Hàn Lam
(VNTB) – Giá gặo tăng do “”đẩy giá”.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam giảm 10 USD xuống còn 628 USD/tấn, gạo 25% tấm 598 USD/tấn.
Tại vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, giá gạo nguyên liệu lại có dấu hiệu hạ nhiệt do xuất khẩu chậm lại.
Giá lúa gạo ngày 16-8-2023 tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh giảm 100 – 200 đồng/kg. Theo đó, tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang sáng 16-8, giá lúa OM 18 giảm 100 đồng/kg xuống còn 7.800 – 8.000 đồng/kg, OM 5451 giảm 200 đồng/kg xuống còn 7.600 – 7.800 đồng/kg.
Với các chủng loại còn lại, giá duy trì ổn định. Cụ thể, giá lúa IR 504 ở mức 7.300 – 7.500 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 7.400 – 7.600 đồng/kg; Nàng Hoa 9 có giá 7.200 – 7.600 đồng/kg; lúa Nhật cũng ổn định ở mức 7.800 – 8.000 đồng/kg; lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 13.000 đồng/kg.
Với lúa nếp, nếp Long An (tươi) ở mức 6.900 – 7.400 đồng/kg. Trong khi đó, giá nếp An Giang tươi ổn định ở mức 6.300 – 6.600 đồng/kg; nếp An Giang (khô) ở mức 7.700 – 7.900 đồng/kg; nếp Long An (khô) có giá 7.700 – 7.900 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu tiếp tục tăng 50 đồng/kg lên mức 12.050 đồng/kg. Trong khi giá gạo thành phẩm ổn định ở mức 13.800 – 13.900 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm IR 504 duy trì ổn định ở mốc 11.600 đồng/kg; trong khi đó, giá cám khô còn 7.550 đồng/kg.
Tại An Giang, giá gạo bán lẻ duy trì ổn định, gạo trắng thường ở mức 15.000 đồng/kg; thơm thái hạt dài 18.000 – 20.000 đồng/kg; nếp ruột ở mức 15.000 – 17.000 đồng/kg; gạo Jasmine thơm 17.000 – 18.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 19.500 đồng/kg.
Ông Nguyễn Quang Hòa – Giám đốc Công ty TNHH gạo Dương Vũ cho biết, hiện tại, doanh nghiệp đã giao xong các đơn hàng cũ, trong khi đơn hàng mới chưa có. Nguyên nhân là do mức giá xuất khẩu đang ở mức cao. Do vậy, các nhà nhập khẩu đang ưu tiên nhận các đơn hàng cũ từ những nhà xuất khẩu khác.
“Những khách hàng lớn, có thể ảnh hưởng đến giá thị trường thì họ chưa mua. Trong khi đó, vẫn có những đơn hàng xuất khẩu với giá cao, nhưng đây là những khách lẻ, không quyết định được giá thị trường”, ông Hòa thông tin.
Thị trường lúa hè thu hiện giao dịch chậm, các giao dịch mới rất ít do lúa đa phần đã được cọc từ trước.
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thì giá cả lúa tăng do đang có hiện tượng đẩy giá. Liên quan đến lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số nước đẩy giá gạo, lúa tại thị trường nội địa tăng cao, tại phiên họp 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15-8 vừa qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng điều hành cần tránh những cú sốc giá. Bởi việc đẩy giá tiêu dùng trong nước sẽ ảnh hưởng tới một số nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế, thu nhập thấp.
Ông đề nghị các bên liên quan có thái độ bình tĩnh. Mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt, chỉ phân tích một khía cạnh, một phía thì sẽ không có được cái nhìn toàn diện.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp thông tin, ngày nào ở đồng bằng sông Cửu Long cũng xuống giống vì tại đây xuống giống theo con nước. Nếu không có biến động, Việt Nam sẽ không gặp vấn đề gì trong việc xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo.
Tuy nhiên, hiện chỉ khoảng 20% diện tích lúa đồng bằng sông Cửu Long nằm trong liên kết, 80% diện tích còn lại nông dân và thương lái mua bán tự do. Trong khi, giá lúa, gạo được quyết định bởi cung – cầu. Cầu tăng nhưng cung ít thì giá sẽ bị đẩy lên, đó là quy luật thị trường. Ngoài ra, ở Việt Nam giá lúa gạo còn chịu ảnh hưởng từ các yếu tố khác như: vấn đề đặt cọc, câu chuyện thỏa thuận, mua bán, mùa vụ…
“Thực tế có hiện tượng đẩy giá, gây ảnh hưởng lớn tới thị trường”, ông Hoan thừa nhận.