Trường Sơn
(VNTB) – Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên của Việt Nam tăng 1.200 – 1.400 đồng, lên dao động trong khung 94.600 – 95.200 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao tháng 5 tăng 70 USD, lên 3.385 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 67 USD, lên 3.288 USD/tấn, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao tháng 5 tăng 3,30 cent, lên 185,70 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 3,25 cent, lên 184,65 cent/lb, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Dự báo, nguồn cung thấp trong khi nhu cầu cao đã khiến giá cà phê Robusta nhân xô tại thị trường nội địa Việt Nam sẽ sớm đạt mức cao kỷ lục 100.000 đồng/kg, thậm chí là 120.000 đồng/kg do tình trạng khan hiếm cà phê. Hiện tại các thương nhân trong nước đã phải nâng mức giá chênh lệch (Dif.) lên 550 – 650 USD/tấn so với giá kỳ hạn hiện hành tại London mới mua được hàng.
Giá cà phê hôm 22-3-2024 tại tỉnh Đắk Lắk, ở huyện Cư M’gar cà phê được thu mua ở mức khoảng 93.900 đồng/kg, còn tại huyện Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 94.000 đồng/kg.
Giá cà phê liên tục tăng kỷ lục mang lại niềm vui cho nông dân. Tuy nhiên, điều này cũng gây khó khăn cho những doanh nghiệp xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho biết họ lỗ nặng khi giá nguyên liệu tăng gấp đôi, nhiều đơn hàng phải hủy do đối tác không chịu điều chỉnh giá.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), trong 2 tháng đầu năm 2024, về cà phê nhân xanh, Việt Nam đã xuất khẩu 353.456 tấn cà phê Robusta (chiếm hơn 97%) và 9.617 tấn cà phê Arabica (chiếm gần 3%). Điều này cho thấy, cà phê Việt Nam đã hưởng lợi trong đợt tăng giá cà phê toàn cầu này.
Vicofa đánh giá các nhà rang xay và chế biến cà phê trên toàn cầu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu Robusta của Việt Nam, nhưng lại quen với việc định giá thấp để có lợi nhuận cao. Khi đó, người nông dân trồng cà phê Việt Nam bị ép giá nên đã chuyển đổi cây trồng. Người nông dân không thể bám trụ với cây cà phê khi lợi nhuận hằng năm không được 100 triệu đồng/ha còn cây sầu riêng là 500-700 triệu đồng/ha. Do đó, thế giới cần nguồn cà phê Việt Nam thì phải trả giá cao hơn, không thể nào về mức dưới 50.000 đồng/kg như trước đây.
Ngoài ra ở những năm trước, giá cà phê không biến động “sốc” nên việc thu mua nguyên liệu dễ dàng. Năm nay, các doanh nghiệp không thể mua dự trữ do giá leo thang. Trường hợp nhập được, họ chỉ dám mua số lượng rất ít để giao nốt đơn hàng cũ. Khi giá tăng cao, nông dân hạn chế bán hàng, trong khi nhu cầu thu mua cà phê tăng cao. Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group, điều này dẫn đến việc thương lái không đủ hàng giao cho các nhà chế biến, còn doanh nghiệp lỗ khi mua cao, bán thấp.
Với giá nguyên liệu quanh 95.000 đồng một kg hiện nay, các công ty ước tính họ lỗ hàng chục triệu đồng mỗi tấn cà phê sau chế biến. Con số này tăng lên hàng chục tỷ đồng nếu lượng hàng cần giao khoảng 1.000 tấn. Ông Nguyễn Đức Hưng, CEO Napoli Coffee (hệ thống nhượng quyền với hơn 2.000 cửa hàng trên cả nước), cho biết hiện hàng trong kho chỉ đáp ứng được 70% đơn hàng xuất khẩu đã ký. 30% đơn còn lại, công ty phải chịu phạt để hủy khi đối tác nhập không chịu điều chỉnh thêm 5-10%.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thời tiết khô nóng tại khu vực Tây nguyên hiện vẫn chưa có dấu hiệu dịu lại, khiến thị trường thế giới lo ngại về triển vọng sản lượng cà phê tới đây của Việt Nam.
Hiện tại ở mảng cà phê chế biến của Việt Nam, các doanh nghiệp FDI chiếm thị phần áp đảo, còn mảng cà phê nguyên liệu thì doanh nghiệp Việt dẫn đầu. Trong 5 tháng đầu niên vụ cà phê 2023/2024, xét về khối lượng xuất khẩu cà phê nhân sống (cà phê nguyên liệu) thì Công ty TNHH Vĩnh Hiệp dẫn đầu với 81.025 tấn. Đây là doanh nghiệp do ông Thái Như Hiệp sáng lập với thương hiệu L’amant Café – ông Hiệp hiện là Phó Chủ tịch Vicofa.
Tiếp theo là: Intimex Group, Tuấn Lộc Commodities, Simexco Daklak, Louis Dreyfus Company Việt Nam, Intimex Mỹ Phước, Phúc Sinh, NKG Việt Nam, Olam Việt Nam và Hoa Trang – Gia Lai. Bảng xếp hạng này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam chiếm thị phần lớn ở mảng xuất khẩu cà phê nhân sống.
Tuy nhiên, top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan hầu hết là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, NESTLÉ Việt Nam (Thụy Sĩ) dẫn đầu với khoảng 57,5 triệu USD. Tiếp theo là các thương hiệu: OUTSPAN Việt Nam, Cà phê Ngon, tập đoàn Trung Nguyên, IGUACU Việt Nam, URC Việt Nam, TATA COFFEE Việt Nam, INSTANTA Việt Nam, SUCAFINA Việt Nam. Như vậy, trong danh sách này chỉ có một thương hiệu Việt là tập đoàn Trung Nguyên.