Việt Nam Thời Báo

VNTB – Gia đình Đoàn Thị Hương phó thác vụ án cho Nhà nước Việt Nam

Hàn Giang (VNTB) Trước khó khăn của gia đình, ông Đoàn Văn Thạnh là cha của nữ nghi phạm Đoàn Thị Hương trong vụ án ám sát anh trai nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên là ông Kim Jong Nam đã phó thác vụ án cho Chính quyền Nhà nước Việt Nam quyết định. Ông Thạnh cũng cho biết là hiện bà Hương được Nhà nước Việt Nam thu xếp có 2 luật sư ở Malaysia tham gia bào chữa pháp lý ở phiên xét xử tiếp theo vào ngày 13/04/2017 sắp tới. Và cũng từ vụ án này mà dư luận đã có sự so sánh với vụ án Nguyễn Tường Vân, một thanh niên gốc Việt cũng bị kết án tử hình ở nước ngoài để thấy có những sự khác biệt nhau về số phận…
Đoàn Thị Hương (áo vàng) được cảnh sát áp giải ra khỏi tòa án tại Malaysia hôm 1/3. Ảnh: AP
Gia đình phó thác vụ án cho Chính quyền Nhà nước

Theo như báo đài Nhà nước Việt Nam thông tin, dựa trên cơ sở ý kiến của gia đình nghi phạm Đoàn Thị Hương nên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thu xếp hai luật sư của Malaysia là các luật sư Hisyam Teh Toh Teik và Naran Singh làm luật sư bào chữa pháp lý cho bà Hương tại phiên xét xử tiếp theo của vụ án diễn ra vào ngày 13/04/2017 sắp tới đây.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết, ngày 29/03/2017, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cũng vào Nhà tù Kajang để thăm gặp bà Đoàn Thị Hương. Trước sự có mặt của đại diện Đại sứ quán Việt Nam, bà Hương cho biết tình hình sức khỏe của bản thân ở hiện tại ổn định, điều kiện sinh hoạt tốt. Phía luật sư của bà Hương cũng cho biết sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ pháp lý tốt nhất cho bà Hương.

Việt Nam Thời Báo liên lạc với gia đình nữ nghi phạm Đoàn Thị Hương để hỏi xem công tác chuẩn bị của phía gia đình đối với phiên xử tiếp theo hiện như thế nào? Ông Đoàn Văn Thạnh là cha của nghi phạm Hương đã xác định với Việt Nam Thời Báo là gia đình có gặp Bộ Ngoại giao Việt Nam và phía Nhà nước Việt Nam nói sẽ giúp đỡ cho gia đình về mặt luật sư để bào chữa pháp lý cho bà Hương trong các phiên xử của vụ án ở Malaysia.
Ông Đoàn Văn Thạnh, người bên trái, là thân phụ của cô Đoàn Thị Hương. Ảnh: Tuổi Trẻ


Có rồi. Luật sư ở nước ngoài, nhà nước mình lo hết.”

Phiên xử tiếp theo của vụ án là vào ngày 13/04 đã cận kề nhưng ông Thạnh cho biết phía gia đình hiện cũng chưa chuẩn bị gì.

Nói chung là chưa có gì. Nhà nước cũng chưa nói gì

Vậy gia đình có cử người qua Malaysia để tham dự phiên xử hay không? Ông Thạnh đáp là điều này cũng chưa biết được.

Điều này chưa biết được. Cái đó Nhà nước nói lo cho mình nhưng giờ chưa thấy gì cả

Nghi phạm Đoàn Thị Hương (Sinh ngày 31/05/1988, xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định), là người đã cùng nghi phạm Siti Aishah (quốc tịch Indonexia) trực tiếp ám sát anh trai nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên là ông Kim Jong Nam tại Malaysia vào ngày 13/02/2017.

Ngày 15/02/2017, nghi phạm Đoàn Thị Hương bị cảnh sát Malaysia bắt giữ. Ngày 01/03/2017, trong phiên xử luận tội, nghi phạm Đoàn Thị Hương cùng với nghi phạm Siti Aishah bị Tòa án Malaysia tuyên phạm tội “giết người” và theo Điều 302 Bộ luật hình sự Malaysia, tội này phải chịu hình phạt tử hình. Trước Tòa, bà Hương nói mình vô tội và trước đó bà Hương nói mình bị lợi dụng, nghĩ rằng mình tham gia đóng video clip hài.

Một điều đáng chú ý trong phiên luận tội vào ngày 01/03, dư luận có sự so sánh, đồng là nghi phạm trong cùng một vụ án nhưng nghi phạm Siti Aishah được Chính phủ Indonesia cử 04 luật sư sang Malaysia trực tiếp có mặt tại Tòa để phối hợp với một luật sư do Tòa án Malaysia chỉ định để bảo vệ quyền lợi cho công dân nước mình. Trong khi đó, phía nghi phạm Đoàn Thị Hương chỉ có mình luật sư là ông S.Selvam Shamugam do phía Tòa án Malaysia chỉ định. Lần này, trước phiên xử tiếp theo vào ngày 13/04, theo như ông Thạnh thông tin thì phía Chính quyền Nhà nước Việt Nam đã giúp cho nghi phạm Hương có được 2 luật sư ở Malaysia để bào chữa pháp lý. Tuy nhiên, để khẳng định nguồn thông tin này, ông Thạnh nói là mới chỉ nghe nói chứ chưa rõ. Ông Thạnh nói với Việt Nam Thời Báo:

Cái đó mình chưa hỏi. Biết rồi. Nhưng cái đó Nhà nước nói vậy thôi chứ mình cũng chưa biết rõ được là như thế nào chưa biết được. Nghe đài trên Tivi nói vậy thôi

Hai số phận khác biệt nhau

Vụ án Đoàn Thị Hương, mặc dù phía gia đình mà đại diện ở đây là ông Đoàn Văn Thạnh đặt niềm tin vào lời nói là Nhà nước Việt Nam sẽ hỗ trợ hết mình nhưng dư luận nhắc đến một vụ án khác, cũng là một người Việt bị tuyên án tử hình ở nước ngoài để so sánh mức độ quan tâm, lo lắng của Nhà nước Việt Nam đối với công dân của mình. Đó là vụ án Nguyễn Tường Vân (sinh ngày 17/08/1980, gia đình tị nạn) vào năm 2002, là một thanh niên người Úc gốc Việt bị tuyên án “Buôn lậu ma túy” theo luật Singapore. Nguyễn Tường Vân phải chịu án tử hình (treo cổ) theo Đạo luật Lạm dụng ma túy.
Đám tang Nguyễn Tường Vân hồi cuối năm 2005 tại Sydney sau khi người này bị xử tử ở Singapore vì buôn bạch phiến
-Tháng 11/2002, Nguyễn Tường Vân bị bắt tại sân bay Changi ở Singapore khi đang mang 396g heroin trên người và trong ba lô, một khối lượng heroin quá lớn so với mức quy định theo luật pháp Singapore là hơn 15g phải chịu mức án tử hình. Tại Tòa, Vân khai mục đích chuyển số ma túy này từ Campuchia về Australia để trả nợ giúp người anh song sinh tên Khoa.

Ngày 20/03/2004, Tòa Thượng thẩm tuyên án tử hình cho Vân. Vân có làm đơn chống án nhưng bị bác bỏ.

Trước bản án tử hình sắp dành cho Vân, gia đình của Vân tại Úc nhiều lần khẩn cầu nhà chức trách Singapore khoan dung nhưng không được.

Người dân ở Úc đã phản ứng dữ dội bởi nước Úc vốn không có án tử hình. Chính phủ Úc cũng như các luật sư, nghiệp đoàn và các hội nhà thờ đã nhiều lần xin khoan hồng cho Vân, nhưng Singapore không thay đổi quyết định.

Trong bức thư gửi người đồng nhiệm Úc, Chủ tịch Quốc hội Singapore Abudllah Tarmugi tuyên bố nước này không thể thỏa hiệp.

Đích thân Thủ tướng Úc lúc bấy giờ là John Howard cho biết đã 5 lần gửi đề nghị giới lãnh đạo Singapore trong đó có người đồng cấp là Thủ tướng Lý Hiển Long xem xét trường hợp Vân thậm chí đưa muốn đưa Vân về Úc xét xử nhưng mọi cố gắng của Thủ tướng John Howard đều không thành.

Nhiều thành viên quốc hội Úc và dư luận Úc lúc bấy giờ tìm mọi biện pháp gây sức ép với chính phủ Singapore để cứu Vân. Đã có một cuộc thăm dò dư luận ở Úc thì kết quả có đến 46% người dân Úc không chấp nhận bản án tử hình dành cho Vân.

Nghị sỹ Quốc hội thuộc đảng Tự do Bruce Baird lên tiếng yêu cầu Chính phủ Úc bác yêu cầu của hãng hàng không Singapore Airlines được bay trên tuyến Úc -Los Angeles vì lý do phía Singapore đã từ chối đơn xin ân xá cho Vân . Lãnh đạo đảng Xanh Bob Brown thì yêu cầu Chính phủ Úc cắt đứt quan hệ quân sự với Singapore.

Ngày 17/11/2005, Cục Phụ trách giam giữ Singapore đã gửi thư đến gia đình Vân ở Úc thông báo việc xử tử Vân sẽ được tiến hành vào ngày 02/12/2005.

Cũng trong ngày 17/11/2005, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hàn Quốc, Thủ tướng Úc J.Howard một lần nữa đề nghị Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khoan dung cho Vân nhưng mọi cố gắng đều không thay đổi sự nghiêm minh của pháp luật Singapore.

Quyết tâm cứu công dân nước mình cho bằng được, tại Hội nghị thượng đỉnh Khối thịnh vượng chung diễn ra ở Malta, Thủ tướng Úc J.Howard một lần nữa đề cập đến việc khoan hồng Vân nhưng ông Lý Hiển Long tiếp tục từ chối. Thủ tướng J.Howard cảnh báo Singapore chuẩn bị cho “nỗi oán giận dài lâu” ở Úc nếu việc xử tử vẫn diễn ra.

Các luật sư của phía Úc cũng tìm mọi cách đưa vụ án của Vân ra Tòa án Công lý quốc tế (gọi tắt là ICJ) để ngăn cản bản án tử hình vì cho rằng Vân chỉ quá cảnh tại Singapore chứ không có ý tuồn hàng heroin tại Singapore. Lãnh đạo đảng Lao động đối lập Kim Beazley ủng hộ kế hoạch này của giới luật sư.

Một ngày trước khi Vân bị thi hành án, một luật sư Úc chưa bao giờ gặp Vân đã cố gắng dùng thủ thuật pháp lý cuối cùng để cứu mạng Vân. Ông khởi kiện Vân ra một Tòa án của Úc về tội danh sở hữu ma túy trái phép. Theo luật, Chính phủ Úc sẽ phải dẫn độ Vân về Úc để hầu tòa và khi Vân đặt chân lên đất Úc thì anh ta xem như được cứu sống. Và cuối cùng, nỗ lực này cũng bị phía Singapore làm cho thất bại. Phía Singapore chỉ chấp nhận cho gia đình Vân vào trại giam thăm gặp và ôm Vân lần cuối.

Phiên tòa xử Vân kéo dài 2 năm và ngày 02/12/2005, Vân bị phía Singapore treo cổ sau mọi cố gắng giành giật từng cơ hội sống cho Vân của Chính phủ và người Úc nhưng không thành.

Từ vụ án Nguyễn Tường Vân vào năm 2002 để nhìn lại vụ án Đoàn Thị Hương của ngày hôm nay để thấy, cùng là người Việt mà buồn cho nghi phạm Hương đang cô đơn khi chịu chế tài pháp lý nơi đất Malaysia bởi cô không được như Vân. Hoàn cảnh khiến Vân và Hương lâm vào còn đường phạm tội nhưng số phận Vân được Chính phủ và người dân Úc quan tâm lo lắng còn ở Hương, ngay cả người thân của Hương không đủ tiền qua Malaysia dự phiên xử cũng chẳng thấy ai giúp đỡ.

Lời cuối ông Đoàn Văn Thạnh chia sẻ với Việt Nam Thời Báo là mọi việc giờ phó thác hết chính quyền Nhà nước Việt Nam.
Không. Bây giờ mình chưa biết được, cứ hỏi Nhà nước chứ mình không biết…bây giờ tôi nói là giao hết cho Nhà nước, tôi không hỏi gì cả. Nhờ Nhà nước hết, có gì lo thì họ thông báo cho mình giờ chưa thông báo gì mình chưa biết được.”- Lời kết của ông Thạnh./.

Tin bài liên quan:

VNTB – Gia đình nhà hoạt động Lê Đình Lượng lên Ủy ban huyện Yên Thành bị gây khó khăn

Phan Thanh Hung

VNTB- Cưỡng chế dồn dân vào đường cùng: Tòa nhầm tài sản đất ở và nhà ở là một?

Phan Thanh Hung

VNTB- Oan khốc tại Bình Dương: Tai họa ập xuống từ một lời nói (kỳ 1)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo