Thiên Điểu (VNTB) – Lý giải ra sao về động thái sốt sắng của một vài quan chức chính phủ khi hối thúc Thanh tra chính phủ vào cuộc? Những kẻ đốn cây có thật sự chỉ đốn cây hay đốn cả người?
Ủy viên bộ chính trị Phạm Quang Nghị “diện kiến” phia Mỹ vào cuối tháng 7/2014 có thể làm ai trong ‘nội bộ’ bực mình? |
Từ thụ động đến mụ mị…
Câu chuyện chính quyền Thủ đô Hà Nội triển khai quyết định chặt phá 6.700 cây xanh với tuổi cây từ 50 năm đến hàng trăm năm đã gây ra một làn sóng phản ứng gay gắt từ người dân và dư luận cả nước. Vấn đề nóng tới mức lan tỏa ra cả truyền thông quốc tế.
Những ngày đầu tháng 3/2015, một số người dân Thủ đô bao gồm cả các cư dân ngoại tỉnh vào làm ăn sinh sống ở Hà Nội bất chợt ngỡ ngàng thấy con đường mình thường đi qua mỗi ngày bỗng “sáng lên bất ngờ mà không biết tại sao” – lời một một giáo viên tư thục có nhà ở Quận Hoàng Mai. Rồi ở đâu đó trên đường, khi bắt gặp cảnh công nhân đang đốn hạ cây thì lại nghĩ: “Chắc là cây bị sâu, mục, gãy đổ hay trùm vào dây điện… phải chặt bỏ”.v.v.
Cái nhận thức và cảm nhận kiểu như trên hoàn toàn dễ hiểu khi người dân đã quen nhìn với lăng kính bàng quan trước mọi vấn đề xã hội. Cuộc mưu sinh chật vật với đủ các lý do, cùng với hệ thống tuyên truyền dạy cho người ta luôn phải tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của chính quyền đã khiến cái tư tưởng thụ động đến mụ mị trong số đông chưa từng một lần đặt ra câu hỏi “Mình có vai trò thế nào trong xã hội dưới chế độ này?”.
Câu chuyện chính thức bùng nổ khá nhanh nhưng cũng đến với nhận thức của người dân một cách “rất đúng thời điểm” sau khi cả ngàn cây xanh đã bị đốn hạ và đào sạch gốc rễ (!)
Một dự án, một kế hoạch triển khai với quy mô và tầm liên đới lớn như vậy tại sao chỉ đến khi đã thực hiện đến mức nghiêm trọng mới được biết tới? Phản ứng lúng túng, vụng về của hàng loạt quan chức liên quan cho thấy điều gì?
… đến bùng nổ thông tin
Hãy thử thống kê một số “mốc” nổi bật quanh sự kiện này:
Trước ngày 28/1/2015 mấy ngày: Tin tức việc chặt cây xanh được vài tờ báo điện tử “hạng ruồi” đưa tin với nội dung “chặt gần 7.000 cây xanh để phục vụ cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông”.
– Ngày 28/1/2015, chính thức các tờ báo nặng ký bắt đầu đăng tải “nhiều người dân phản đối chặt cây xanh” trong khi dư luận trên các trang mạng xã hội hoặc blog chưa có bất cứ phản ứng gì. Mặc dù trên thực tế, cây trên một số tuyến đường đã bị chặt bỏ hoàn toàn. Trên truyền thông thì một vài trang báo nhỏ như trang congly.com.vn đã đưa tin về “hai người phụ nữ leo lên cây nhai bánh mì phản đối chặt cây xanh”.
– Gần hai tháng sau, ngày 19/3/2015, câu trả lời của ông Nguyễn Thái Thịnh – người phát ngôn của Thành phố Hà Nội – “Hầu hết người dân đồng tình ủng hộ” cùng tiết lộ thông tin 6.700 cây xanh sẽ bị đốn hạ là do “cong vênh, sâu mọt, không phải chủng loại cây đô thị, ảnh hưởng mỹ quan đô thị..v.v.” là thuộc “Đề án quy hoạch chỉnh trang đô thị” đã tiến hành suốt 3 năm qua. Trên thực tế thì trong số cây bị đốn hạ, có những tuyến đường toàn Xà cừ, Sưa, Sao, Bọ ngựa… với tuổi thọ trên dưới 100 năm hoàn toàn khỏe mạnh, xanh tốt đã được “đào tận rễ” để thay thế bằng loại cây mới.
Có thể nói: “Người dân” trong phát ngôn của UBND Hà Nội là mấu chốt quan trọng nhất và để lại dấu ấn quan trọng (ngày 19/03) cho cuộc bùng nổ thông tin về việc chặt hạ 6.700 cây xanh ở Hà Nội.
– 24/03: Vietnamnet đưa tin Thường trực Thành ủy sẽ báo cáo trực tiếp Chính phủ.
…
Sau ngày 19/3/2015 thì thông tin có thể nói bùng lên dữ dội ở tất cả các phương tiện thông tin truyền thông lẫn mạng xã hội. Đỉnh điểm là ngày 29/3/2015, một số tổ chức hoạt động xã hội đã phát động cuộc biểu tình tuần hành phản đối chặt hạ cây xanh của UBNDTP Hà Nội.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi chỉ hơn hai tháng, thông tin chặt hạ hàng loạt cây xanh như cơn bão “phủ sóng” toàn bộ các kênh thông tin và đập thẳng vào nhận thức của người dân.
Điều đáng chú ý trong lúc này là các phát ngôn của những lãnh đạo liên quan trực tiếp vụ việc khá dửng dưng với hầu hết các câu phát ngôn, trả lời trước công luận đều cho chung một nhận xét: Tất cả đều trong trạng thái pha chút ít ngạc nhiên… Nội dung trả lời đều có vẻ như đó là việc bình thường và… không ai nắm rõ thực trạng việc đốn hạ lẫn thay thế cây thế nào (!).
Lật lại Đề án Quy hoạch & phát triển đô thị Hà Nội tầm nhìn đến 2030. Một chi tiết có thể lý giải cho thái độ và phát ngôn của các quan chức Hà Nội: Đây là đề án đã được UBND HN phê duyệt cách đây hơn 10 năm về trước. Việc quy hoạch đô thị của thành phố lớn nhất nước, quan trọng nhất nước là Thủ đô không lẽ không trình Chính phủ? Và như vậy, trình hay chưa trình Chính phủ thì việc đốn hạ cây xanh về cơ bản là một kế hoạch có trước, có cơ sở pháp lý chứ không phải là một kế hoạch đột xuất, ngẫu hứng.
Đốn cây hay đốn người?
Vậy lý giải ra sao về động thái sốt sắng của một vài quan chức chính phủ khi hối thúc Thanh tra chính phủ vào cuộc? Vì sao có tình tiết nhà tài trợ VingGoup, VP Bank, Bình Minh… tăng tiền, hối thúc đẩy nhanh việc đốn hạ cây xanh? Tại sao vụ việc bùng lên vào đúng thời điểm đất nước có nhiều sự kiện được cho là “nhạy cảm” nhất này? Có hay không sự trùng hợp hay là một cố ý nào đó?
Như một thông lệ thường thấy: Tất cả các kế hoạch, dự án, công trình công ở Việt Nam đều liên quan thất thoát, lợi dụng tham nhũng, làm trái. Việc chặt hạ cây xanh hàng loạt với những cây hoàn toàn khỏe mạnh, không đúng như trong báo cáo của Đề án đã phê duyệt… thì việc lợi dụng, sai phạm trong việc này là chắc chắn có. Khuất tất trong việc đốn hạ hoàn toàn cả những tuyến đường không nằm trong tuyến đường sắt trên cao cũng là một dẫn chứng cho thấy bàn tay đen thò vào moi móc lá phổi của Thủ đô qua việc này.
Xét về mặt quản lý, bởi đây là một đề án được phê duyệt hẳn hoi thì việc cần quan tâm là tập trung “soi” vào những sai phạm nói trên. Nhưng có vẻ như không phải vậy! Mọi chất vấn, mọi quy chụp đều nhắm vào UBND Hà Nội, sau đó là Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trên cương vị người lãnh đạo cao nhất Thủ đô. Động thái Thành ủy Hà Nội phải báo cáo với Thủ tướng về việc chặt cây – thay vì phải là do UBND TP Hà Nội – theo vietnamnet.vn ngày 24/03 có vẻ như có chút bất thường theo quy trình thường thấy.
Trên truyền thông “lề trái”, fanpager 6.700 cây xanh bùng lên với một đội ngũ admin chứng tỏ bản lĩnh và kinh nghiệm truyền thông hết sức bài bản. Xét về mức độ thiết kế, kịch bản truyền thông có lẽ không hề thua kém trang blog Chân dung quyền lực làm khuynh đảo mạng xã hội gần đây. Thậm chí nhiều bài viết trên fanpager có câu trúc và cách viết ở một trình độ tương đồng rất khó phân biệt.
Cả một đội ngũ giáo sư, tiến sĩ đã và đang nhảy vào làm các hoạt náo viên nhằm bưng bít, ngăn chặn thông tin gây nên bất bình trong dân. Nhưng có vẻ như lại làm cho sự việc ngày càng nghiêm trọng hơn.
Một số quan chức cấp Sở, ban, ngành của Hà Nội đã gánh chịu hậu quả, chấm dứt sự nghiệp. Chưa biết số phận Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND Hà Nội sẽ thế nào sau những phản ứng yếu ớt vừa qua?
Chặt phá cây xanh đương nhiên là một sai lầm nghiêm trọng. Nhưng cây xanh ngã xuống, những kẻ đốn cây có thật sự chỉ đốn cây hay đốn cả người?