Thục Quyên (VNTB) Những nguồn tin chính thức của Đức liên quan đến vụ toà đại sứ Việt Nam dính líu vào một vụ bắt cóc người.
Trong cơn sốt “Trịnh xuân Thanh” hiện nay, một cái tựa bài mà không có tên nhân vật này có lẽ chẳng hấp dẫn được số đông. Nhưng sự lương thiện bắt buộc người viết không được gợi sự hiểu lầm làm mất thì giờ người đọc, vì tuy có dính líu tới vụ ông Trịnh xuân Thanh, bài này sẽ chẳng có tình tiết éo le gì về số phận ông ta, mà cũng chẳng đóng góp thêm cho cái mà nhiều tờ báo Đức gọi là Thriller (từ tiếng Anh), một câu chuyện giật gân, một vở kịch hồi hộp, ly kỳ.
Mục đích của bài không phải là để thỏa mãn ít nhiều tính hiếu kỳ của người đọc, mà để đóng góp những tin tức căn bản, có chứng cớ rõ ràng, để những người quan tâm và tin rằng quan hệ giữa hai quốc gia Đức-Việt ở thời điểm này có ảnh hưởng lớn trên vận mạng Việt Nam, có thể hiểu chính xác những tuyên bố và hành động của chính phủ Đức liên quan đến vụ bắt cóc người tại thủ đô Berlin.
Những nguồn tin chính thức của Đức liên quan đến vụ toà đại sứ Việt Nam dính líu vào một vụ bắt cóc người.
1/ Tin đăng trên trang mạng của toà đại sứ CHLB Đức tại VN từ ngày 3/08/2017
Đây là thông cáo báo chí ngày 2/08/2017 của Bộ ngoại giao CHLB Đức về quan hệ Việt-Đức đã được toà đại sứ Đức dịch sang tiếng Việt.
‘‘Sau khi có những bằng chứng ngày càng rõ ràng và không còn cơ sở để nghi ngờ về sự liên quan của các cơ quan Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin trong vụ bắt cóc một công dân Việt Nam ở Berlin, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức, ông Markus Ederer, ngày hôm qua đã triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Đức.
Việc bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là hành động vi phạm luật pháp Đức và luật pháp quốc tế một cách trắng trợn và chưa từng có tiền lệ.
Vụ việc đã được phát giác nhờ sự nhạy bén của các cơ quan thực thi pháp luật của Đức. Hiện các cơ quan thực thi pháp luật của Berlin cũng đang tiến hành điều tra.
Vụ việc như thế này có thể ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng tới quan hệ giữa Đức và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Việc này cũng phá vỡ lòng tin một cách nghiêm trọng: Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, các đại diện cấp cao của Việt Nam đã nhắc lại yêu cầu dẫn độ công dân Việt Nam nói trên từ Đức về Việt Nam.
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Markus Ederer ngày hôm qua đã trình bày rất rõ quan điểm của Chính phủ Đức trong vấn đề này với Đại sứ Việt Nam. Ông cũng nêu rất rõ ràng với Đại sứ rằng Chính phủ Liên bang Đức yêu cầu phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để hồ sơ đề nghị dẫn độ và đơn xin tị nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý.
Hệ quả của vụ việc hoàn toàn không thể chấp nhận được này là đại diện chính thức của cơ quan tình báo Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam ở Đức sẽ bị tuyên bố là người không được hoan nghênh (persona non grata) và có 48 tiếng để rời khỏi Đức.
Chúng tôi cũng bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp khác trên bình diện chính trị, kinh tế và chính sách hợp tác phát triển.
2/ Những lời giải thích của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Peter Schäfer trong buổi họp báo 2/08/2017
Martin Schäfer , phát ngôn viên Bộ Ngọai giao Đức |
Những câu trả lời và giải thích của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức cho các nhà báo, trong buổi họp báo ngày 2/08/2018, có thể giúp đánh giá đúng mức tình hình nghiêm trọng trình bày bằng ngôn ngữ ngoại giao trong bài thông cáo báo chí
Buổi họp báo liên quan tới 4 điểm.
– Thổ nhĩ Kỳ bắt giữ ông Peter Steudtner, một nhà hoạt động nhân quyền người Đức
– Tự sát đánh bom một nhà thờ Hồi giáo Shiite và một đoàn xe của NATO ở Afghanistan
– Mâu thuẫn giữa Qatar và các quốc gia Ả Rập khác
và kết thúc với điểm thứ 4 là ” Vụ bắt cóc công dân Việt Nam tại Berlin”.
Được đưa ra trong một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Đức, chung với những điểm đang gây nóng trên thế giới, cho thấy tầm quan trọng của vấn đề được gọi chính danh là bắt cóc người xảy ra trên lãnh thổ Đức.
Không những vậy, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức đã nhấn mạnh với các nhà báo khi bắt đầu đề cập tới vụ bắt cóc ” tôi muốn trình bày thật rõ ràng, dứt khoát về việc ….” và ông ta đã mô tả là không còn một nghi vấn đáng kể nào về việc Toà Đại sứ VN tại Berlin đã dính líu vào vụ này.
Trả lời câu hỏi của một nhà báo, ông Schäfer nói “chúng tôi tin rằng”, sau đó ông sửa lại, “chúng tôi chắc chắn trong những ngày qua, một số cơ quan nhà nước Việt Nam đã phạm vào một vụ, gọi theo đúng quy định pháp luật hình sự là bắt cóc người.
Được yêu cầu cho biết Đại sứ Việt Nam có đến trình diện Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức, ông Markus Ederer, hay chưa, ông Schäfer trả lời : “Hôm qua (1/08/2017) lúc 15 giờ, ông đại sứ đã nhận triệu tập mời đến gặp quốc vụ khanh Ederer lúc 12 giờ trưa hôm nay (2/08) để có cơ hội cho ông trình bầy, đáp lại những tuyên bố của ông Ederer liên quan đến vụ việc, đặc biệt là đáp ứng đòi hỏi của chúng tôi phải mang người đàn ông đó trở lại nước Đức. Hiện nay đã qúa hẹn 90 phút, cả hai điểm trên đã không được thi hành, đó là lý do tại sao trong buổi họp báo này, tôi phải thay mặt Chính phủ Liên bang, Bộ Ngoại giao và ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao để thông báo một hệ quả nghiêm khắc và quyết liệt.
Theo ông Schäfer, vụ việc chính (đơn giản) là : một nước ngoài chà đạp lên luật pháp Đức ngay trên lãnh thổ Đức thuộc chủ quyền Đức ( vi phạm chủ quyền) là một điều không thể chấp nhận được. Còn những chi tiết vụ bắt cóc, lý lịch cùng tội phạm của nạn nhân bị bắt cóc không có tính cách quyết định trong vụ việc. Muốn giải quyết vụ phạm pháp, chính phủ Việt Nam có bổn phận đưa nạn nhân của vụ bắt cóc trở về Đức.
Còn khi có mặt trở lại tại Đức thì người này, ông Trịnh xuân Thanh, sẽ phải qua hai cuộc xét xử pháp lý khác nhau trong hai vụ việc song song: một bên là đơn xin dẫn độ của chính phủ Việt Nam và bên kia là đơn xin tỵ nạn của ông TXThanh.
Vai trò quan trọng của các luật sư của ông TXThanh
Qua phỏng vấn báo chí (1) hai luật sư của ông TXThanh , bà Petra Schlagenhauf và ông Victor Pfaff, cho biết họ là những người đã báo động với cảnh sát về sự mất tích của ông Thanh.
Trong trường hợp bất cứ một người Đức hay ngoại quốc nào, sống tại nước Đức, mất tích và có thân nhân ra khai báo với cảnh sát, cảnh sát sẽ không khởi động tìm kiếm ngay mà khuyên gia đình trước hết tự liên lạc bạn bè, người quen biết, đồng nghiệp..v.v…. cũng như các nhà thương lớn, để tìm người bị cho là mất tích. Nếu khai báo là bị bắt cóc chỉ do nghi vấn mà không có những dấu hiệu đáng tin cậy, cảnh sát cũng không khởi động tìm kiếm. Ông TXThanh chỉ là một người vô danh tiểu tốt tại Cộng Hoà Liên bang Đức. Do đó mặc dù LS Schlagenhauf đã báo động với văn phòng An ninh Quốc gia nghi vấn về sự vắng mặt của ông Thanh, ban đầu bà cũng chỉ nhận lời từ chối vì phía An ninh QG cho rằng không có đầu mối để hành động.
Nhưng nhờ sự khai báo của các luật sư nên cảnh sát đã mau chóng nối kết được lời khai báo của họ với một vụ bắt cóc người tại đường Hofjägerallee (Tiergarten, Berlin) do những nhân chứng (tình cờ chứng kiến) báo động. Cảnh sát đã xúc tiến thu thập đủ bằng chứng để xác nhận nạn nhân vụ bắt cóc giữa ban ngày và tại thủ đô nước Đức, cách Phủ Tổng Thống chỉ có khoảng 10 phút đường bộ, là ông TXThanh, thân chủ của các luật sư.
Trong bản thông tin của LS Sclagenhauf (3) bà này cho biết cho tới ngày ông TXThanh bị bắt cóc, về phía Đức không có lệnh bắt để dẫn độ hoặc điều tra dẫn độ nào đối với ông Thanh.
Tình hình quan hệ Đức-Việt
Trong trang nhà của toà đại sứ Đức tại Việt Nam, mở đầu lời giới thiệu về quan hệ song phương giữa 2 nước (2) có đoạn:
Đức không chỉ giúp đỡ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi kinh tế mà còn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình cải cách hệ thống pháp luật trong khuôn khổ Đối thoại nhà nước pháp quyền Đức-Việt. Với khoảng 70 hội thảo, các cuộc trao đổi về chuyên môn và các chuyến đi khảo sát mỗi năm, Đối thoại nhà nước pháp quyền Đức-Việt đề cập đến rất nhiều nội dung: tư vấn đối với các dự án luật của Việt Nam, tiếp tục phát triển hệ thống pháp luật, bồi dưỡng thẩm phán, công tố viên, luật sư và công chứng viên, tư vấn thực hiện các công ước và quy tắc quốc tế, cải cách pháp luật dân sự (bao gồm pháp luật sở hữu, bảo vệ sở hữu trí tuệ) và pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật lao động, công đoàn và xã hội, tiếp tục phát triển pháp luật hình sự và tố tụng hình sự, pháp luật thương mại, cơ chế xét xử của tòa án hiến pháp, khuyến khích các quyền con người, tương trợ tư pháp và các chủ đề khác.
Như vậy thì rất dễ hiểu tại sao sau lời phát biểu ẫm ờ ngày 3/08/2017 của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng “Tôi lấy làm tiếc về phát biểu ngày 2/8 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức” thì ngày hôm sau, 4/08 chính ông Bộ trưởng bộ Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel đã mạnh mẽ tuyên bố:
“Chúng tôi sẽ không dung thứ, và không thể dung thứ”.
Với bản thông cáo báo chí và biên bản buổi họp báo ngày 2/08/2017 khi đã được đăng trên trang mạng của Bộ Ngọai giao Đức thì đã qúa rõ ràng là cảnh sát Đức có trong tay bằng chứng chắc chắn về vụ bắt cóc. Đại sứ VN Đoàn Xuân Hưng không dám đối mặt chính quyền Đức, nhà cầm quyền Việt Nam không dám lên tiếng đòi Đức trưng bằng chứng khi trục xuất đại diện Tổng cục Tình báo VN (nhân viên toà đại sứ), đài phát thanh Praha loan tin cảnh sát Séc nhập cuộc điều tra (vì xe bắt cóc mang bảng số xe Séc) : giờ đây ngay chính ông TXThanh có muốn tuyên bố mình không bị bắt cóc cũng không còn được.
Trước sự vi phạm trắng trợn luật pháp Đức và luật pháp quốc tế của nhà cầm quyền Việt Nam, chính phủ Đức không những không thể dung thứ,mà Bộ trưởng S.Gabriel còn phải đau đầu cân nhắc những phương cách để đối trị Việt Nam.
Tổng thống Đức, Quốc hội Liên bang Đức , Liên đoàn Thẩm phán Đức, cũng như chính bản thân Bộ trưởng S. Gabriel đều rất thông thạo về tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và đã từng đích thân can thiệp (4) giúp những nhà tranh đấu dân chủ. Đức cũng thừa biết Việt Nam nếu mất thêm sự ủng hộ của Âu Châu sau khi đã bị Mỹ lơ là, thì càng nhanh chóng bị Trung Quốc khống chế. Nhưng đồng thời khuynh hướng chống những chính phủ độc tài có hành động khủng bố (với dân của họ) dù phải hy sinh những lợi ích kinh tế của Đức càng ngày càng quyết liệt. Trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy Đức sẽ không nhân nhượng với Việt Nam, và càng không thể nhân nhượng sau vụ Việt Nam vi phạm chủ quyền của Đức.
Đối trị nhà cầm quyền , làm sao khỏi hại đến dân?
Câu hỏi đã được một người dân Đức nêu lên trong Facebook của Bộ Ngoại giao Đức mà chưa thấy ai ̣đề nghị câu trả lời.
Có lẽ những người dân Việt, thay vì đuổi theo những tin tức giật gân vô bổ về nhân vật Trịnh Xuân Thanh, nên dành thời gian suy nghĩ để đóng góp ý kiến cho ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức, mà cũng là để giúp chính mình, trong tình thế tối đen của dân tộc.
Tham khảo: