Hoàng Mai
(VNTB) – Ngày Tết là khoảng thời gian ai cũng muốn được sum vầy, được đoàn tụ, được quây quần bên nhau để cùng ngồi lại ăn bữa cơm gia đình và kể cho nhau nghe biết bao chuyện trong năm vừa qua…
Hơi thở của Tết cổ truyền dân tộc Tân Sửu 2021 đang đến gần. Mặc dù vẫn lo lắng và căng thẳng trước những tin tức về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng, trước tin tức 12g trưa ngày 9-2-2021, một số hoạt động ở thành phố sẽ tạm dừng để phòng dịch… song người Sài Gòn vẫn lạc quan, dù cuộc sống có phần khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Nhằm nhò gì, Tết mà, có nhiều mình ăn Tết lớn, có ít thì mình ăn Tết nhỏ, cũng chẳng sao”, với tâm lý đó nên đường sá vẫn nhộn nhịp người qua lại. Một vài ngôi chợ trong thành phố đông đúc người đi mua sắm Tết. Ở các ngả đường, những bản nhạc xuân xập xình, sôi động.
Có người bảo Tết năm nay khác hẳn mọi năm, vì tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát xảy ra vào những ngày giáp Tết. Có lẽ đúng như vậy, nhưng sao vẫn cảm thấy, nếu như không có Covid-19, Tết của những năm thế kỷ 21 này sao lại khác xưa đến thế…
Tôi nhớ khi mình còn nhỏ, thi xong học kỳ 1, bước sang những ngày đầu tiên của tháng Chạp là cảm thấy nôn nao trong lòng rồi. Mặc dù vẫn đến trường, thầy cô vẫn đứng lớp dạy, nhưng với lũ học trò chúng tôi, còn tâm trí đâu nữa mà học, mà nghe giảng. Những khi đó, chúng tôi đã thả hồn vào suy nghĩ, xem Tết năm nay sẽ đi chơi ở đâu, làm gì? Còn không thì lo tập trung vào chuyện ăn vụng, đọc truyện lén trong giờ học hoặc ngồi cắn… hạt bí, hạt dưa…
Bước sang cái rằm cuối cùng của năm, nhà cửa tất bật hơn với cúng kiếng, ông nội, bà nội sửa soạn mâm cơm, chén nước cúng bàn thờ tổ tiên, trang Phật.… Rồi đưa ông Táo về trời; 25 tảo mộ; rước ông bà…
Như một thói quen, tôi thường chạy xe dạo các ngả đường ở Sài Gòn những ngày cuối năm. Chỉ cần bắt gặp hình ảnh một ai đó đang ngồi đánh bóng lư đồng là lại cảm thấy Xuân đang đến, Tết đang về.
Tôi nhớ, thuở ấy, cả gia đình cùng chung tay dọn dẹp nhà cửa; chà rửa từng song cửa, cánh cửa vương bụi của thời gian. Nói nào ngay, ngán thì cũng ngán thiệt, nhưng được cái cũng thích. Thích lắm mỗi khi cầm cái vòi nước, xịt xịt rồi chà chà xà bông lên từng tấm cửa sổ bằng kính; kỳ cọ từng thanh gỗ trên ghế salon; hì hục lau nhà; quét dọn trang thờ, bàn thờ…
Chùi lư nữa chứ. Vẫn là câu chuyện của ‘nói nào ngay’, nhỏ xíu như tôi thì biết cái gì mà chùi. Không chùi máy như bây giờ, nhà tôi có một ông cậu, mỗi năm, khi đã đưa ông bà vào ngày 25 tháng Chạp, ổng lại lấy lư xuống, chùi…
Thích nhất vẫn là cái đêm giao thừa. Không biết sao chứ tôi cảm thấy nó thiêng liêng lắm kìa. Thời khắc giao nhau giữa năm cũ với năm mới mà lị.
Vào cái đêm trừ tịch ấy, tầm 20 giờ, nhà tôi sẽ bày một mâm (hoa quả, giấy tiền vàng bạc, bông, đèn cầy…) ở ngoài trời, sau đó thì… đi coi Táo quân trên ti vi.
Đúng 12 đêm, trước khi tiếng pháo bông nổ, nhang đèn được ông, bà đốt lên. Sau đó lần lượt hết con rồi tới cháu, cầu nguyện cho một năm bình an, khó khăn được tiêu trừ, công việc được thuận buồm xuôi gió.
Rồi thời gian dần trôi, lớn dần theo năm tháng, mải mê chạy theo guồng máy của cuộc sống, của cơm gạo áo tiền, những ngày giáp Tết, không còn nhiều khoảng trống của thời gian để làm những việc quen thuộc khi xưa nữa. Những thói quen, lề cũ của ngày xưa cũng dần bớt…
Một người thân nói với tôi rằng, Tết bản thân nó vẫn vậy, vẫn bánh mứt dưa hành câu đối đỏ, vẫn dọn dẹp nhà, vẫn kho nồi thịt, vẫn cúng kiếng ông bà tổ tiên….
Họa chăng có khác, âu cũng là cảm giác của mỗi con người mà thôi…