Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đòi chủ quyền biển Đông: “đề nghị Trung Quốc trở về với Đức Nhân”

Hòa Cầm (VNTB) Trong câu chuyện xoay quanh về việc xây dựng và bồi đắp trái pháp các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang tiến hành trên quần đảo Trường Sa, ĐBQH – Hòa thượng Thích Thanh Quyết ngoài yêu cầu nhà nước phải có thái độ “kiên quyết, chính kiến rõ ràng hành vi của Trung Quốc và quan điểm trước sau như một về chủ quyền quốc gia”, thì ông cũng nói về “chính nghĩa” của Việt Nam và “đề nghị Trung Quốc trở về với Đức Nhân” của mình.
Nhân Nghĩa Trung Quốc là thứ “Ngụy quân tử”
Trung Quốc là nơi phát tích của Nho giáo với Đức trị của Khổng Từ và Nhân Chính của Mạnh Từ, nhưng nó cũng kết thúc từ thời điểm Mao Trạch Đông lên nắm quyền tại Trung Hoa,và bị triệt tiêu khi cuộc cuộc đại Cách mạng Văn hóa vô sản (năm 1966) do Mao Trạch Đông khởi xướng bắt đầu. Từ đó đến nay, phương ngôn đối ngoại của Trung Quốc được định hình theo lối “Quyền lực chính trị, bắt đầu từ họng súng” và “mèo trắng hay đen, miễn sao bắt được chuột.”.

Sở dĩ, Trung Quốc đang tôn vinh Khổng Tử vì nó đem lại cho nước này công cụ để tạo ra quyền lực mềm nhằm tranh giành ảnh hưởng với Mỹ – nói thẳng ra, giá trị Khổng Tử (Nho Giáo) mà chính quyền đang dụng trở lại chỉ là thứ cương lĩnh trống rỗng “đặc sắc Trung Quốc”, chứ bản thân chính quyền Trung Quốc không điều chỉnh quan hệ chính trị theo Nho giáo, do đó đòi hỏi “Trung Quốc trở về với Đức Nhân” mà một đòi hỏi thiếu thực tế.
Ngay cả trong giả thuyết tưởng tượng, khi Trung Quốc gượng ép mình theo đường lối Đức Nhân đi chăng nữa, thì thứ “Đức Nhân” mà Nho Giáo tạo ra cũng bị nhà văn Lỗ Tấn nhổ toẹt vào, coi đó là thứ đạo lý “ăn thịt người”, tạo ra những kẻ ngụy quân tử.
Và chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ khi khai sinh (01/10/1949) cho đến nay mang đậm bản chất của kẻ “ngụy quân tử”, bởi lãnh đạo nước này luôn nói điều hay lẽ phải nhưng hành động đi ngược lại. Và bất kỳ ai ở Việt Nam cũng dễ dàng nhận ra những “bài học” mà Trung Quốc đã dạy cho từ cuộc chiến Biên giới 1979 cho đến HD-981 và câu chuyện bồi lấp đảo hiện nay.
“Việt Nam cũng đề cao nhân?”
Hòa Thượng Thích Thanh Quyết cho rằng “Việt Nam cũng đề cao nhân. Nhân ở Việt Nam là cốt để yên dân”, nhưng sự thực có phải như thế không?
Đường lối “Nhân chính” là một luận điểm phát triển của Mạnh Tử (thời Chiến Quốc) từ Nho giáo (Khổng Tử), trong đó, Mạnh Tử cho rằng, trong trị nước: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” nghĩa là trong nước nhân dân là quan trọng nhất, thứ đến mới là quốc gia (xã tắc) vua (lãnh đạo) là thứ bậc xem nhẹ nhất. Bởi dân vốn là gốc nước, có dân mới có nước, có nước mới có vua, ý dân là ý trời. 
Và theo đó, khuyến cáo một chế độ “của dân”: “Dân muốn việc chi, nhà cầm quyền nên cung cấp cho họ. Dân ghét việc chi nhà cầm quyền đừng thi thố cho họ.
Thế nhưng, khi dân cần Luật biểu tình, Luật Lập Hội, cần Nghị quyết Biển Đông, bày trừ tham nhũng, cần Quyền im lặng, cần truy tố những kẻ phá hoại ngân sách của nhà nước ra trước tòa, và kể cả loại bỏ điều 4 Hiến Pháp…
Đáp lại, “nhà cầm quyền” Việt Nam thực hiện 5 có là: dửng dưng, vô cảm, trì hoãn, khất nợ và “phê bình, tự phê bình”. Đó chính là vì, chính quyền quyết “không để cho dân ta một tí tự do dân chủ nào, dùng đủ mọi thủ đoạn tiêu diệt tinh thần dân tộc của dân ta.” Tiêu diệt tinh thần dân chủ và nhu cầu dân chủ của dân để dễ bề cai trị và thực hiện toàn vẹn, vững chắc một nhà nước “lợi ích nhóm”.
Tiếp thu tư tưởng “sử dân dĩ thời” của Khổng Tử, Mạnh Tử đề xuất, ” bớt thuế má cho dân, thì dân trở nên phú túc… “.
Thế nhưng, khi dân cần giảm thuế phí khi ra đường, giảm giá mặt hàng sữa, mặt hàng xăng, điện nước…
Đáp lại, “nhà cầm quyền”, thi hành một chính sách “đặt ra sưu cao, thuế nặng, thu hết máu mủ của dân ta.”. Tất cả là nhằm thỏa mãn cho thói ăn xài phung phí, bòn rút sức dân, tài nguyên của đất nước cho tư lợi cá nhân của nhóm người nhân danh quyền lãnh đạo.
Vậy Việt Nam ta đức nhân chỗ nào, an dân chỗ nào, lấy dân làm gốc, đề cao dân chỗ nào? Hay ý Hòa thượng Thích Thanh Quyết ám chỉ rằng, nó được ghi vào trong Nghị quyết của Đảng?
Riêng về vấn đề Biển Đông, từ năm 2014 đến nay, hai lần chủ quyền quốc gia bị xâm phạm trắng trợn, dân đòi hỏi Quốc Hội phải ra Nghị quyết để tỏ rõ chính kiến của mình. Kết quả sao thì Hòa thượng thấy rõ. Chính cái thái độ ậm ờ, thiếu minh bạch đó, đã khiến đề nghị của Hòa Thượng về “nỗ lực không ngừng, thái độ kiên quyết, chính kiến rõ ràng, quan điểm trước sau như một về chủ quyền quốc gia”, trở nên lạc lõng.

Bởi ý dân là ý trời trong đường lối Nhân chính của Mạnh Tử đã trở thành ý Đảng là ý trời..

Nếu Trung Quốc là “bất nhân thì thần không dung, thánh không tha”, thì cách chính quyền Việt Nam đối xử với nguyện vọng, ý chí của người dân trong nước phải được xem là như thế nào?

Và khi Việt Nam không có Đức Nhân, thì Dân đã không yên, thay vào đó là mất niềm tin, hoang mang và lo sợ. Chính bản thân chính quyền đã Bất Nhân, là một ĐBQH trong cái chính thể bất nhân đó, Hòa Thượng có ngượng không khi “đề nghị Trung Quốc hãy quay về với đức nhân nghiêm túc của mình, để cho các nước trên thế giới tôn trọng.”?

Chính quyền bất nhân thì lương tri không có
Những gì Đại biểu Thích Thanh Quyết đề nghị “Đảng và Nhà nước phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, chú trọng giữ yên bờ cõi biên cương trong đất liền, thúc đẩy ngoại giao, quốc phòng, phát triển kinh tế biển” là đúng. Nhưng những gì Hòa thượng nói về Đức Nhân của Việt Nam mà kêu gọi Trung Quốc từ bỏ tham vọng chủ quyền, đó là sự sai lệch.
Đất nước còn, thì dân tộc còn, đạo pháp còn. Nhưng muốn thế, thì trước hết dân phải được An. Chừng nào, chính quyền đối nội (đối xử với dân) theo kiểu bất Nhân, bất Đức với dân thì chừng đó, thì việc đòi lại chủ quyền ở Biển Đông vẫn là bài toán khó. Bởi, “chính nghĩa, lương tri” – thứ làm nên sự bền bỉ trong đấu tranh chủ quyền, biển đảo, thứ làm nên một Việt Nam kiên cướng trước nước lớn Trung Quốc, chỉ xuất hiện khi và chỉ khi “sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc” – được coi trọng và bảo toàn. 

Mà hiện nay, đó là thứ xa xỉ ở Việt Nam. 

Tin bài liên quan:

Vài lời về Khổng Tử và học viện Khổng Tử

Phan Thanh Hung

VNTB – Mỹ tuyên bố Trung Quốc phi pháp khi khẳng định chủ quyền trên Biển Đông 

Phan Thanh Hung

VNTB – Đài Loan: “Chủ quyền thì không thể phân chia, nhưng tài nguyên thì có thể chia sẻ.”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo