VNTB – EVN liên tục báo lỗ

VNTB – EVN liên tục báo lỗ

Hàn Lam

 

(VNTB) – EVN lỗ gộp hơn 4.200 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022

 

EVN cho biết, do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện như than, dầu, khí tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao dẫn tới nhiều khó khăn về tài chính.

Tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ và báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022. Trên báo cáo tài chính hợp nhất, tổng doanh thu EVN là 221.231 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với doanh thu thì giá vốn cũng tăng mạnh khiến EVN lỗ gộp hơn 4.200 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các loại chi phí, EVN ghi nhận lỗ 12.767 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh và lỗ sau thuế 16.586 tỷ đồng. Tính đến ngày 30-06-2022, tổng tài sản của EVN là 673.157 tỷ đồng, giảm hơn 32.000 tỷ đồng so với đầu năm (giảm 4,57%). Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, điện sản xuất của EVN và các Tổng Công ty Phát điện đạt 60,54 tỷ đồng kWh, chiếm 45% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống, là 133,11 tỷ kWh.

Tính đến 8 tháng, điện sản xuất đạt 84,57 tỷ kWh, chiếm 46,49% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống là 181,92 tỷ kWh.

Trước đó, tin tức liên quan cho biết, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực – EVN Finance (Mã chứng khoán: EVF) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2022. Quý II/2022, tổng thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự của EVF đạt 495 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ; song lãi sau thuế giảm 37% xuống còn khoảng 19 tỷ đồng.

Đáng chú ý trong kỳ, EVF ghi nhận khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối lên đến 3,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 752 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận mức âm 38 tỷ đồng, trong khi quý II/2021 lãi 71 tỷ đồng.

Lũy kế bán niên 2022, EVF báo lợi nhuận trước thuế 234,5 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021; Lợi nhuận sau thuế đạt 164 tỷ đồng, tăng 10,8%. Trong kỳ,  EVF ghi nhận 25,4 tỷ đồng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại do các khoản chênh lệch tạm thời phải chịu thuế.

Về tổng thu nhập lãi và các khoản thu nhxập tương tự, EVF mang về hơn 1.203 tỷ đồng, tăng mạnh 48% so với cùng kỳ năm 2021.

Đối với các hoạt động khác, lỗ hoạt động dịch vụ 2,9 tỷ đồng; lỗ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư 35,1 tỷ đồng; trong khi lãi từ hoạt động khác 127,5 tỷ đồng. Tính đến 30-6-2022, tổng tài sản của EVF đạt hơn 36,070 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2021, trong đó, cho vay khách hàng tăng 20%, đạt 20,218 tỷ đồng.

Về nguồn vốn huy động, tiền gửi của khách hàng 6 tháng đầu năm là 4.584.1 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với thực hiện 2021, việc huy động nguồn được tập trung vào phát hành giấy tờ có giá, đạt 8.610 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2021.

Mới đây, EVF đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 2 năm 2022. Theo đó, EVF phát hành 100 trái phiếu, giá phát hành bằng mệnh giá là 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương ứng tổng giá trị 100 tỷ đồng. Trái phiếu không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo, kỳ hạn 02 năm, lãi suất 7%/năm.

Hồi đầu năm nay, Bộ Công Thương đã công bố chi phí giá thành sản xuất điện năm 2020 của EVN. Theo đó, giá thành sản xuất điện giảm 1,22% so với 2019, ở mức 1.826,22 đồng một kWh. Giá thành sản xuất, kinh doanh điện gồm giá từ các khâu phát điện, truyền tải, phân phối – bán lẻ và phụ trợ, quản lý ngành.

Sản lượng điện thương phẩm năm 2020 đạt 216,95 tỷ kWh, tăng 3,42% so với 2019. Nhờ đó, doanh thu từ bán điện thương phẩm của EVN ghi nhận hơn 394.892 tỷ đồng. Tức là, giá bán điện bình quân năm 2020 của tập đoàn này khoảng 1.820,20 đồng một kWh, giảm 1,68% so với 2019.

Việc giá bán điện thương phẩm bình quân 2020 giảm so với năm trước đó được Bộ Công thương lý giải, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã thay đổi cơ cấu tỷ trọng phụ tải của các nhóm khách hàng sử dụng điện, nhất là dịch vụ. Bên cạnh đó, EVN có hai đợt giảm giá điện, tiền điện hỗ trợ khách hàng vì ảnh hưởng Covid-19, tổng số tiền 12.300 tỷ đồng.

Vì thế, sản xuất điện năm 2020 EVN ghi nhận lỗ hơn 1.307 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm 2020 tập đoàn này có các khoản thu từ hoạt động tài chính, chuyển nhượng vốn, lãi từ chia cổ tức… khoảng 6.049 tỷ đồng, nên tính chung vẫn lãi hơn 4.742 tỷ đồng.

Bóc tách dữ liệu từng khâu trong giá thành sản xuất kinh doanh điện 2020, khâu phát điện có giá thành chiếm hơn 78%, ở mức 1.433,34 đồng một kWh, giảm gần 44 đồng so với năm 2019. Còn khâu truyền tải điện, có giá thành là 77,69 đồng một kWh. Khâu phân phối – bán lẻ là 308,54 đồng một kWh; và phụ trợ quản lý ngành 6,66 đồng một kWh.

Theo Bộ Công Thương, năm 2020 đã có hơn 5.030 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá từ các năm trước được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện. Trong đó, chênh lệch tỷ giá mua điện năm 2018 là 3.630 tỷ đồng và một phần chênh lệch tỷ giá năm 2019, khoảng 1.400 tỷ. Tuy nhiên, gần 7.583 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá từ hợp đồng mua điện năm 2019 – 2020 hiện chưa được hạch toán vào giá thành sản xuất điện 2020.

Rất có khả năng sắp tới đây sẽ tăng giá điện bán lẻ.

Trong báo cáo của Viện kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) có đoạn đáng chú ý như sau: Tăng trưởng doanh thu năm 2020 của EVN bị giới hạn do không thể tăng giá bán lẻ điện và hai chương trình hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng với tổng số tiền 12,3 nghìn tỷ đồng.

Kế hoạch tăng giá bán lẻ điện đã nhanh chóng bị Chính phủ yêu cầu gác lại ngay khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào đầu năm 2020 như một giải pháp chủ động hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, khiến EVN không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất và mua điện.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Công Tâm 2 years

    Lại sắp tăng tiền điện!