Minh Trí – Ngọc Thịnh
(VNTB) – Chúng tôi xin mạn phép đặt ra câu hỏi: “Nếu đưa chữ Hán vào dạy ở cấp tiểu học tại Việt Nam, thì sẽ nhằm đến “tích hợp” như phương thức “tích hợp tiếng Anh” mà Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sắp triển khai; hay xem đây là như môn học tự chọn dành cho các trường có đông học sinh người Hoa – như đề án được đưa ra hồi đầu năm 2012 của Vụ Giáo dục dân tộc – Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Sau khi đọc bài “Trao đổi về bài Hán Nôm trong trường tiểu học” (1) của Giang Nam, lời đầu tiên, chúng tôi cảm ơn những góp ý, cũng như ý kiến cá nhân của tác giả. Tuy nhiên, theo cách cảm nhận của chúng tôi, dường như, tác giả lầm lẫn một số vấn đề.
Học chữ Hán hay học tiếng Hoa?
Đầu tiên, chúng tôi xin mạn phép đặt ra câu hỏi: “Nếu đưa chữ Hán vào dạy ở cấp tiểu học tại Việt Nam, thì sẽ nhằm đến “tích hợp” như phương thức “tích hợp tiếng Anh” mà Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sắp triển khai; hay xem đây là như môn học tự chọn dành cho các trường có đông học sinh người Hoa – như đề án được đưa ra hồi đầu năm 2012 của Vụ Giáo dục dân tộc – Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Nhắc đến chữ Hán phồn thể (繁體) là nhớ tới Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc), người dân ở Trung Quốc đại lục sử dụng chữ Hán giản thể (简体).
Chữ giản thể: Dễ học, dễ nhớ khi mới bắt đầu học. Thuận tiện trong in ấn (nhất là in ở kích cỡ nhỏ, chữ phồn thể phải lấy kính lúp ra mới đọc được/in không khéo thì nó thành một cục mực), khi đọc trên màn hình PC, laptop, sách báo thì đỡ bị hoa mắt, mỏi mắt. Khi viết tay thì tốc độ viết chữ giản thể sẽ nhanh hơn nhiều khi so với viết chữ phồn thể. Nhược điểm là: xấu, giảm/ thậm chí mất ý nghĩa tượng hình. Không thể viết thư pháp bằng chữ giản thể được, rất phản cảm. Và với chữ giản thể ta không thể chiết tự 折字 (bình chữ) được.
Chữ phồn thể: Rất đẹp, tinh hoa của văn minh Trung Hoa, đối tượng thể hiện của nghệ thuật thư pháp. Học chữ phồn thể ngoài việc học thuộc hình của chữ còn học được cả cái ý nghĩa thâm sâu và cái đạo mà người xưa truyền lại, tất cả nằm ở con chữ. Chữ phồn thể rất khó học, nhưng một khi đã học thuộc rồi thì nhớ rất sâu, rất lâu. Nhược điểm lớn nhất của chữ phồn thể chính là những ưu điểm của chữ giản thể.
Nhu cầu sử dụng tiếng Hán của người Việt hôm nay: phồn thể hay giản thể?
Hiện tại, có lẽ đa phần người Việt Nam chọn học thêm tiếng Hoa theo nghĩa là một ngoại ngữ để có thể tìm việc làm trong các doanh nghiệp Đài Loan. Tỷ lệ ít hơn là học chữ Hán để phục vụ nghiên cứu, khảo cứu. Chữ Hán dành cho nghiên cứu văn bản cổ đại được Trung Quốc gọi là “văn ngôn”.
Trong quyển “Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử”, tác giả Nguyễn Ngọc San đưa ra nhận định về từ cổ như sau: “Từ cổ theo quan niệm truyền thống không phải là những từ có lịch sử lâu đời nhất trong một ngôn ngữ, mà là những từ đã được lưu lại trong các văn bản viết cổ hay văn bản miệng cổ (ca dao, tục ngữ) mà hiện nay không còn được sử dụng nữa, và để hiểu được chúng, người ta phải dùng đến các loại từ điển từ nguyên và các từ điển điển cố…”.
Theo như định nghĩa trên, thì bên cạnh chữ Hán, nước ta còn tồn tại một loại cổ văn: đó là chữ Nôm – một sáng tạo độc đáo của dân tộc ta được chế tác trên chất liệu chữ Hán. Cứ liệu lịch sử cho thấy, những chữ Nôm đầu tiên chủ yếu được dùng để ghi tên người tên đất trong các bi kí, mộ chí, gia phả,… Sau đó, khi đã phát triển đến một mức độ tương đối hoàn thiện thì chữ Nôm được dùng để sáng tác văn học, ghi chép văn hóa dân gian, diễn âm các tác phẩm chữ Hán.
Trong bài “Hán Nôm trong trường tiểu học” (2), chúng tôi có viết: “Tựu trung lại, không thể phủ nhận văn hóa, những luân lý chữ Hán cũng như chữ Nôm có nhiều cái hay để học. Tuy nhiên, để áp dụng nó vào nhà trường, nhất là ở cấp 1, có lẽ nên… xem xét lại”. Như vậy, có thể nói là, ý kiến đưa Hán Nôm vào trong trường phổ thông, chúng tôi chưa khẳng định là phải đưa nó vào trong hệ thống giảng dạy của trường phổ thông.
Lẽ nào lại xem tiếng Hoa là “ngôn ngữ thứ hai”?
Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ học xuất bản năm 1988 có định nghĩa “ngoại ngữ” là tiếng nước ngoài. Ở Việt Nam, không có khái niệm ngôn ngữ thứ hai (second language) như ở những nước phương Tây: Pháp, Đức, Anh. Một số ngoại ngữ phổ biết ở Việt Nam hiện nay có: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha.
Về khái niệm chữ Hán, theo định nghĩa trên Wikipedia, “Chữ Hán, còn gọi là chữ Nho, chữ Trung Quốc, là một dạng chữ viết biểu ý của tiếng Trung Quốc. Chữ Hán có nguồn gốc bản địa, sau đó du nhập vào các nước lân cận trong vùng bao gồm Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Tại các quốc gia này, chữ Hán được vay mượn để tạo nên chữ viết cho ngôn ngữ của dân bản địa ở từng nước” (3).
Định nghĩa theo “Tự học Hán Văn” của thầy Nguyễn Khuê, “Hán văn có quan hệ mật thiết với ngôn ngữ, học thuật nước nhà và là phương tiện tiếp thu văn chương, tư tưởng Trung Quốc – một nước có vị trí địa dư, quá trình lịch sử và nền văn hóa ảnh hưởng lớn lao đối với Việt Nam”.
Như vậy, ghi nhận vai trò của tiếng Hán trong văn hóa Việt, tuy nhiên, nếu đưa tiếng Hán là ngoại ngữ bắt buộc phải học từ cấp tiểu học, thì xem ra tính ứng dụng của ngoại ngữ này đối với học sinh Việt Nam là khó thuyết phục. Vì, nếu học “tiếng Bắc kinh”, nghĩa là giản thể, thì không phục vụ gì cho yêu cầu khai thác văn bản cổ – vốn viết bằng phồn thể. Còn nếu chọn phồn thể, coi như lại không theo đúng yêu cầu của Bộ Giáo dục, vốn căn cứ từ yêu cầu của Nghị định số 82/NĐ-CP ngày 15-7-2010 của Chính phủ, “quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên”.
Vì sao không nên dạy chữ Hán cho học sinh tiểu học, trung học?
Trong tiếng Việt, có 50 – 80% tiếng gốc Hán, điều này có lẽ đúng. Tuy nhiên, nếu lấy đây là lý do để đưa tiếng Hán vào dạy trong trường phổ thông thì theo chúng tôi nên… nhìn lại.
Nếu các lỗi về sử dụng từ ngữ trong tiếng Việt là không biết tiếng Hán, thì tại sao có rất nhiều nhà văn, nhà báo, nhà khoa học Việt Nam chẳng biết một chữ Hán nào cả, mà tác phẩm của họ chẳng sai ngữ pháp tiếng Việt? Ở đây, tuy không biết một chữ Hán nào cả (giản thể, phồn thể, văn ngôn), nhưng họ đã có một quá trình tu dưỡng tìm hiểu âm, nghĩa, giá trị phong cách của từ ngữ Hán Việt.
Theo ý kiến của PGS.TS Lê Xuân Thại, cựu tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ, thì: “Người ta hoàn toàn có thể thụ đắc từ ngữ Hán Việt bằng cách liên hệ với tư duy, liên hệ với thực tế, với giao tiếp. Điều này không những đúng với việc thụ đắc từ ngữ Hán Việt, mà còn đúng với việc thụ đắc các từ ngữ ngoại lai khác trong tiếng Việt. Trong tiếng Việt có nhiều từ gốc Pháp nhưng để hiểu những từ đó người Việt không nhất thiết phải học chữ Pháp, tiếng Pháp. Điều này cũng đúng đối với việc thụ đắc các từ ngữ ngoại lai của người bản địa dân tộc khác”. (4)
Chúng tôi đồng ý rằng, hiện nay kho tàng Hán ngữ còn nhiều cái chưa khai thác, là vốn quý của văn hóa Việt. Tuy nhiên, nếu lấy đó làm lý do để đưa chữ Hán vào trường phổ thông lại thêm một điều khiên cưỡng. Bởi không phải là ai cũng thích học Hán văn, yêu Hán văn. Một ví dụ minh họa đúng thực tế, những sinh viên đại học, đăng ký vào khoa mình yêu thích, có những người rất đam mê Hán văn, nhưng rồi vì nó quá khó nên cũng đành bỏ cuộc. Với những môn như Chữ Nôm, Hán Văn cơ bản, Hán văn nâng cao… ở trường đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP.HCM, sinh viên “nợ tín chỉ” luôn chiếm tỷ lệ áp đảo so các học phần khác.
Xin được mượn lời Thầy Lê Xuân Thại, thay cho lời kết: “Chúng tôi cho rằng không nên, không cần thiết phải dạy chữ Hán cho học sinh phổ thông với tư cách là một môn học bắt buộc, có tính chất đại trà. Tất nhiên, những em học sinh phổ thông nào thích học mà nhà trường có điều kiện thì cũng có thể theo học ở những giờ ngoại khóa.
Thực ra thì đây không phải là ý kiến của riêng chúng tôi. Đã có một số người viết bài tỏ rõ ý kiến không đồng tình với chủ trương dạy chữ Hán cho học sinh phổ thông như bài “Vấn đề dạy chữ Hán cho học sinh trung học phổ thông Việt Nam” của Trương Đức Quả, “Vấn đề đưa chữ Hán vào nhà trường phổ thông” của Nguyễn Thìn Xuân. Và cuộc thăm dò ý kiến của chúng tôi cũng cho thấy khá nhiều người tán thành với ý kiến của chúng tôi. Bài viết này của chúng tôi muốn góp thêm một tiếng nói để trong tương lai những người làm chương trình và SGK mới tham khảo”.