VNTB- Donald Trump và con lắc chính sách đối ngoại

Robert D. Kaplan, National Interest, ngày 22/12/2016
(bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)
(VNTB) – Nói dễ hơn làm. Trump không phải bắt chước Obama, khi ông trở thành đối lập với người tiền nhiệm là tổng thống Bush con. Con lắc nên đứng ở điểm giữa mà không nghiêng tới hai điểm cực đoan kia.


Mỗi một chính phủ mới thường tìm cách để làm khác biệt với chính phủ cũ. Điều này đặc biệt đúng khi hai chính phủ mới và cũ cùng thuộc một đảng và khi đó ban lãnh đạo mới phải làm việc gấp đôi để có sự khác biệt với chính phủ trước đó. Minh chứng rõ ràng nhất là George H. Bush, không chỉ ông cùng đảng Cộng hòa với tổng thống tiền nhiệm Ronald Reagan, mà ông còn là phó tổng thống trong nhiệm kỳ trước đó. Do đó, trong khi Reagan nói chung thúc đẩy trường phái Wilson, Bush bố ngay lập tức cho thấy mình là một người thực tế với một đội ngũ chính sách ngoại giao chuyên nghiệp nhiều hơn so với người tiền nhiệm của ông. Tổng thống đắc cử Donald Trump không có vấn đề đó. Ông đến Nhà Trắng với tư cách là người của đảng Cộng hòa sau nhiều nhiệm kỳ của đảng Dân chủ. Ông sẽ không phải cố gắng hết sức để làm khác biệt mình với Barack Obama.
Chính quyền Obama đã được cho là hướng tới tiết giảm và kiềm chế. Chính phủ này đã rút hai lữ đoàn chiến đấu từ châu Âu, không can thiệp vào Syria khi có cơ hội trong năm 2011 và đã phản ứng chậm với việc Trung Quốc bành trướng biển đảo ở Biển Đông. Thời gian sẽ trả lời liệu những chính sách này là khôn ngoan hay dại dột. Trong mọi trường hợp, chính phủ của Trump, trong tìm kiếm sự khác biệt, sẽ tìm cách đứng giữa chính sách kiềm chế của Obama và chính sách gây hấn của George W. Bush tại Afghanistan và Iraq. Mối nguy hiểm là, trong việc tìm cách hành động tích cực hơn Obama trong việc chống lại ISIS và ít tích cực hơn so với chính quyền Bush ở Iraq, Trump sẽ bị quá tải ở một nơi nào đó.
Chúng ta sống trong một thế giới với sự liên kết rộng lớn, với việc một trong những khu vực xung đột ở Phi-Eurasia được kết nối với mọi nơi khác chứ không như trước kia và các sự kiện và các thảm họa diễn ra với một tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử. Như vậy, giá cho việc sa lầy ở một nơi nào đó sẽ nặng nề hơn bao giờ hết. Nó không chỉ là xung đột về mặt địa lý mà nước Mỹ phải cảnh giác-Ukraina, Syria, Biển Đông và cùng với đó là những hiểm họa khác như tấn công mạng và đại dịch có thể gây sự chú ý của chính phủ bất cứ khi nào mà không báo trước. Truyền thông muốn chính phủ phải phản ứng toàn diện đối với mọi sự kiện nhưng  nhưng điều đó sẽ có nguy cơ gây tê liệt chính sách đối ngoại. Trong khi Mỹ có khả năng ứng phó với vài ba cuộc khủng hoảng cùng một lúc, những người ra quyết định cao nhất thường có giới hạn về khả năng trong một ngày nào đó. Vì vậy, nó không phải là sụ kiện cụ thể mà tôi lo lắng, mà là hàng loạt sự kiện.
Tại thời điểm viết bài này, Syria đang ám ảnh  Washington. Chính quyền mới muốn làm một cái gì đó mang tính quyết định về vấn đề này. Nhưng bất kỳ động thái quân sự quyết định có đi kèm với nguy cơ cao bị sa lầy sớm đối với chính phủ mới khi chính phủ này có ít kinh nghiệm về các ngóc ngách ở Trung Đông và trong phần còn lại của thế giới. Syria đã bị đắm. Điều chưa rõ ràng là liệu nội chiến có chấm dứt nếu loại bỏ tổng thống đương nhiệm Bashar al-Assad. Người Israel, trong khi đó, đã dự đoán tốt tình hình và vì vậy họ không mạo hiểm để tiếp tục cuộc chiến. Quan tâm đầu tiên của Mỹ phải là đảm bảo sự sống còn của chế độ ở Jordan. Bảo vệ Jordan nên là điểm khởi đầu cho bất kỳ sách can thiệp quân sự của chính quyền Trump mới ở Syria.
Nhìn vào bức tranh lớn hơn, chính quyền mới phải nhận ra rằng hai chế độ ở Moscow và Bắc Kinh, với các vấn đề kinh tế và xã hội, có thể không ổn định như vẻ bề ngoài. Bất ổn nội bộ, từ gốc rễ, có nguyên nhân từ sự xâm lược bên ngoài của hai quốc gia này. Nếu hai chế độ này trở nên yếu đi, chúng càng trở nên nguy hiểm hơn, ít nhất trong ngắn hạn. Trong khi bản năng của chính quyền mới có thể hành động mạnh mẽ hơn (đối với Trung Quốc), trớ trêu thay, sự kiềm chế lại cần thiết hơn bao giờ hết.
Tóm lại, nhiệm vụ của chính quyền mới sẽ là thể hiện quyền lực với mức độ lớn hơn chính quyền của Obama đối với cả hai nước Nga và Trung Quốc để thiết lập một bối cảnh địa chính trị thuận lợi hơn cho các cuộc đàm phán mà không gây xung đột với hai cường quốc khu vực đó. Nói dễ hơn làm. Trump không phải bắt chước Obama, khi ông trở thành đối lập với người tiền nhiệm là tổng thống Bush con. Con lắc nên đứng ở điểm giữa mà không nghiêng tới hai điểm cực đoan kia.
—————–
Robert D. Kaplan là một thành viên cao cấp của Trung tâm An ninh mới của Mỹ và là tác giả của Earning the Rockies: How Geography Shapes America’s Role in the World.
(Địa lý hình thành nên vai trò của Mỹ trên thế giới như thế nào?

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)