Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dự luật biểu tình cần được trình ở Quốc hội đúng như hạn định


Thảo Vy
(VNTB) – Biểu tình vẫn tồn tại, bất chấp nhà nước có thừa nhận hay không
Biểu tình là một hiện tượng trong xã hội có nhà nước. Hành động biểu tình vẫn cứ tồn tại mặc cho nhà nước có thừa nhận hay không. Biểu tình góp phần bày tỏ tiếng nói của mọi cộng đồng người.
Khi mà xã hội vẫn còn sự bất bình đẳng thì biểu tình là một đòi hỏi khách quan. Vì vậy nhà nước không thể mãi ngăn cản. Hành động biểu tình tồn tại một cách dai dẳng trong đời sống kinh tế xã hội, đến một thời điểm nhất định, nó trở nên phổ biến.
Biểu tình và quyền biểu tình là hai mặt của một vấn đề. Chúng có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời, song lại không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Quyền biểu tình là hình thức bề ngoài, được thể hiện bằng những quy phạm pháp luật đã được nhà nước thừa nhận, hoặc xây dựng lên. Và biểu tình chính là nội dung của quyền biểu tình thông qua những hoạt động biểu tình trong thực tiễn.
Nếu không có biểu tình thì sẽ không bao giờ có quyền biểu tình vì mọi cái mà chúng ta ghi nhận được đều xuất phát từ cuộc sống. Chẳng hạn như các cuộc biểu tình nhằm phản đối việc đối xử không công bằng với người da đen vào những năm 1955 – 1968 ở Mỹ đã buộc nhà cầm quyền phải ban hành các đạo luật như The Civil Rights Act of 1964 (Đạo Luật Dân Quyền 1964).
Chính nhờ những cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra trong một thời gian dài tại Việt Nam đã buộc nhà nước và cả Đảng Cộng sản Việt Nam phải thừa nhận quyền biểu tình cần sớm được xác lập bằng những quy phạm pháp luật cụ thể. Chỉ khi có sự ghi nhận quyền biểu tình bằng những quy định cụ thể, thì hoạt động biểu tình mới có thể diễn ra dễ dàng và dân chủ hơn.
Thời gian dài vừa qua, biểu tình đã xảy ra ở nhiều nơi, và mỗi nơi thì người dân biểu tình theo những cách mà người dân cho là đúng. Ví dụ như treo cờ tổ quốc, viết nội dung mình muốn yêu cầu lên giấy, lên áo…, thậm chí đem cả đồ dùng cá nhân như chiếu, mùng màn, quần áo, đồ ăn, nước uống… đi biểu tình và ngủ luôn ở vỉa hè. Khi có đám đông biểu tình diễn ra như vậy làm cho nhiều người muốn tìm hiểu xem việc gì xảy ra. Hậu quả là khi có biểu tình thường kèm theo ách tắc giao thông, hoặc xáo trộn trật tự công cộng.
Trước thực trạng đó, cơ quan nhà nước rất lúng túng trong việc giải quyết khi có một cuộc biểu tình xảy ra. Nếu lực lượng cảnh sát vào cuộc để ngăn ngừa những cuộc biểu tình thì dễ bị cho là làm mất dân chủ, áp bức nhân dân… Còn nếu không có động thái để giữ gìn trật tự công cộng thì có thể tính mạng, sức khỏe của nhiều người khác bị ảnh hưởng.
Một khi Việt Nam chưa có luật biểu tình, đồng nghĩa việc chưa có sự phân biệt giữa quyền biểu tình với quyền tự do ngôn luận và quyền tự do hội họp. Trong lúc đó thì Đảng và nhà nước lại luôn cho rằng “thế lực thù địch” đã lợi dụng biểu tình để kích động, làm tình hình đất nước bất ổn. Khi an ninh chính trị không ổn định thì rất khó để phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của nhân dân. Hơn nữa, luật biểu tình chưa ra đời nên nhà nước không có đủ cơ sở để đảm bảo quyền biểu tình của ngưởi dân; cũng như giải quyết những trường hợp lợi dụng biểu tình làm trái pháp luật, hoặc gây bạo động, bạo loạn…, và người dân cũng không có cơ sở pháp lý để biểu tình hợp pháp.

Như vậy việc xây dựng luật biểu tình, luật lập hội ngay từ năm 2015 này là hợp lòng dân.

Tin bài liên quan:

Khởi tố, bắt giam Nguyên Phó TGĐ Ocean Bank Nguyễn Văn Hoàn

Phan Thanh Hung

Blogger Hồng Lê Thọ ‘được tại ngoại’

Phan Thanh Hung

Minh Bạch Quốc Tế: Tham nhũng đang đặt chính phủ Việt Nam vào rủi ro

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo