(VNTB) – Trong số các chứng nghiện do cuộc sống hiện đại mang đến, có nghiện điện thoại di động, nhất là điện thoại thông minh.
Xã hội ngày càng phát triển. Để đáp ứng với những nhu cầu của con người, khoa học kỹ thuật cũng ngày càng tân tiến hơn. Và rồi, cái gì “thái quá cũng bất cập”, vô hình trung “hiện đại lại hại điện”.
Trong số các chứng nghiện do cuộc sống hiện đại mang đến, có nghiện điện thoại di động, nhất là điện thoại thông minh.
Giới trẻ ghiền điện thoại đã được phản ánh khá nhiều trên báo chí. Thế nhưng, có một điều đáng nói ở đây, là ngay cả trung niên cũng ghiền điện thoại.
Có ý kiến cho rằng, điều này là khó có thể xảy ra, bởi trong suy nghĩ của không ít người, với thế hệ “không trẻ”, việc tiếp cận một thiết bị điện tử (nhất là điện thoại thông minh) là một điều hoàn toàn không dễ dàng. Họ đã có thói quen xem tin tức trên tivi, nghe đài từ radio hay nói chuyện với hàng xóm, giờ chuyển sang giải quyết tất cả những thứ đó trên một cái “màn hình” nhỏ xíu, thích nghi đã khó, nói chi đến ghiền?
Trên thực tế, ý kiến này không sai nhưng cũng không đúng hoàn toàn. Bởi, mỗi con người sẽ có khả năng học hỏi, tiếp thu cái mới khác nhau. Với người này là khó khăn nhưng với người kia là dễ dàng. Đó là chưa kể đến, cái khó cũng có thể giải quyết phần nào nếu cố gắng và có sự giúp đỡ, tác động từ một người khác.
Kể từ ngày được hướng dẫn sử dụng mạng xã hội Facebook và Zalo, cuộc sống của bà NH đã thay đổi khá nhiều. Nếu trước đây, chưa có sự phát triển quá nhiều, điện thoại chủ yếu chỉ là nghe, gọi, nhắn tin hoặc chơi vài trò chơi đơn giản (như rắn ăn mồi, như tìm điểm khác biệt hay xếp hình…) thì giờ đây, gần như bà dành toàn bộ thời gian cho chiếc điện thoại thông minh.
Bếp lửa gia đình nguội lạnh, thay vào đó là quỹ thời gian nằm coi livestream bán hàng. Những bữa cơm gia đình, những cuộc nói chuyện với họ hàng không còn, thay vào đó là những cuộc gọi video, những tin nhắn tin-tin từ ứng dụng Messenger của Facebook. “Sợi dây” kết nối “xuyên lục địa” của thế giới ảo cũng hình thành từ đó qua những cuộc trò chuyện, chia sẻ hình ảnh, bình luận trên các bài viết của bạn bè…
Vì thế bà H “ôm” điện thoại nhiều hơn. Thời gian rảnh là bà mở điện thoại lướt Facebook, Zalo, xem các bài viết, dần dà xem các phim ngắn, quảng cáo bán hàng. Tối ngủ không được bà cũng mở điện thoại ra xem. Người nhà dường như không còn tồn tại trong mắt bà.
Đó là chưa kể đến, việc bà H thường xuyên cầm điện thoại, và bà cũng suy nghĩ rằng ai cũng như bà. Chính vì lẽ đó, mỗi lần bà gọi điện thoại, bà đều buộc người nghe phải nhấc máy ngay từ lần đầu tiên. Nếu chuyển sang cuộc gọi thứ hai, bà sẽ lầu bầu rằng “có điện thoại mà gọi hoài không được”, bất chấp người đó có đang kẹt vấn đề gì, từ công việc cho đến sức khoẻ.
Cũng tương tự nhưng có phần nhẹ hơn bà H, theo chia sẻ của con bà Tư thì bà vẫn lo toan đầy đủ cơm nước cho gia đình. Tuy nhiên, từ hồi sử dụng điện thoại, bà thường xuyên giảng đạo lý lại với gia đình như cách những facebooker giảng trên mạng; những thông tin với đủ mọi thể loại cũng được bà chia sẻ.
“Có lần, mẹ tôi nói rằng đừng cho con nít uống sữa nữa. Uống sữa có chất gì đó không tốt. Tôi ngạc nhiên hỏi thì bà kêu bà nghe một người nào đó trên mạng phân tích. Tôi không trách mẹ vì mẹ không biết trên mạng có những hoàn toàn không kiểm chứng được, thậm chí là cả tin giả. Nhưng nếu để như vậy tồn tại, thì quả thật rất nguy hiểm”, con bà Tư chia sẻ.
Cũng theo thông tin từ Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, ghiền điện thoại sẽ đem đến nhiều hệ luỵ không tốt về sức khoẻ. Như: trầm cảm; chứng rối loạn ám ảnh cưỡng bức; giảm bài tiết melatonin; giảm hiệu quả công việc; giảm khả năng kềm chế; nguy cơ gây mất trí nhớ; co ngót não; giảm hiệu quả trong công việc, học tập; thiếu các kỹ năng xã hội….