Mai Lan
(VNTB) – Suốt năm 2020 và những năm tới, vẫn cứ ép đất đai đồng bằng sông Cửu Long oằn mình ngậm thêm hàng tấn phân, thuốc độc hại, căng sức chạy cho đủ sản lượng, chỉ tiêu, thì đồng bằng sông Cửu Long không chết dần chết mòn mới lạ…
Vẫn chạy theo thành tích sản lượng
Bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), kể rằng vị giám đốc sở nông nghiệp một tỉnh lớn ở miền Tây Nam bộ nói với bà rằng, “trên” vẫn chỉ đạo, “áp” mệnh lệnh và chỉ tiêu đảm bảo an ninh lương thực với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 9-10%/năm, phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp phải đạt kim ngạch xuất khẩu 100 tỷ USD!
“Bao nhiêu cuộc hội thảo hoành tráng, hùng hồn khẳng định quan điểm làm nông nghiệp bền vững, phát triển “thuận thiên”, phải phá thế độc canh cây lúa, khuyến khích làm lúa giá trị cao, giảm 3 vụ lúa xuống để đất phục hồi… vẫn chỉ là những văn kiện rực dấu đỏ và nằm yên, ngủ đông trên giấy…”. Bà Vũ Kim Hạnh, nhận xét; và nói thêm rằng phải bao nhiêu diện tích mới là vừa cho an ninh lương thực, cho thỏa nỗi ám ảnh của không ít quan chức Việt Nam?. Nói gì đầu họ cũng “cứng khừ” nỗi lo mất an ninh lương thực, dù trong nồi cơm nhà họ, không bao giờ có loại gạo giá bèo (!?).
Ngày 12-11-2019, gạo ST 25 (ST là viết tắt của Sóc Trăng) của Việt Nam được trao giải gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi World’s Best Rice, do The Rice Trader tổ chức. Đây là lần đầu tiên một loại gạo của Việt Nam nhận giải thưởng cao nhất trong cuộc thi đã được tổ chức 10 lần trong 10 năm qua này, sau khi vượt qua các đối thủ đến từ Thái Lan, Campuchia vốn đã nhiều lần đạt danh hiệu vô địch. Cuộc thi được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tại Manila, Philippines từ ngày 10 đến 13-11-2019, được chấm bởi các đầu bếp quốc tế, qua việc kiểm tra cảm quan của gạo trước khi nấu cơm và độ ngon của cơm.
Ngon nhất, rồi sao nữa?
“Việt Nam có gạo ngon nhất thế giới, rồi sao? Rồi mọi chuyện vẫn y như cũ, vì Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chả quan tâm gì đến việc gạo ngon hay không ngon, mà họ quan tâm đến số tiền lời đầu tấn, trong khi VFA chiếm khoảng 80-90% lượng gạo xuất khẩu. Với lời đầu tấn như bán 1 tấn gạo ST 24 lời 50 đô la Mỹ, bán 1 tấn gạo IR 50404 cũng lời 50 đô la Mỹ, thì VFA xuất khẩu gạo rẻ IR 50404 sướng hơn, do cần ít vốn lưu động hơn. VFA quan tâm thương hiệu gạo xuất khẩu thì Việt Nam không có gạo ngon nhất thế giới vẫn có thương hiệu đàng hoàng: Thương hiệu của từng doanh nghiệp xuất khẩu gạo” – ông Huỳnh Kim Hải, thành viên hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket, nhận xét.
Ông Lê Văn Bảnh, cựu Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, nhìn nhận thực trạng Việt Nam có rất nhiều loại gạo ngon, thậm chí hơn hẳn gạo ngon của các nước đang cạnh tranh, nhưng mãi cứ theo lệnh cấp trên để chạy theo số lượng 3-4 vụ/năm nên chất lượng không cao.
Trong khi đó, Thái Lan chỉ sản xuất 1-2 vụ/năm nên chất lượng tốt hơn. Ngoài ra, Thái Lan đã có thị trường lâu đời ổn định (Việt Nam bị mất khoảng thời gian quá dài kể từ sau tháng 1-1975 về thị trường gạo từng là vựa lúa số một Đông Nam Á), được khách hàng tin cậy về chất lượng nên xuất khẩu được giá hơn nhiều so với Việt Nam.
“Cần làm thương hiệu cho gạo, bao gồm cả thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền, thương hiệu doanh nghiệp. Khi có thương hiệu thì phải biết giữ gìn nó. Gạo ngon của Việt Nam muốn có chỗ đứng trên thị trường thế giới, có khách hàng lâu dài thì bên cạnh thương hiệu phải chiếm được sự tin cậy của khách hàng” – ông Bảnh góp ý, và nói rằng ý kiến này được ông nhiều lần đặt ra từ lúc còn đương chức Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, song cơ quan quản lý nhà nước cấp trên đã… phớt lờ.
Không chết dần chết mòn mới lạ…
Vẫn theo ông Lê Văn Bảnh, thì việc thương mại hóa giống lúa tốt để xây dựng thương hiệu là không dễ dàng, bởi một doanh nghiệp chỉ sản xuất được một sản lượng nhất định, nếu nhân rộng thì có nguy cơ giống bị giảm độ thuần.
“Đơn cử như giống lúa chất lượng cao ST24, ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua, muốn thương mại hóa cao cũng khó vì một mình doanh nghiệp này chỉ sản xuất được khoảng 1.000 tấn/vụ. Nếu bán giống tràn lan để gieo trồng không kiểm soát thì độ thuần sẽ giảm đáng kể, tức chất lượng hạt gạo giảm, đồng nghĩa với không có thương hiệu tốt.
Vì vậy, cần tổ chức lại khâu sản xuất để nhân rộng giống lúa tốt, thương mại hóa nó với số lượng lớn và bảo đảm độ thuần chủng. Tùy theo từng thị trường xuất khẩu phải tạo ra giống lúa thích hợp để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng. Chẳng hạn, người dân Đông Bắc Á chuộng gạo hạt dài và dẻo; người dân Trung Đông thích gạo khô; người Tây Âu và Bắc Mỹ thích gạo thơm” – ông Lê Văn Bảnh gợi ý.
Những yêu cầu như ông Bảnh đưa ra lại thuộc về thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước. Và nói như lời kể ở trên của người đứng đầu tổ chức BSA, “Bao nhiêu cuộc hội thảo hoành tráng, hùng hồn khẳng định quan điểm làm nông nghiệp bền vững, phát triển “thuận thiên”, phải phá thế độc canh cây lúa, khuyến khích làm lúa giá trị cao, giảm 3 vụ lúa xuống để đất phục hồi… vẫn chỉ là những văn kiện rực dấu đỏ và nằm yên, ngủ đông trên giấy”.
“Suốt năm 2020 và những năm tới, vẫn cứ ép đất đai đồng bằng sông Cửu Long oằn mình ngậm thêm hàng tấn phân, thuốc độc hại, căng sức chạy cho đủ sản lượng, chỉ tiêu, thì đồng bằng sông Cửu Long không chết dần chết mòn mới lạ?” – bà Vũ Kim Hạnh chua chát nhận xét.