Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đồng Việt Nam ‘tăng giá’

Võ Hàn Lam

(VNTB) – Khi đồng Việt Nam ‘tăng giá’, có nghĩa là những doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải chịu thiệt; điều này càng tăng thêm gánh nặng cho giới làm ăn vốn đang khó khăn vì dịch bệnh Covid tiếp tục kéo dài.

 

Tỷ giá USD/VND do các ngân hàng thương mại niêm yết giảm tiếp 20 đồng/USD về mức 23.060/23.270 đồng; tỷ giá mua hiện đã thấp hơn mức cuối năm 2019 (23.080/23.230 đồng). Tỷ giá trung tâm cũng giảm 14 đồng/USD, về mức 23.216 đồng/USD.

Phân tích thuần chuyên môn, bỏ qua tác động cố tình của một chính sách nào đó của quốc gia sở tại, thì về cơ bản, đồng tiền của một quốc gia tăng giá cho thấy sức mạnh, tiềm năng tăng trưởng và sự ổn định của nền kinh tế đó. Với trường hợp của VNĐ, sự ổn định và giữ vững giá trị thời gian qua khiến những ai đang nắm giữ tiền đồng gửi ngân hàng sẽ không quá thất vọng, ngược lại những ai đã lướt sóng đầu cơ tỷ giá ắt hẳn sẽ không mấy vui, vì diễn biến lại đi ngược với dự tính và mục tiêu mà mình đặt ra.

Đối với những nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào Việt Nam, giá trị tiền đồng ổn định càng khiến các nhà đầu tư thêm tin tưởng, và hài lòng với lựa chọn rót vốn trước đây. Điều này là cần thiết và có lợi lớn cho nền kinh tế trong việc thu hút đầu tư, nhất là khi xu hướng dịch chuyển vốn từ Trung Quốc sang các quốc gia khác đang tiếp tục diễn ra.

Với những doanh nghiệp đang phải vay nợ bằng ngoại tệ, thì đồng nội tệ tăng giá cũng sẽ có lợi, và tránh được những rủi ro thiệt hại về tỷ giá. Tương tự, nợ quốc gia bằng ngoại tệ cũng không bị quá nhiều áp lực tăng lên, khi quy đổi sang đồng nội tệ.

Tuy nhiên, đồng nội tệ tăng giá có thể gánh những tác động bất lợi lên hoạt động thương mại. Về xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất hàng ra nước ngoài sẽ bị mất lợi thế cạnh tranh, nhất là khi các nền kinh tế khác lựa chọn phá giá tiền tệ.

Trong tình hình hàng Trung Quốc liên tiếp bị phía Mỹ áp các hàng rào thuế quan, thì một lượng lớn hàng Trung Quốc đang tìm cách đổ vào Việt Nam để lách thuế tìm đường vào Mỹ, hoặc để giảm bớt lượng hàng hóa dư thừa tại nước này, thì giờ đây, trước tình trạng tiền đồng Việt Nam tăng giá, càng khiến xu hướng nhập hàng từ Trung Quốc về Việt Nam gia tăng mạnh mẽ.

Lý thuyết về vấn đề này cũng cho biết, khi tăng giá nội tệ sẽ làm cho hàng nhập khẩu trở nên rẻ hơn và hàng xuất khẩu trở nên đắt hơn, vì vậy nó kích thích nhu cầu nhập khẩu và kìm bớt nhu cầu xuất khẩu. Như vậy điều này vô hình trung sẽ tạo thêm những thiệt hại từ chuyện vì dịch Covid, nên nhiều doanh nghiệp gia công hàng cho nước ngoài phải đóng cửa, giờ thêm chuyện về ‘kìm bớt nhu cầu xuất khẩu’, xem ra khó lại chồng thêm khó.

Nói một cách đơn giản hơn, nếu tiền đồng được định giá cao, hàng hóa nội địa sẽ mất dần tính cạnh tranh, ảnh hưởng đến xuất khẩu và cán cân thương mại. Ngược lại, nếu tiền đồng được định giá thấp, hàng hóa trong nước có tính cạnh tranh hơn, đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại.

Hai tháng sau khi hết lệnh cách ly để ngừa dịch Covid lây lan cộng đồng, các hoạt động của doanh nghiệp ở Việt Nam đã quay trở lại. Nhưng có một con số phải lưu tâm, trong 6 tháng đầu năm 2020, có hơn 62.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019), số vốn đăng ký đạt 697.100 tỷ đồng (giảm 19% so với cùng kỳ 2019) và hơn 507.200 lao động (giảm 21,8% so với cùng kỳ 2019). Cùng với đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 48.800 doanh nghiệp, tăng 129,4% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu cập nhật hàng ngày về Covid-19 trên toàn cầu cho thấy một kịch bản xấu vẫn đang treo lơ lửng, đó là dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại và cách ly diện rộng lại diễn ra. Nếu vậy, đây sẽ giáng một đòn mạnh, làm sụp đổ nỗ lực gượng dậy và hy vọng phục hồi của kinh tế thế giới. Và thực tế ở Việt Nam ngay lúc này, nhìn qua các mặt báo kinh tế, những tin tức kiểu “nhiều sạp hàng chợ Bến Thành vẫn nghỉ Tết”, “khách sạn 5 sao không phục vụ buffet ăn sáng vì vắng khách”, “sa thải hàng nghìn lao động”… vẫn còn đó.

Đang có một nghi vấn rằng việc tăng giá đồng nội tệ ở đây là nhằm đến chính sách vĩ mô. Theo đó, để tránh Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ, nên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn thận trọng trong chính sách tiền tệ, và làm tiền đồng tăng giá trở lại. Nếu xét về góc độ quy mô, thì xuất khẩu thu về USD sẽ không còn lợi về tỷ giá. Song về lâu dài nó góp phần vào sự ổn định tỷ giá USD/VND nên có dự báo là VND khó tăng mạnh.

Tin bài liên quan:

VNTB – Khi người dân bị tạm tước quyền tự do đi lại

Phan Thanh Hung

VNTB – Ngành điện có lỗ nếu giảm giá điện?

Phan Thanh Hung

VNTB – Vạ lây từ việc Nga xâm lược Ukraine

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo