Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đề thi Văn “Đất Nước” và thấu cảm xã hội

Mẫn Nhi (VNTB) Đề Văn cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 của Bộ Giáo Dục dành 2/3 cho “sự thấu cảm” và Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm).

Đất nước và sự thấu cảm


Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm bình dị, đẹp đẽ, gần gũi và trách nhiệm. Hẳn đó là Đất nước “nơi anh đến trường và là nơi em tắm”, hẳn là đất nước mà “Yêu nhau và sinh con đẻ cái” để rồi “Gánh vác phần người đi trước để lại”.
Khi tôi đọc đề văn có trích dẫn phần thơ này, tôi nghĩ về sự thấu cảm xã hội, nơi mà lòng trắc ẩn của con người đối với con người hay lòng trắc ẩn của con người đối vứi hiện tình quốc gia đã góp phần làm nên hình hài đất nước.
Hơn ai hết, sự thấu cảm sẽ dành cho những người như thế, và ở đó họ được gọi tên là những người có chính kiến trong xã hội; những nhà bất đồng chính kiến hay một mỹ từ cao đẹp: những nhà đấu tranh nhân quyền.
Họ thấu cảm trước hết là sự thấu cảm mang tính chất cộng đồng, để rồi lên tiếng vì trách nhiệm. Một đất nước sẽ chẳng về đâu nếu như Hồ Duy Hải bị đưa đến pháp trường mà không một ai lên tiếng; một đất nước sẽ chẳng ra gì nếu như Điều luật bắt luật sư tố cáo thân chủ được thông qua như cả nước nín nhịn;… và sẽ còn lại gì nếu ai cũng “đồng thuận” như cách Chính quyền “đồng thuận” với thảm họa môi trường Formosa.
Đó là sự thấu cảm lớn nhất của một xã hội mà người với người tìm đạp lên nhau mà sống. Sự thấu cảm đó giữ lấy một phần hình hài quốc gia, và tính người trong đất nước, bao hàm cả trách nhiệm của Công dân đối với đất mẹ.
Nhưng sự “thấu cảm” đó lại là cái gai trong mắt nhiều người, nhiều thành phần, mà cao nhất là hệ thống thể chế nhà nước. Sẽ thật là buồn cười khi sự “thấu cảm” với nỗi đau đồng loại được đánh đổi bằng sự xúc phạm nhân phẩm, danh dự và tấn công vật lý.

Nhà nước và cái gai mang tên: thấu cảm xã hội


Nhà khoa học chính trị Ben Kerkvleit, người dựa vào hình học của ‘những người ủng hộ dân chủ hóa’ tại Việt Nam cho biết, hiện nay nó bao gồm: “những người lập các tổ chức công khai và trực tiếp thách thức chế độ; những người khác thúc giục làm lại hệ thống hiện tại bằng cách tích cực tham gia vào nó; và một số ủng hộ việc mở rộng xã hội dân sự để dân chủ hóa đất nước.” Nhóm thứ hai và thứ ba là hai nhóm bị tấn công thường xuyên nhất dưới màn chiêu đãi mang đậm tính bạo lực.
Một báo cáo của tổ chức HRW ngày 19/06 vừa qua với tiêu đề “Không đất nước cho nhà hoạt động nhân quyền”. Trong đó cho biết, tại Việt Nam, chính quyền sử dụng công an và dụng cụ phụ trợ là “côn đồ” để tấn công những nhà hoạt động dân quyền; từ bị kéo ra khỏi xe buýt, trấn lột trên đường đến các cuộc biểu tình hoặc cuộc họp với các phóng viên, bị bao vây trong nhà riêng của họ được áp dụng “thường xuyên”. Và bị đánh đập là nấc thang cuối cùng trước khi bị bắt, giam giữ và bỏ tù.
Bằng cách này, chính quyền nghiễm nhiên “trấn áp thấu cảm xã hội”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trong danh sách toàn bộ 95 tác phẩm đạt giải Báo chí quốc gia năm 2016, có dày đặc tác phẩm phòng chống “nguy cơ” cho chế độ, tất nhiên là ám chỉ những người có chính kiến hay bất đồng chính kiến của xã hội.
Lấy ví dụ, tác phẩm : Tự do internet và chiêu trò “lộng giả thành chân” của thiếu tá Phan Đăng Trường (báo CAND) nêu một loạt những nhà đấu tranh nhân quyền và các tổ chức xã hội dân sự độc lập (trong đó có Hội nhà báo độc lập Việt Nam) ra và kết án những yếu tố này đã biến internet thành trận địa chống phá đất nước. Trong đó, sử dụng “trang web, diễn đàn trực tuyến, nhất là mạng xã hội để công khai tổ chức, tuyên truyền, lừa bịp, lôi kéo người dân tham gia”.

Thấu cảm là ngôn từ sử dụng hay để đề cập đến việc, nhận thức phải đi từ cá nhân đến cộng đồng, từ cộng đồng rồi mới đi đến quốc gia.

Không dừng tại đó, vị “nhà báo” này ngay khi đạt giải B cũng đã áp đặt luận điệu dành cho những nhà hoạt động nhân quyền là “nhà “dân chủ mạng”, biến thành con rối của kẻ địch, sử dụng mạng internet thành công cụ xâm hại cá nhân, tổ chức, xâm hại quốc gia, dân tộc mà mình là chủ thể có nghĩa vụ bảo vệ, gìn giữ”.
Rõ ràng, cái chức vụ “Thiếu tá” và phục vụ trong đội ngũ nhà “làm báo” của CAND đã hình thành một phát ngôn và góc nhìn như vậy. Khi mà những gì “Thiếu tá” liệt kê trong nội dung bài kéo dài 3 tuần chỉ thuần túy là phản ánh những bức xúc xã hội; nói lên quan điểm cá nhân và mong muốn thay đổi xã hội theo hướng tự do hơn (báo chí, xuất bản) và tình người hơn (hạn chế, chấm dứt bức cung, nhục hình).
Dường như qua đó, cũng nhận ra, sự “thấu cảm” xã hội là không cần thiết cho một quốc gia tôn sung quyền lực và độc tài. Chính quyền mong muốn tạo ra một sự “ngu dân” và “vô cảm”, để các hiện trạng quốc gia tiếp tục bị xé nát trong tay quyền lực. 

Thấu cảm vì trách nhiệm đất nước


EVN – con cưng nhà nước, được bảo vệ quyền lực, là quán quân trong vay nợ Chính phủ bảo lãnh với số nợ lên tới 9,7 tỷ USD, chiếm 37% tổng nợ vay được Chính phủ bảo lãnh. Ai sẽ chấm dứt nghịch cảnh này nếu không phải là những nhà “thấu cảm xã hội”, bởi hơn ai hết, họ hiểu cái giá của độc quyền ảnh hưởng mạnh đến nhóm người yếu thế xã hội như thế nào; trong khi đó đồng tiền thuế bỏ ra cho tập đoàn này lại được vỗ béo đội ngũ cán bộ, lãnh đạo chỉ chăm vun vén gia đình.
Thấu cảm xã hội đưa đến sự “Gánh vác phần người đi trước để lại”, đó là làm cho đất nước này, dân tộc này vững mạnh, trường tồn. Và đó cũng là lý do vì sao, hết lớp người hoạt động nhân quyền này đổ máu thì có lớp khác kế cận, và con số này ngày càng nhiều lên!!!
Và những lời phản đối, phản biện, lên án bất chấp “bạo lực” vẫn đang ngày một tiếp diễn! Để một ngày chấm dứt cái tủi nhục và xơ xác như ông Trần Phú Khải từng “than” qua câu thơ:
“Đất nước nghèo như cọng cỏ, cọng rơm

Đi ô-sin khắp năm châu bốn biển

Nhưng… ra đường là gặp tướng

Ra đường là gặp dân oan!”
Tham khảo:
http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/danh-sach-toan-bo-95-tac-pham-dat-giai-bao-chi-quoc-gia-nam-2016-675633.bld
http://cand.com.vn/Van-de-hom-nay-thoi-su/Danh-trao-ban-chat-nguy-bien-tu-do-phan-II-419146/

Tin bài liên quan:

VNTB – Quyết định khởi tố vụ án ở Đồng Tâm nói lên điều gì? (phần I)

Phan Thanh Hung

VNTB – Nghị sĩ châu Âu Zahradil ‘xung đột lợi ích’ trong thỏa thuận thương mại EU-Việt Nam

Phan Thanh Hung

Ba thanh niên không đội mũ bảo hiểm bị công an xã bắn

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo