Việt Nam Thời Báo

VNTB – Giá dầu “bốc hỏa”, doanh nghiệp nào hốt bạc?

 

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Giá dầu thế giới hiện đang tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua, quanh mức 92 đô la Mỹ/thùng. Nhiều dự báo đà tăng còn tiếp tục vì tình trạng khan hàng.

 

Giá dầu thế giới tăng cao trong vài phiên gần đây sau thông tin Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) quyết định tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng ở mức vừa phải, bất chấp áp lực từ những nước tiêu thụ dầu hàng đầu yêu cầu tăng sản lượng cao hơn.

Nguồn dự phòng đang cạn?

Theo Bloomberg, OPEC+ đã phải nỗ lực để nâng sản lượng lên 400.000 thùng/ngày mà tổ chức này đã cam kết. Tuy nhiên vào tháng 1-2022, 13 thành viên của OPEC chỉ bổ sung 50.000 thùng/ngày, khiến thị trường lo ngại về nguồn cung dự phòng đang dần cạn kiệt.

Giá dầu tăng mạnh còn vì nguồn cung thu hẹp đáng kể, trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt tại Mỹ và nhu cầu tiêu thụ tăng vọt. Theo Bloomberg, dầu diesel, loại nhiên liệu giúp cung cấp năng lượng cho nền kinh tế toàn cầu, cũng đang tăng lên trong bối cảnh nhu cầu tăng vọt, hàng tồn kho đang giảm dần.

Đà tăng của giá dầu vẫn còn mạnh, khi nhiều chuyên gia phân tích cho rằng không loại trừ trường hợp dầu thô có thể lên đến 100 đô la/thùng trong ngắn hạn.

Về cơ bản, các doanh nghiệp dầu khí được đánh giá sẽ hưởng lợi khi giá dầu tăng và duy trì ở mức cao.

Theo dự báo của chuyên gia tại Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng của các công ty thượng nguồn như Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: PVS), Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (mã chứng khoán: PVD)… được mong đợi hưởng lợi từ các dự án dầu khí lớn với việc đấu thầu hợp phần có thể là “cứu cánh” cho những công ty này. Mặc dù, việc triển khai các dự án lớn, quan trọng tại thời điểm này vẫn là câu hỏi khi giá dầu cao là yếu tố bất lợi khi cân nhắc triển khai dự án.

Thực tế, kết quả kinh doanh nửa đầu năm của các doanh nghiệp này không mấy khả quan do ảnh hưởng từ Covid-19 và không có nhiều dự án dầu khí mới ở trong nước. Đơn cử, báo cáo tài chính bán niên 2021 đã soát xét của PVD cũng ghi nhận doanh thu của công ty mẹ và hợp nhất giảm trong nửa đầu năm lần lượt 60,7% và 47,4% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do không có doanh thu giàn khoan thuê trong kỳ, đơn giá giàn thuê tự nâng giảm 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, hiệu suất sử dụng giàn khoan cũng giảm còn 74% so với cùng kỳ năm ngoái là 89%.

Ngược lại, các công ty trung nguồn và hạ nguồn như Tổng công ty Khí Việt Nam (mã chứng khoán: GAS), Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR) ghi nhận lợi nhuận tích cực trong nửa đầu năm nhờ xu hướng tăng ổn định của giá dầu, dẫn đến giá bán cao hơn hoặc cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp.

Không dễ hưởng lợi

Các chuyên gia cảnh báo, nửa cuối năm, lợi nhuận từ các công ty có thể bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam. Đặc biệt, TP.HCM đã cùng với các tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu Long thực hiện Chỉ thị 16 từ đầu tháng 7-2021, dẫn đến nhu cầu sử dụng năng lượng thấp hơn.

Nhóm chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đưa ra ví dụ với BSR, trong bối cảnh tình trạng gián đoạn do dịch Covid-19 trong quý III đã ảnh hưởng đến nhu cầu, hàng tồn kho của BSR đang tăng, từ đó làm tăng chi phí lưu kho bên ngoài.

Về phía BSR đang có kế hoạch giảm sản lượng và trình Chính phủ về việc ưu tiên các sản phẩm xăng dầu trong nước so với các sản phẩm nhập khẩu. Bởi, việc tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh khiến nhà máy phải giảm công suất xuống 90% (trong trường hợp xấu nhất) so với mức bình thường là 105 – 110%. Nhóm chuyên gia này đã giảm 12,6% dự báo sản lượng bán năm 2021 của BSR còn 6,1 triệu tấn với hiệu suất hoạt động 92%.

Thời gian tới đây, có dự báo là cổ phiếu dầu khí PVD, PVC, GAS hưởng lợi nhờ chuỗi dự án khủng của dự án Lô B – Ô Môn sẽ sớm được khởi công trong nửa cuối 2022. Lô B – Ô Môn là một trong những dự án khai thác khí lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, với tổng vốn đầu tư ước tính lên tới 10 tỉ USD cho nhiều dự án thành phần từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ước tính khoảng 19,23 tỉ USD sẽ được bổ sung vào ngân sách nhà nước trong vòng đời 20 năm của dự án (từ dự án thượng nguồn và đường ống dẫn khí). Ngoài ra, 4 nhà máy điện khí tại Ô Môn với tổng công suất 3.810MW sẽ bổ sung nguồn cung điện cho khu vực miền Nam trong tương lai.

Do đó, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect tin rằng việc khởi công một dự án trọng điểm như Lô B – Ô Môn sẽ là động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam, củng cố nền tảng cơ bản của ngành và thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp dầu khí trong những năm tới.

Báo cáo của VNDirect Research chỉ ra các công ty hàng đầu trong ngành có nhiều cơ hội để tham gia và hưởng lợi từ dự án Lô B, bao gồm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thượng nguồn như PVS và PVD. Bên cạnh đó, với tư cách là nhà đầu tư chủ chốt cho đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn (chiếm 51% tổng mức đầu tư), GAS  cũng được kỳ vọng là đơn vị hưởng lợi chính từ dự án này nhờ vào nguồn khí bổ sung từ Lô B và cước phí vận chuyển khí.

Có một lưu ý là nhiều tổ chức đánh giá rủi ro về giá giảm là hiện hữu trong bối cảnh lo ngại về biến chủng Omicron, tăng trưởng kinh tế và sự điều chỉnh của thị trường tài chính khi các ngân hàng trung ương chống lại lạm phát. Citi Research đánh giá thị trường dầu mỏ sẽ nhanh chóng chuyển sang trạng thái dư thừa trong quý tiếp theo, giúp hãm đà tăng của dầu.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – 4 tiếp viên hàng không tiếp tục vô can

Do Van Tien

VNTB – Bị ‘mất liên lạc’ với gần 100 du khách Việt Nam tại Gangwon

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Mười tuần lễ của chuông nguyện hồn ai

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo