Diệp Chi
(VNTB) – Tựa như một thói quen, mỗi khi đến dịp kỷ niệm sự kiện chiến tranh như 30-4 hay 2-9 là trên mạng xuất hiện những dòng trạng thái ca ngợi về thành tích gọi là “giải phóng” của quân miền Bắc; nhờ miền Bắc mà miền Nam được tự do….
Giải phóng, theo định nghĩa quen thuộc đó là làm cho được tự do, cho thoát khỏi tình trạng bị nước ngoài nô dịch, chiếm đóng.
Năm 1973, sau khi hiệp định Paris được ký kết, quân Mỹ đã từ từ rút về nước. Như vậy, có thể nói, ở miền Nam Việt Nam khi đó, những người lính, người dân là ai? Đó chính là “đồng bào”, là những người con có chung bọc trứng của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ huyền sử. Vậy thì nghĩa của từ giải phóng ở đây có còn đúng?
“Trước năm 1975, mỗi khi có tiếng pháo kích là sợ lắm, lật đật chạy trốn xuống hầm không à. Mà không biết mấy ổng giải phóng cái gì mà pháo ở đâu toàn xuống nhà dân. Nhớ ngày trước, nhà hàng xóm, hai vợ chồng đang cho con ăn, một quả pháo từ đâu trên trời rớt xuống, hai vợ chồng với đứa con chết, để lại năm đứa con. Cũng may là năm đứa kia tụi nó đi sang nhà hàng xóm chơi nên mới còn sống. Lúc trước còn được uống sữa này nọ, giải phóng vào cực dữ lắm, ăn cơm độn với bo bo” – bà Tư, một lão nông nhớ lại.
“Giải phóng vô, đi học đại học cũng bị phân biệt đối xử. Đứa nào là con em của gia đình chế độ cũ là không được ưu tiên dù có học giỏi đến mức nào đi chăng nữa”, ông Hai, tuổi đã ngoài 50 chia sẻ nỗi niềm một thời của những thân phận ‘con em ngụy quân – ngụy quyền’.
“Thắng làm vua”, cũng chính vì suy nghĩ đó nên một số người dân miền Nam tuy biết rất rõ những cái thế nào gọi là “giải phóng” nhưng vẫn im lặng, không thèm tranh luận với những lý lẽ của một vài thành phần, cá nhân trên mạng xã hội.
Có người bức xúc cho rằng tại sao lại im lặng, chẳng khác gì ủng hộ người ta? Im lặng không đồng nghĩa với việc là đồng tình với lập luận của đối phương mà im lặng là do không muốn tranh luận vấn đề với người chưa nắm rõ tình hình thực tế như thế nào?
Im lặng đó còn là không muốn tranh chấp với cái lý của “cãi ngang ba làng cãi không lại”, có thể bạn sẽ đưa được nhiều bằng chứng cho thấy mình đúng nhưng rồi đối phương sẽ nói rằng, thực tế như thế nào, hiện tại ra sao? Thế thì cố gắng tranh luận để làm gì?
Chợt nhớ đến một câu chuyện cổ tích mà ngày trước tôi đã từng được nghe kể. Có hai người lên hỏi quan một bài toán: 4×4 bằng bao nhiêu? Người thứ nhất cho đáp số là 16. Người thứ hai không chấp nhận, cho rằng phải bằng 17. Kết quả, quan phán người 17 đúng. Người thứ hai hí hửng ra về, trong khi người thứ nhất vô cùng thắc mắc tại sao quan lại có phán quyết trên? Tôi nhớ khi đó, quan trả lời, đúng là thằng thứ hai sai nhưng nó lại là thằng chẳng biết gì, tốn công tốn sức tranh luận với cái thằng không biết gì để làm gì?
“Đồng ý là bây giờ đỡ hơn so với lúc trước rồi. Nếu nói quên, người dân cũng khó quên lắm. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh khó khăn, có khi người ta cũng không nhớ. Thế nhưng, nói gì nói, bên thắng cuộc cũng nên khép lại quá khứ đi. Cứ tới lễ lộc này nọ là moi ra nói, nên có biện pháp nào đó kiểm duyệt mấy người cứ thích lôi cái gọi là công cán ra mà kể lể. Giờ không phải ngồi đó hưởng thụ với những thành quả trong quá khứ mà phải hướng tới tương lai kìa”, ông Hai chia sẻ suy nghĩ.
45 năm trôi qua, vậy mà mỗi khi đến 30-4 hay 2-9 là trên mạng lại rêu rao câu chuyện giải phóng. Xem ra câu chuyện về hòa hợp dân tộc theo tinh thần cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt vẫn còn khó thực hiện…