Khúc Thừa Sơn (VNTB) “Không tập hợp được sức mạnh trí tuệ, quản lý và chỉ đạo ấu trĩ, dựa vào kinh nghiệm cũ rích của bản thân hoặc lượm lặt, chắp vá của nước ngoài, làm manh mún, vụn vặt chương trình đào tạo. Không ít lãnh đạo Bộ GD & ĐT có tầm nhìn xa rời thực tế, yếu về chuyện môn và lỏng lẻo trong quản lý”. Lời của cô giáo Thi Ca đánh giá những mặt thất bại của Giáo dục Việt Nam trong nhiều năm qua
Giáo dục Việt Nam, một đề tài hễ ai nói đến phần nhiều đi từ buồn cho đến lắc đầu ngán ngẫm. Năm 2015, lại thêm một năm ngành giáo dục Việt Nam đầy biến động, lắm chỉ trích từ dư luận như; vấn đề thi cử tuyển sinh Cao đẳng – Đại học, tích hợp môn lịch sử hay đưa tiếng Hoa vào giảng dạy ở cấp Tiểu học và Trung học… Năm 2016, Bộ Giáo dục Việt Nam thông tin là sẽ sửa đổi, khắc phục những mặt yếu của năm 2015, một viễn cảnh tốt đẹp liệu có đem hy vọng thành hiện thực cho người dân Việt Nam hay là phải gánh thêm thất vọng bởi mấy mươi năm đổi mới và phát triển mà bến đậu của Giáo dục Việt Nam đến nay vẫn đứng thứ hạng thấp kém nhất của thế giới.
Nhìn những thất bại đã qua
Là một người đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, cô giáo xin được lấy bút danh Thi Ca (Cần Thơ) đánh giá Giáo dục Việt Nam (GDVN) thất bại là phần lớn, giường như đang tuộc dốc không phanh. Mặc dù đã hoạch định chiến lược GDVN từng giai đoạn, đánh giá giai đoạn 1 (2000 – 2010) tất cả các số liệu có thể nói Bộ Giáo dục (BGD) đánh giá thành công trên giấy. Theo nhìn nhận cá nhân của cô giáo Thi Ca.
“Chẳng đạt được thành quả gì đáng kể mặc dù mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thức và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Một mục tiêu giáo dục quá “cao đẹp” buộc phải đi kèm với năng lực giáo dục ở tỷ lệ thuận bằng không ở “1 trong 2” yếu tố bị nghiêng cán cân thì dẫn dễ đến thất bại. Điều đáng tiếc là đã xảy ra ở GDVN, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại chính yếu bởi điều kiện xã hội tuy gián tiếp nhưng tác động trực tiếp và chi phối toàn bộ nền GDVN ví dụ như “quyền lực” trong giáo dục.
“Khi xác định sai mục tiêu và sử dụng “quyền lực” để buộc các cấp dưới quyền phải thực hiện theo lộ trình định sẵn, không lắng nghe, không ghi nhận những phản hồi từ các nhà giáo dục có trình độ và tâm huyết với nền giáo dục nước nhà thì hậu quả gánh chịu thật nặng nề”.
Lời của cô giáo Thi Ca. Ngoài ra, thất bại của GDVN cho thấy không tiếp cận sự phát triển của khu vực, của quốc tế (bị đánh giá là thua cả Lào và CamphuChia), nội dung chương trình đào tạo cũ kỹ, lạc hậu, tập trung theo định hướng mà mục tiêu đã đề ra nên sản phẩm đào tạo là những con người chỉ biết về lý thuyết, yếu kỹ năng thực hành, thiếu (thậm chí không có) kỹ năng sống, thiếu hẳn về quan hệ xã hội…. GDVN không hòa nhập được trình độ chung của khu vực, tỉ lệ thất nghiệp sau đào tạo ngày càng tăng, không có giải pháp nào để cải thiện lao động trình độ cao thất nghiệp đó là thất bại lớn nhất của nền GD nước nhà. Với cô giáo Thi Ca nguyên nhân là “Không tập hợp được sức mạnh trí tuệ, quản lý và chỉ đạo ấu trĩ, dựa vào kinh nghiệm cũ rích của bản thân hoặc lượm lặt, chắp vá của nước ngoài, làm manh mún, vụn vặt chương trình đào tạo. Không ít lãnh đạo Bộ GD & ĐT có tầm nhìn xa rời thực tế, yếu về chuyện môn và lỏng lẻo trong quản lý”.
Hệ quả là dẫn đến một thế hệ trẻ Việt Nam, rường cột của nước nhà bị xuống cấp về mặt đạo đức đáng báo động và đang bị mất gốc với minh chứng là thời gian gần đây các clip học sinh đánh nhau xuất hiện nhiều hơn trên các mạng xã hội.
Những đánh giá, nhận định cuả giáo Thi Ca về hiện thực GDVN hoàn toàn có cơ sở nhưng có một câu hỏi đặt ra là GDVN nhiều mặt yếu kém vậy nhưng tại sao GDVN lại tự hào có nhiều học sinh, sinh viên đạt giải ở các kỳ thi quốc tế, trường học Việt Nam được mở rất nhiều? Có sự khác biệt nào giữa việc đào tạo học sinh, sinh viên ở Việt Nam với học sinh, sinh viên ở các nước có nền giáo dục phát triển? Trả lời cho những câu hỏi này, cô giáo Thi Ca cho hay:
“Học sinh nước ngoài học tập và sinh hoạt giải trí được cân bằng, ngoài học kiến thức phổ thông các em còn tiếp cận với ít nhất 1 môn thể thao, 1 loại nhạc cụ, 1 loại hình văn học hay tạo hình nào đó. Còn Việt Nam chúng ta đặt mục đích đạt giải thưởng là cao nhất khiến các em như thể một con rối trong tay những người làm giáo dục, khác hẳn với quan điểm của giáo dục các nước khác. Hậu quả của việc giáo dục nhồi nhét kiến thức chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự “ra đi không trở lại” của các nhân tài.”
Nhân tài ra đi, “máu chất xám” chảy và lãng phí quá nhiều là điều mà những người làm GDVN đã thấy rõ và thêm nữa là việc sinh viên đại học, cử nhân và thậm chí là thạc sĩ ra trường tỷ lệ thất nghiệp hằng năm khá cao thậm chí năm sau cao hơn năm trước. Tại sao? Một câu hỏi GDVN đang thực chạy đua theo số lượng hay chất lượng để đáp ứng nhu cầu xã hội hiện vẫn đang còn bỏ ngõ thì người làm GDVN cứ đi lòng vòng mà không rõ ràng triệt để một vấn đề nào ví dụ như việc thi cử tuyển sinh. Trải qua không biết bao nhiêu lần Bộ GD& ĐT sửa đổi, đổi mới thế nhưng việc thi cử ở Việt Nam vẫn rất ì ạch, mệt mỏi và không quá lời khi cho là nó quá nhiêu khê.
Vạch lối hy vọng tương lai
Năm 2016, có thông tin là Bộ Giáo dục lại tiếp tục sửa đổi, đổi mới thi cử đặc biệt là tuyển sinh Cao Đẳng, Đại học chủ yếu là khắc phục những mặt yếu kém của việc thi cử tuyển sinh năm 2015. Liệu việc sửa đổi, đổi mới này có tốt đẹp hơn thì phải chờ đến mấy tháng nữa nhưng nếu những người làm GDVN không biết lắng nghe phản hồi từ dư luận, không chấp nhận điều chỉnh, tiếp tục dung dưỡng, bao che cho những sai phạm, tiêu cực thì GDVN mãi mãi vẫn là vết xe đỗ với lối mòn cũ. Và một thực tế ai cũng thấy đó là những người làm GDVN ở cấp bậc cao hiện đang được Chính phủ dung dưỡng, bao che giống như cha mẹ dạy con cái, nếu con sai mà không xử phạt ngay nó sẽ lờn mặt và không còn nể sợ cha mẹ nữa. Đây là ví dụ của cô giáo Thi Ca và cô giáo Thi Ca nói thêm.
“Giáo dục mắc nhiều sai phạm vậy mà Bộ trưởng vẫn được nhận Huân chương khen tặng, vẫn tại vị, vẫn tiếp tục đưa ra những quyết định”.
Và như vậy, con tàu GDVN đang bị yếu kém chính yếu ở khâu thuyền trưởng cho nên trước thực trạng GDVN còn quá kém như hiện tại thì hầu hết những những ý kiến đóng góp, cải thiện đều tập trung vào việc Chính phủ phải mạnh tay thay đổi, loại trừ những người lãnh đạo giáo dục yếu kém. Bên cạnh đó để cải thiện và tiến tới phát triển GDVN thì phải tiến hành tìm người lãnh đạo có trình độ thực sự, tâm huyết với ngành, có tinh thần dân tộc và biết yêu Tổ Quốc, một khi làm được những công việc này nhất định nền GDVN sẽ khai sáng và phát triển. Đây cũng chính là lời đóng góp ý kiến sau cuối của cô giáo Thi Ca.