các sinh viên tham gia tình nguyện vào TP Hồ Chí Minh chống dịch, đều mặc trang phục y tế.
Tiếp sau đêm “Lễ ra quân”, ở bản tin “Lực lượng y tế tỉnh Hải Dương ‘thần tốc’ vào hỗ trợ TP.HCM chống dịch”, trên trang web của Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, một lần nữa cho thấy các sinh viên tham gia tình nguyện vào TP Hồ Chí Minh chống dịch, đều mặc trang phục y tế trong suốt quá trình di chuyển từ Hải Dương vào Sài Gòn.
Lỗi ở đây thuộc về hiệu trưởng Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương.
Thông tư số 45/2015/TT-BYT của Bộ Y tế, “quy định về trang phục y tế”, theo đó, Điều 28. Sử dụng trang phục y tế, ghi:
“1. Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động, học viên, học sinh, sinh viên, người thực hành khi thực hiện nhiệm vụ phải sử dụng trang phục y tế theo đúng quy định tại Thông tư này.
2. Không được sử dụng trang phục y tế không đúng mục đích hoặc không đúng đối tượng hoặc ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trừ trường hợp cấp cứu, chăm sóc sức khỏe tại gia đình hoặc khám bệnh, chữa bệnh tình nguyện, nhân đạo theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, theo như lời “bản thân tôi đã quán triệt đến đoàn cần tập trung cao nhất cho nhiệm vụ dập dịch” của bà hiệu trưởng Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, thì đây không phải “chữa bệnh tình nguyện”, vì pháp luật quy định “chữa bệnh” phải có giấy phép hành nghề.
Thứ hai, bà hiệu trưởng Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương cần đánh giá lại vấn đề về yêu cầu của “Y Đức” của bộ môn “Y Đức xã hội” mà trường y nào cũng có.
Bà hiệu trưởng đã trả lời với báo Tuổi Trẻ, rằng, “tôi đã quán triệt đến đoàn cần tập trung cao nhất cho nhiệm vụ dập dịch, không nên tham gia vào những ý kiến hay bình luận trên mạng, bởi mục tiêu của đoàn là hỗ trợ tốt nhất có thể cho TP.HCM dập dịch trong thời gian sớm nhất”.
Ngắn gọn hơn, ở phần “Triết lý giáo dục” đăng trên trang web Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, mục “Giá trị cốt lõi”, có ghi, “Y đức, lễ phép. Thể hiện ở quy tắc giao tiếp, ứng xử của người thầy thuốc với người bệnh, là phẩm chất đạo đức của cán bộ y tế, với trách nhiệm cao, trung thực, phục vụ người bệnh vô điều kiện, có phẩm chất mỹ học, có trí tuệ thể hiện ở trình độ chuyên môn, làm chủ trang thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh và phục hồi chức năng cho người bệnh và cộng đồng;
Lễ phép thể hiện bằng thái độ đúng mực giữa thầy và trò, giữa thầy thuốc với người bệnh, kính trọng thầy cô giáo, tôn trọng đồng nghiệp, bạn bè và người bệnh”.
Như vậy, tin rằng nếu thực sự bà hiệu trưởng Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương tôn trọng “Triết lý giáo dục” mà chính nhà trường đặt ra, thì bà cần thiết ghi nhận một cách cầu thị tất cả những ý kiến đa chiều về “Hơn 300 sinh viên Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương tình nguyện vào TP Hồ Chí Minh chống dịch”.
Bởi trên hết, đó còn là sự tôn trọng về Y Đức.