Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Gia tài của mẹ, một lũ bội tình”

Song Tâm (VNTB) – Quảng Nam – cái xứ đứng top nghèo trong 64 tỉnh thành lại nhiễm cái bệnh “chặt to – kho mặn” trong tiến hành làm và “ăn” qua tượng đài? Biết thế… ngày xưa! Bởi “Gia tài của mẹ, một bọn lai căng. Gia tài của mẹ, một lũ bội tình.”.
Quảng Nam sắp khách thành tượng Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ (Mẹ Thứ) tại vùng núi Cấm – Tam Kỳ, lấy ý tưởng từ việc, “Mẹ là suối nguồn bao la vô tận, là linh hồn đất nước. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời, vẫn tiếp thêm nguồn sức mạnh mẽ cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nhưng có lẽ, các nhà làm tượng lại theo chủ nghĩa hiện thực, nên thành ra cái bao la, lại biến thành cái to lớn, hòa thân vào đất thành gắn hẳn vào một vùng núi Cấm thấp.
Thành ra tượng có chiều cao 18,5m, rộng 117m…

Sự rỗng tuếch trong vinh danh


Đó hẳn là ý tưởng kết hợp giữa khắc họa tượng đài lên núi như kiểu Rushmore ở Nam Dakota (Hoa Kỳ), và tượng Mẹ Tổ quốc kêu gọi ở Volgagrad – Stalingrad (Liên Bang Nga).
Chưa kể việc tượng rỗng, bên trong là nhà tưởng niệm, ghi danh gần 50.000 bà mẹ Việt Nam.

Và số kinh phí làm tượng đài cũng khổng lồ, đi từ 81 tỉ, đội vốn lên 410 tỉ đồng, chỉ để nhằm “xây dựng công trình đạt quy mô lớn nhất Đông Nam Á” và “thể theo nguyện vọng của đông đảo người dân”, như ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam biện bạch.
Nhưng nhiều người, trong đó có nhà văn Nguyên Ngọc lại không đồng tình với điều đó. Ông từng ca thán về việc xây dựng tượng đài kiểu này, ông cho rằng: “Điều vĩ đại nhất ở người mẹ, người mẹ nói chung và người mẹ Việt Nam, người mẹ Việt Nam anh hùng, là sự hy sinh bền bỉ, âm thầm, vô danh.”.

Căn nhà ở đơn sơ của thầy và trò trường Mường Pồn. Ảnh: PLO

Và, “Con người đến đó để mà ưu tư về sự vĩ đại lặng lẽ và vĩnh hằng của hy sinh vô danh. Hẳn về người mẹ cũng nên tìm một cách nghĩ như vậy. Vĩ đại không đồng nghĩa với khổng lồ.”

Cái suy nghĩ nhân văn đó, đối lập hoàn toàn với cái suy nghĩ hành tráng nhất Đông Nam Á, Châu Á, thế giới mà không ít người vịn vào đó để lấy làm tự hào. Có lẽ, những người làm cái dự án to lớn này đã ít hoặc không quan tâm nhiều đến cái hình ảnh mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ nhỏ bé đang ngồi bên 9 bát cơm. Hay là vì, Quảng Nam – cái xứ đứng top nghèo trong 64 tỉnh thành lại nhiễm cái bệnh “chặt to – kho mặn” trong tiến hành làm và “ăn” qua tượng đài?

Sự rỗng tếch về mặt tượng đài bởi nó đối lập với hiện thực Mẹ

Chỉ biết rằng, câu chuyện vinh danh mẹ qua tượng đài to lớn nhất ĐNÁ, lố lăng không kém câu chuyện cộng điểm ĐH cho bà mẹ VNAH dạo nào. Và rỗng tuếch về mặt nhân văn, ý nghĩa như chính cái rỗng bên trong tượng đài.
Nó khiến dư luận được dịp xôn xao, và bằng cách nào đó, lại khiến cho người ta nghĩ ngay đến việc, ăn dự án qua việc làm tượng đài vinh danh Mẹ. Nhất là khi số tiền đội vốn tăng gấp 5 lần so với dự kiến trước đó.
Vinh danh – bằng sự “ấm no”
Nhiều người lại tính rằng, nếu có 40.000 bà mẹ VNAH còn sống, thì lấy 400 tỉ kia chia đều mỗi người 10 triệu thì thiết thực hơn. Nhưng, thực ra, bấy lâu nay, công tác đền ơn đáp nghĩa của nhà nước còn vượt quá con số 10 triệu kia.
Vấn đề là, việc xây tượng đài không đáng, trong tình cảnh đất nước còn lắm những cầu treo, trẻ em còn băng suối đi học, trường học vẫn tranh tre vách lá ở vùng tây Bắc… Nếu những bà mẹ VNAH được dịp đi thăm quan tượng đài, sau đó đi thăm quan chỗ ăn học, bữa ăn của thế hệ chủ nhân tương lai, tại vùng sâu, vùng xa hẳn sẽ đau lòng lắm. Đó gọi là đầu tư không đúng chỗ, đúng thời điểm, hoàn cảnh.

Chưa kể, chẳng phải Đảng và nhà nước cũng hết lòng chăm lo đời sống cho các mẹ qua chương trình “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”… đó sao? Cứ hãy chăm lo tốt cho các mẹ VNAH và thân nhân của họ về cuối đời, hẳn đó là một sự vinh danh lớn nhất.
Thực vậy, “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”, cũng là chỉ vì cái niềm hạnh phúc, tự do đơn giản của các Mẹ lúc ấy. Vậy thì hãy làm sao đáp lại cái tự do, hạnh phúc đó trên mọi nẻo đường quê hương. Các mẹ VNAH chẳng cần một đất nước với đầy rẫy những biểu ngữ, bang-rôn, hay một đất nước chỉ toàn chăm chăm xây dựng tượng đài mà bỏ quên việc đầu tư cơ sở vật chất, giáo dục, y tế cho các trẻ em vùng sâu, vùng xa. Xua tan đi cái nhọc nhằn trong bữa ăn thiếu thịt, hay xóa bỏ những mái nhà tranh, vách đất được gọi là… trường học vùng cao.
Đừng ăn trên sự vinh danh
“Giờ má chỉ cần… Mỹ nó quay lại thôi!”, câu nói của một bà mẹ VNAH khiến ông Xuân Anh (lãnh đạo Đà Nẵng) giật mình. Nó cho thấy, việc đền đáp công ơn Mẹ  bấy lâu nay không thiếu, nhưng lãnh đạo nhà nước thiếu gần gũi, để hiểu tâm tư, suy nghĩ của Mẹ như thế nào? Ngay cả trong việc dựng tượng đài trị giá 410 tỉ đồng.
Giả như, Mẹ biết rằng, đàn con cháu làm tượng Mẹ vì cái ý nghĩa ban sơ là tri ân là ít, mà chỉ đơn thuần là kiếm dự án là nhiều. Thì chắc hẳn mẹ buồn lắm…
Và nếu cứ tiếp tục quyết tâm “hoành tráng” những cái lặng lẽ, giản đơn nhằm một ý đồ riêng nào đó, thì sẽ có lúc các bà mẹ VNAH sẽ phải uất nghẹn mà phán rằng: Biết thế… ngày xưa! Bởi “Gia tài của mẹ, một bọn lai căng. Gia tài của mẹ, một lũ bội tình.”.

Lũ “lai căng, bội tình”, khiến mẹ Nguyễn Thị Thứ, dù đã được chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn (Quảng Nam) nhưng giờ lại không yên vì sự xáo xào tượng đài nghìn tỉ, đặt trong một tỉnh nghèo của dư luận xã hội.

Tin bài liên quan:

VNTB – Bạn hỏi tôi? Cùng nhau làm giặc ý thức hệ!

Phan Thanh Hung

VNTB- Đường chúng ta đi và Dũng khí một công dân!

Phan Thanh Hung

VNTB – Thư ngỏ gửi Trung tướng Bế Xuân Trường: “Chiến tranh nhân dân” hay “chiến tranh phi nhân”?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo