AFR Dân Nguyễn
(VNTB) – Ngay từ bây giờ, những ai chưa được biết về cuộc chiến đẫm máu này, thì họ cần được biết. Đó là hành động “trả lại sự thật cho lịch sử”.
Theo Gíao Dục Việt Nam, sáng 17 tháng 2, chủ tịch nước đến dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang Trà Lĩnh, nơi yên nghỉ của hơn 300 liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc…
Báo GDVN cũng cho biết, trước đó chủ tịch nước cùng đoàn cán bộ trung ương đã thăm và gặp gỡ cán bộ lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, thắp hương tại nghĩa trang TP, thăm cán bộ chiến sỹ đơn vị bộ đội đồn trú tại biên giới… Chủ tịch nước cũng “ân cần thăm hỏi”, tặng quà một số gia đình liệt sỹ, căn dặn bộ đội về những vấn đề gọi là “…Thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho nhân dân tự giác chấp hành chủ trương đường lối của đảng, pháp luật của nhà nước về biên giới quốc gia, đối ngoại quốc phòng…”
Một cuộc chiến tranh, hay chỉ là cuộc xung đột?
Vậy là, sau đúng 37 năm (17/2/1979-17/2/2016), cuộc chiến đẫm máu trên toàn tuyến biên giới phía Bắc VN do cộng sản Trung Quốc gây ra bị chìm vào quên lãng cách cố tình, giờ được đảng cho phép “xới” lên.
Sau 37 năm, những ngôi mộ liệt sỹ lạnh lẽo cô quạnh trong sương giá biên thùy, hôm nay có mùi hương khói, hôm nay được chính tay chủ tịch nước và đoàn cán bộ cấp cao của đảng, nhà nước cắm những cây nhang, theo “…chủ trương đường lối của đảng, pháp luật của nhà nước về biên giới quốc gia, đối ngoại quốc phòng…”???
Cuộc chiến tranh biên giới 1979 trên lãnh thổ VN do bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh gây ra, gọi là cuộc chiến tranh lớn, quy mô cũng được, vì Bắc Kinh đã huy động nhiều sư đoàn, nhiều quân binh chủng tham chiến. Gọi là hành động cắn trộm cũng được, vì đây là cuộc chiến bất ngờ, không tuyên bố. Gọi là cuộc chiến tranh hủy diệt chống lại loài người cũng được, vì đối tượng của cuộc chiến không giới hạn là bộ đội hay dân thường… Thực tế là hàng vạn phụ nữ, người già và con trẻ trong các tp, làng bản dọc biên giới VN bị giết hại tàn bạo, hàng ngàn làng xã, phố phường bị đốt phá, san phẳng.
Những mồ chôn tập thể. Những xác người dưới đáy giếng khơi. Những xác người cháy thui trong hang đá bởi súng phun lửa… Người ta tìm thấy những xác người dân lành chết mọi nơi. Chết trong nhà khi chưa kịp chạy trốn. Chết trong rừng khi đang chạy trốn, hay chết trong hang khi đã đến nơi trú ẩn. Chết trong mọi hình thức thê thảm, thương tâm…Những cách giết người man rợ nhất, hơn cả thời trung cổ mà bọn cộng sản Trung Quốc dạy cho cộng sản Khơ me đỏ Polpot để tiến hành dọc tuyến biên giới phía Tây Nam VN, giờ được chính bọn bành trướng Bắc Kinh đem áp dụng trên toàn tuyến biên giới phía Bắc VN. Đó là tội ác Trời không dung, đất không tha. Đó là tội ác sẽ còn bị nguyền rủa ngàn đời…
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn.
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”
…
“Dối Trời, lừa dân đủ muôn ngàn kế”
…
“Bại nhân nghĩa, nát cả đất Trời”
…
“Độc ác thay trúc Nam Sơn không ghi hết tội.
Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa sạch mùi”
…
Đó là hình ảnh quân xâm lược Phương Bắc đời nhà Minh mà Nguyễn Trãi đã ghi lại.
Đó cũng là hình ảnh bạo tàn của giặc Phương Bắc thời của Mao Trạch Đông, thời của bọn bành trướng bá quyền cộng sản Bắc Kinh.
“Đục bỏ lòng yêu nước”
Đó là tiêu đề của một bài viết trên một trang mạng nổi tiếng từng bị đảng và nhà nước khép cho tội “Lợi dụng tự do ngôn luận để chống phá nhà nước”, và “nhà nước” đã xóa trang mạng này. Bài viết chưng ra một bức ảnh chụp một bia ghi dấu tội ác quân Trung Quốc đã bị người ta cho phép (hay thừa lệnh) đục đi những chữ chỉ đích danh kẻ xâm lược, cũng là những kẻ gây nên tội ác tày trời…(Thật mỉa mai, cũng thật nực cười, vì chính tấm bia bị đục nham nhở đó vẫn đứng trơ trơ, là bằng chứng tố cáo “chất” Việt gian của những kẻ đục trộm những dòng chữ đó. Nó cũng cho thấy sự ngu dốt tột bực của chúng, vì chúng đã không giúp xóa sạch dấu vết tội ác của các đồng chí bành trướng Bắc Kinh. Thay vì tấm bia “nguyên bản” chỉ tố cáo được tội ác của kẻ xâm lược, giờ đây tấm bia có “tác dụng phụ”- tố cáo được cả bọn Việt Gian bán nước!).
“Đục bỏ lòng yêu nước” không chỉ được thấy qua tấm bia đã được đặt tên trên. “Đục bỏ lòng yêu nước” còn được thấy trong nhiều nơi nhiều chỗ, trong mọi không gian, trên cả dòng thời gian. Người ta (Bọn Việt gian bán nước) cố tình xóa những bia, những dấu tích ghi dấu tội ác quân xâm lược. Tượng Hoàng Thị Hồng Chiêm được “chỉ thị” (ngầm) phải đục bỏ. “Đục bỏ lòng yêu nước” còn là cấm nói tới cuộc chiến đó. Cấm tổ chức tưởng niệm. Đàn áp bằng mọi hình thức những người tổ chức và người đến dự Lễ tưởng niệm những người Việt đã chết về tay Trung cộng. “Đục bỏ lòng yêu nước” còn là cấm cuộc chiến đó đi vào sách giáo khoa; là cấm được ghi vào sách sử… hòng bôi đen, xóa trắng lịch sử. “Đục bỏ lòng yêu nước” là hành động đàn áp thô bạo những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược; là những tuyên bố, phát ngôn về “tình hữu nghị viển vông”, về đề cao chót vót “16 chữ vàng”; là sự làm ngơ trước những hành động bắn giết ngư dân của “tàu lạ”…
“Đục bỏ lòng yêu nước” bằng ngay cả cách nói tới cuộc chiến đó sao cho nhẹ nhàng nhất, khi phải đề cập, không thể né tránh, như cách nói “…cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc”, thay vì phải nói : cuộc chiến tranh vệ quốc chống bọn bành trướng Bắc Kinh xâm lược…
Phải chăng là sự sám hối?
Việc chủ tịch nước cùng đoàn cán bộ cấp cao đảng, nhà nước có động thái đi thăm và thắp hương các nghĩa trang trên các tỉnh biên giới phía Bắc là hành vi khiến dư luận hết sức bất ngờ. (Tuy nhiên là sự bất ngờ thú vị).
Không bất ngờ sao được khi mấy chục năm qua, đảng, nhà nước cố tình, cố sức vùi lấp, che giấu mọi vết tích về cuộc chiến đó. Đe dọa, đánh đập, bỏ tù, tất cả những ai có liên đới tới bất kỳ hành động nào được coi là chống TQ. (Ngay cả khi đang viết những dòng này, người viết cũng đang nhận được Email của một số bạn bè đang than phiền vì an ninh chìm nổi cả chục người bao vây nhà riêng không cho họ đến Lễ tưởng niệm ngày 17/2 năm nay…).
Nhưng chính những hành vi trong quá khứ của đảng, chính quyền khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu đây là sự sám hối của họ, hay chỉ là một trong muôn vàn trò diễn của họ? Màn diễn này hẳn thu hút được sự chú tâm của dư luận hơn nhiều so với cái màn diễn xuống đồng tịch điền cùng bà con nông dân của hai ông quan đứng đầu thủ đô.
“…Để ghi nhớ công lao và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến các anh hùng liệt sỹ, chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các thành viên trong đoàn đã thắp hương từng ngôi mộ…”- (Bài báo viết).
Tưởng rằng, “để ghi nhớ công lao…” người đã chết, thì họ- chủ tịch nước và các thành viên trong đoàn phải chăm lo người sống- thân nhân của những liệt sỹ bằng những hành động thiết thực, chứ đâu chỉ cần “Thắp hương từng ngôi mộ!?”. Và, “…thắp hương từng ngôi mộ” là chủ tịch nước đã “tỏ lòng biết ơn vô hạn đến các anh hùng liệt sỹ” rồi sao? “Biết ơn” dễ thế thì vô ơn cũng chẳng khó gì…”Biết ơn chân chính” là phải để người dân được tự do ghi nhớ công ơn các liệt sỹ mà không bị đàn áp, không bị cấm cản!…. Những hành động diễn tuồng trước vong linh người đã khuất, nhất là những người đã hy sinh vì dân tộc là đắc tội, không chỉ với người đã khuất, mà còn có tội với non sông…
“…Đến nay còn rất nhiều liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương tổ quốc chưa tìm được danh tính…”-bài báo cho biết. Cũng theo bài báo, Bộ quốc phòng cùng với các tỉnh phí Bắc “đang xây dựng đề án tiếp tục tìm kiếm và quy tập hài cốt các liệt sỹ…”.
Đó là việc nên làm; Nhưng thà dẹp đi còn hơn nếu để tái diễn tình trạng lấy xương trâu thay xương liệt sỹ, lấy xương khỉ bảo là xương bộ đội; Hay đắp mộ giả rồi cho thế là “nhân đạo” vì “yên lòng” các bà mẹ liệt sỹ. Và cũng nên chăng để những “Cậu Thủy”, những “Nhà ngoại cảm” Phan Bích hằng câu kết với Ngân hàng chính sách để “vẽ” lên “đề án”, hành thân nhân liệt sỹ…vì tiền!
Trong sáng giữa lòng Dân Tộc
Việc hai ông quan đầu triều của thủ đô xuống ruộng, “Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non” cùng bà con nông dân, hay việc ông bí thơ thủ đô lì xì cho khách trên xe bus, có thể là trò ngẫu hứng; Nhưng việc chủ tịch nước cùng hẳn một đoàn công tác của trung ương lên hương khói nơi các nghĩa trang liệt sỹ ở các tỉnh phía Bắc, rồi phát biểu, rồi quán triệt…hẳn phải do chỉ thị, nghị quyết chứ không thể ngẫu hứng. Vì báo chí của đảng được bật đèn xanh đăng thả phanh tin về Lễ tưởng niệm… Đó cũng là tín hiệu đáng mừng. Dù biết đó là xu thế không thể cưỡng lại, chỉ là sớm muộn, nhưng cũng thấy nó giống như chồi biếc lộc xuân… Có thể “sự ra đi” của “cụ rùa” đã thức tỉnh được lãnh đạo đảng, nhà nước chăng? Nếu thế “cụ” cũng đáng được xây lăng, và quả danh bất hư truyền!…
Không chỉ là mấy cây hương trong dịp đầu xuân cắm nơi mộ phần mà khiến những người lính rất trẻ nằm dưới đó an vui. Họ đã làm xong phận sự của một công dân trước Tổ Quốc. Cái mà họ đòi hỏi là những gì người sống làm cho người sống. Và làm thật. Làm nhiệt tâm. Những thân nhân của họ phải được chăm sóc, phụng dưỡng thường xuyên, chứ không chỉ một gói quà cho mỗi dịp tết để cho người ta chụp ảnh, quay phim. Cái họ mong mỏi còn là sự công bằng, thịnh vượng cho cả Dân Tộc này, cho núi rừng không chỉ nở hoa mạch nha, mà còn chín vàng nương lúa nương ngô. Cho các em nhỏ không phải đi chân đất tới trường, không cởi truồng lăn lóc như củ khoai củ sắn…
Và nữa, ngay từ bây giờ, những ai chưa được biết về cuộc chiến đẫm máu này, thì họ cần được biết, và đảng, nhà nước có nên quy trách nhiệm cho “bọn phản động” đã bưng bít bấy lâu nay chăng? Hay dám “kiểm điếm sâu sắc”?
Đó là hành động “trả lại sự thật cho lịch sử”.
Mà còn là trong sáng giữa lòng Dân Tộc.