Việt Nam Thời Báo

VNTB – GDP Việt Nam có thể giảm còn 5.2%

Đông Đô

(VNTB) – Nếu bối cảnh tiêu cực, mức tăng trưởng GDP mà VEPR dự báo sẽ giảm còn 5,2%.

 

Tại Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 do Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation Việt Nam (FNF) tổ chức sáng 20-5-2022.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đưa ra các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2022, với kịch bản cơ sở là tốc độ tăng trưởng trong năm nay sẽ đạt 5,7%, kịch bản tích cực là 6,2%. Tuy nhiên, nếu bối cảnh tiêu cực, mức tăng trưởng GDP mà VEPR dự báo sẽ giảm còn 5,2%.

Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022, VEPR đánh giá, nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi nhưng vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại. Đó là những rủi ro từ đại dịch, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới mặc dù những diễn biến gần đây cho thấy sự cải thiện trong kiểm soát dịch bệnh toàn cầu.

Trở ngại còn đến từ áp lực lạm phát và chi phí sản xuất đang tăng lên rất mạnh, rủi ro từ xung đột Nga – Ukraine. Mặc dù các tác động trực tiếp không quá lớn do quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa hai quốc gia này với Việt Nam khá nhỏ, nhưng các tác động gián tiếp là rất lớn.

Tiếp đến là sự chậm lại của kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế kinh tế đối tác quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc trong bối cảnh nước này vẫn tiếp tục chính sách “zero Covid” với các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt có thể gây căng thẳng cho nền kinh tế, ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng, qua đó tác động tới kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự lệch pha trong chính sách kích thích kinh tế của Việt Nam so với xu hướng chung toàn cầu có thể làm giảm hiệu quả tác động của các chính sách kích thích kinh tế mà Việt Nam đang kỳ vọng.

Từ việc phân tích và đưa ra những khuyến nghị chính sách chung, Báo cáo nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp tục thực hiện mục tiêu vừa khôi phục kinh tế, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh; minh bạch hoá thị trường tài chính trên quan điểm sống chung với Covid-19; thực hiện các chính sách tài khoá và tiền tệ tập trung nhiều vào việc thúc đẩy cầu và ưu tiên nguồn lực cho khu vực doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Các nhà khoa học khuyến nghị cần đẩy nhanh tiến độ thực thi các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế.

Trong đó, tiếp tục triển khai các giải pháp an sinh xã hội, các chính sách miễn, giảm thuế, phí,… đã đề xuất tại Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội 2022- 2023. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện điều hòa hiệu quả nguồn vốn đầu tư công từ nguồn vốn của Chương trình phục hồi và nguồn vốn từ Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các biện pháp giảm lãi suất và hỗ trợ lãi suất song cần gắn chặt với việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ tình hình nợ xấu…

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm trọng điểm của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trực thuộc Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội. Trải qua 14 năm, 14 kỳ báo cáo, Viện đã tập trung nghiên cứu, phân tích một cách độc lập, dựa trên bằng chứng từ thực tế các vấn đề kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm nghiên cứu và dự báo cho năm tiếp theo.

Ngoài ra, các báo cáo cũng nêu bật được thành tựu, khó khăn, cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển kinh tế tại Việt Nam, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô đồng thời thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế nổi bật và chuyên sâu của Việt Nam.

Có một lưu ý là các nghiên cứu khoa học ở báo cáo này không đề cập đến vấn đề của “định hướng chính trị xã hội chủ nghĩa” trong quản lý kinh tế vĩ mô, do đó không loại trừ yếu tố nhạy cảm về “định hướng” được cho là thuộc nhóm gọi là “nếu bối cảnh tiêu cực”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Lạm phát đã hiện hữu tại Việt Nam

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Sao lại cháy chung cư ở Hà Nội?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – USD lại… dậy sóng

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo