Đầu tháng 3/2016, một tin tức có thể khiến đại đa số trong 90 triệu người Việt được an ủi là tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành của Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng phụ trách Nguyễn Hồng Trường phải thừa nhận “dự án vẫn chưa đi vào đường ray”.
Hình Internet
Giới lãnh đạo bộ này cũng thừa nhận siêu dự án Sân bay quốc tế Long Thành đã bị chậm tiến độ ít nhất 1 năm và khó có thể đưa vào khai thác trong năm 2023 khi “tiền đâu” vẫn là câu hỏi đau đầu.
Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp giữa năm ngoái, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong kế hoạch cổ phần hóa công ty mẹ đã kiến nghị được giữ lại tiền bán cổ phần để thực hiện dự án. Song quan điểm của Bộ Tài chính là số tiền này phải nộp về quỹ hỗ trợ và sắp xếp doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.
“Ngân sách rất khó khăn, nhưng nếu Trung ương không hỗ trợ thì Đồng Nai cũng sẵn sàng đi vay để thực hiện”, một lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tuyên bố có vẻ đầy cảm tính. Nhưng sự thật là đến thời điểm này, dù đã được Thủ tướng đồng ý về chủ trương tách công đoạn tái định cư và giải phóng mặt bằng thành tiểu dự án riêng và giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, nguồn kinh phí lên đến trên 18,500 tỉ đồng vẫn là bài toán quá khó nhằn với địa phương.
Cần nhắc lại, dự án sân bay Long Thành sử dụng chủ yếu vốn vay ODA trong bối cảnh nợ công tăng rất nhanh và ngân sách rất khó khăn.
Rất nhiều chuyên gia cho rằng nợ công Việt Nam không phải là con số dối trá chỉ khoảng 55% GDP như Chính phủ thường trưng bày, mà đã lên đến 98% GDP hoặc hơn thế.
Ngay cả một chuyên gia thuộc Chính phủ cũng phải thốt lên: “Việt Nam làm ra 100 đồng thì phải dành đến 98 đồng để trả nợ!”.
Trong lúc đó ở Việt Nam, hạn ngạch đạo đức giới quan chức tham nhũng ODA đã không còn biết giới hạn chấm mút là gì.
Tham nhũng, thất thoát ODA trong suốt nhiều năm qua cho thấy ở Việt Nam đã hình thành những nhóm lợi ích ODA đặc sệt óc tham lam. Ðó là nhóm lợi ích dựa vào hoạt động độc quyền và đặc thù của chính sách, câu kết với những nhóm thân hữu, kể cả với các chính khách để móc ráp, có được những hợp đồng đặc quyền về ODA và phân bổ cho các địa phương, nhận hoa hồng.
Do vậy nguy cơ tham nhũng trong việc sử dụng nguồn vốn này ngày một tăng, mức độ tham nhũng ngày càng nghiêm trọng. Nếu nhìn từ “hệ quy chiếu” dự án sân bay Long Thành, đến năm 2020 theo quy hoạch cảng hàng không, Việt Nam sẽ có 26 cảng được đưa vào khai thác so với 21 cảng hiện nay. Có nghĩa sẽ có 5 dự án cảng hàng không nữa cũng “khủng khiếp” như sân bay Long Thành, và sẽ lại xuất hiện nhiều tiêu cực.
Lúc đó trách nhiệm sẽ thuộc về ai, hay tất cả sẽ bị chính phủ “của dân, do dân và vì dân”nhẹ nhõm phủi tay?
Lê Dung / SBTN