Nguyễn Huyền
(VNTB) – Thiết nghĩ ông Võ Văn Thưởng nên đưa ra những quyết sách cụ thể thay cho việc cóp nhặt tư tưởng Đông – Tây từ tâm thế “ngộ nhận quyền lực”
Cùng là đảng viên với nhau, nói thiệt, xin ông đừng hô hào suông nữa, chẳng người dân nào còn tin nữa đâu…
Ngày 20-2, tại TP HCM, Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức hội thảo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
“Dân là gốc, là trọng tâm, là trung tâm mọi quyết sách. Lòng dân, sự hài lòng của dân là thước đo quan trọng nhất về chất lượng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước” – ông Võ Văn Thưởng nói, và cho rằng giai đoạn mới cần phải nhấn mạnh vấn đề này.
Dẫn chứng câu chuyện đất đai, ông Võ Văn Thưởng cho biết có 70% đơn thư khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến vấn đề này, các vụ kiểm tra dấu hiệu vi phạm, xem xét xử lý kỷ luật cán bộ cũng liên quan đất đai.
Do đó, trong lần sửa đổi, bổ sung này, ít nhất về mặt chính trị, việc sửa đổi chính sách pháp luật về đất đai phải giảm được những yếu tố đó. Phải làm sao mọi chủ trương, đường lối quyết sách của Đảng, Nhà nước phải xuất phát từ lòng dân.
Đáng chú ý là trong sáng 20-2, ông Thưởng đã có phát biểu nịnh nọt đảng, rằng, “nói như nghị quyết là đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ nhưng nói một cách bình dân, gần gũi như Bác Hồ thì cán bộ phải gương mẫu, phải đi trước để làng nước theo sau. Phải biết lo trước cái lo của người dân, vui sau cái vui của người dân…”.
Theo lý lịch thì ông Võ Văn Thưởng có học vị Thạc sĩ Triết học, Cao cấp lý luận chính trị. Năm 1992, ông tốt nghiệp Cử nhân Triết học Marx-Lenin, trường Đại học Tổng hợp TP.HCM. Ông nhận bằng Thạc sĩ Triết học năm 1999 do trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP.HCM cấp; đề tài luận văn của ông Thưởng là bàn về đạo đức trong sinh viên, học sinh thành phố Hồ Chí Minh.
Người viết bài này cũng từng là sinh viên trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, và một đồng môn có bút danh HTS là giảng viên khoa Triết của trường, giảng dạy ngay khóa mà sinh viên Võ Văn Thưởng theo học. Cả hai chúng tôi rất ngạc nhiên khi đọc báo thấy tường thuật lời huấn dụ nhân danh Thường trực Ban bí thư, rằng, “nói một cách bình dân, gần gũi như Bác Hồ thì cán bộ phải gương mẫu, phải đi trước để làng nước theo sau. Phải biết lo trước cái lo của người dân, vui sau cái vui của người dân…”.
Ở câu mà ông Võ Văn Thưởng viện dẫn như trên khi nói về công tác cán bộ, có nguồn gốc mà sinh viên khối khoa học xã hội nào lúc trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP.HCM còn mang tên Đại học Tổng hợp TP.HCM cũng được các giảng viên ‘nhai tới nhai lui’ cho ‘đạo làm quan’: “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ).
Tác giả của câu đạo đức chính trị mà Võ Văn Thưởng nói là của ông Hồ Chí Minh, thật ra là của Phạm Trọng Yêm (989 – 1052), tự Hy Văn, thụy Văn Chánh, là một nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục thời Bắc Tống. Ông là người huyện Ngô, phủ Tô Châu, nay thuộc Tô Châu, Giang Tô, Trung Quốc.
Về văn chương, tác phẩm đáng chú ý nhất của Phạm Trọng Yêm có lẽ là Nhạc Dương lâu ký (ghi chép ở lầu Nhạc Dương), nó nổi tiếng vì đạo đức chính trị mà ông thể hiện ở phần cuối trong câu “先天下之忧而忧,后天下之乐而乐 – tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”.
Trên cương vị Thường trực Ban bí thư, thiết nghĩ ông Võ Văn Thưởng nên đưa ra những quyết sách cụ thể thay cho việc cóp nhặt tư tưởng Đông – Tây từ tâm thế “ngộ nhận quyền lực”, bởi cứ mãi hô hào khẩu hiệu chính trị, nó sẽ góp phần đưa đảng “lạnh nhạt với dân” mà thôi.
1 comment
Đừng chung chung nữa ông Nguyễn Hiền ơi . Tạo sao bây giờ Đảng viên nói cái gì ra cũng như ngậm hột thị trong miệng đấy nhỉ