VNTB – Đồng Tháp không phải là… Hà Nội

VNTB – Đồng Tháp không phải là… Hà Nội

Hồng Ngự

 

(VNTB) – “Người nông dân cần nhận thức rằng cuộc đời của mình là do chính mình quyết định” – ông Lê Minh Hoan vẫn thường nhấn mạnh như thế khi trò chuyện với người dân quê ông xứ Đồng Tháp.

 

Cách đây 5 năm, Đồng Tháp đi vào tái cơ cấu nông nghiệp với quan điểm nhất quán: Đây không phải là loay hoay xác định trồng cây gì, nuôi con gì, trồng bao nhiêu, nuôi bao nhiêu, vì điều này thị trường sẽ điều chỉnh, quyết định. Nhưng dù trồng cây gì, trồng bao nhiêu; nuôi con gì, nuôi bao nhiêu đều dựa trên ba yếu tố cốt lõi là “hợp tác, liên kết, thị trường”.

Đó cũng chính là lý do mà Chương trình Fulbright Friday Talk – số tháng 7 năm 2020, diễn ra với sự tham gia của vị khách mời là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp – ông Lê Minh Hoan.

Hãy làm sao để dân tin chính quyền

Friday Talk là một trong những hoạt động diễn ra định kỳ hàng tháng do Hội cựu học viên trường Chính sách Công và quản lý Fulbright thực hiện. Thông qua các buổi tọa đàm vào chiều thứ sáu cuối cùng của mỗi tháng, với những vị khách mời là các chuyên gia, các chính khách tiêu biểu là dịp để các học viên hiện tại và cựu học viên chia sẻ về kỹ năng mềm, cập nhật các thông tin thực tế, chia sẻ kinh nghiệm sống và học tập.

Chương trình Friday Talk tháng 7-2020 xoay quanh một chủ đề vốn là mối quan tâm của cộng đồng người học chính sách công nói riêng cũng như của bất kỳ ai quan tâm đến việc xây dựng chính quyền địa phương, quan tâm đến việc tạo ra những giá trị ý nghĩa, vì một Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp và bền vững hơn – Đó chính là câu chuyện về việc cải thiện dịch vụ công và xây dựng chính quyền.

Khi ấy ông Lê Minh Hoan đã có bài thuyết trình rất ấn tượng giúp người tham dự có thể hình dung khái quát phần nào bức tranh của một Đồng Tháp, từ lời nguyền “khuất nẻo”, đến những nỗ lực không ngừng và những gam màu tươi sáng ngày hôm nay. Đặc biệt là việc Đồng Tháp là địa phương duy nhất nằm trong top 5 tỉnh thành dẫn dầu chỉ số PCI liên tiếp 12 năm.

Những người tham gia Friday Talk tháng 7-2000 nhận rõ thiện chí hợp tác thể hiện qua việc những người nông dân, cơ sở sản xuất cùng nhau gỡ “nút thắt” manh mún, nhỏ lẻ thông qua các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác xã, hội quán nông dân…

Theo đó, những người nông dân không đứng ngoài cuộc, mà được khuyến khích tham gia cùng nhau để tận dụng sức mạnh của số đông, giảm chi phí, tăng chất lượng, ứng dụng được thành quả của khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ.

Liên kết là sự kết nối giữa người sản xuất với các doanh nghiệp. Đó là yếu tố sống còn vì nông dân không thể nào đi vào sản xuất mà không biết thị trường ở đâu, cần bao nhiêu, cần sản phẩm với quy chuẩn, tiêu chuẩn như thế nào. Những điều này doanh nghiệp lại rất am tường thông qua các kênh đàm phán, nắm bắt thông tin. Khi biết được yêu cầu của thị trường thông qua chia sẻ thông tin, cơ chế liên kết, bà con sẽ chủ động hơn trong sản xuất.

Thị trường quyết định cả bên sản xuất và tiêu thụ, nên người nông dân và doanh nghiệp cần xác định mục tiêu thị trường là ưu tiên hàng đầu. Không thể tối ưu hoá sản xuất khi đầu ra còn mơ hồ, nặng tính đánh đố, lệ thuộc vào sự may rủi của thị trường.

Hà Nội thì không phải là Đồng Tháp

Cái cốt lõi là chọn được mục tiêu. Mục tiêu trước đây là chú trọng đầu cung, cố gắng tạo sản lượng nhiều hơn vì những nhà quản lý ở trung ương luôn nghĩ rằng sản lượng càng nhiều thì lợi nhuận của người nông dân càng cao, sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp càng lớn.

Tuy nhiên ông Lê Minh Hoan với tư cách chính trị gia đã mạnh dạn nói rằng kinh tế thị trường không định nghĩa như vậy. Sản xuất ít nhưng chất lượng, giá trị cao hơn, chi phí thấp, thì vẫn có lợi nhuận cao hơn. Ví dự như gạo ST25 so với các giống khác thì năng suất không cao bằng, nhưng giá trị của nó mang lại rất cao.

Trên nhiều diễn đàn, ông Lê Minh Hoan từng đưa ra các nhận định rất khác biệt khi so với những nội dung chung chung của nghị quyết/ văn kiện Đảng.

“Xứ người ta lại có tư duy khác. Dù là nước công nghiệp đi trước mình vài chục năm nhưng những giá trị về nghề nông, người nông vẫn được trân quý” – “Có trách là trách chúng ta chưa làm cho bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn tươi sáng… Ai là đội quân làm nên thanh bình cho xứ sở này nếu không là lực lượng nông dân và từ nông thôn? Vậy mà đây đó lực lượng này lại thiếu vắng trong các bản kế hoạch nâng cao chất lượng nhân lực. Những chương trình đào tạo nghề cho nông dân thường chỉ quanh quẩn kỹ thuật nuôi trồng, may đan”…

“Có người cho rằng tiền nào của nấy, tiền lương thấp nên công chức, viên chức ít cười, chểnh mảng giờ giấc, kém trách nhiệm. Nghĩ và nói như vậy đã hợp lý chưa? Hay trong bộ máy công vụ vẫn còn sức ì, làm việc chỉ theo mệnh lệnh cấp trên”.

Thắc mắc: liệu Hà Nội có phải là Đồng Tháp để mà, “Người nông dân cần nhận thức rằng cuộc đời của mình là do chính mình quyết định” như lời của ông Lê Minh Hoan vẫn thường nhấn mạnh với người dân quê Đồng Tháp.

Bởi, rất có thể vì cuộc đời của mình là do chính mình quyết định mà người ta lên tiếng yêu cầu “cải thiện nhân quyền” để người nông dân thực sự được làm chủ trên chính miếng ruộng của mình, chứ không phải đó là thứ tài sản của sở hữu chung chung là toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)