Việt Nam Thời Báo

VNTB – Giám định văn hóa để kết luận “tư tưởng” trong điều luật hình sự 117?

Điều 117 BLHS

Khánh Hòa

 

(VNTB) – Chỉ cần có dự định viết bài gây hoang mang trong nhân dân là có thể bị đi tù từ 01 đến 05 năm.

 

“Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(…) 3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm” – trích Bộ luật Hình sự 2015, tu chỉnh 2017.

Để kết luận về chứng cứ của “tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”, căn cứ pháp lý là Thông tư số 24/2013/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Luật giám định tư pháp (phiên bản tu chỉnh năm 2020) chỉ yêu cầu “Đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự phải có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định” – trích Điều 7.1.c.

Như vậy xem ra những vị giám định viên trong lãnh vực báo chí không bị buộc phải có chứng chỉ hành nghề, tuy nhiên kết luận giám định của những vị này lại được dùng làm căn cứ quyết định cho các cáo buộc với mức án tuyên nặng nhẹ.

Trong những vụ án liên quan điều luật hình sự số 117, ghi nhận cho thấy là hầu hết các luật sư đều yêu cầu triệu tập cơ quan giám định là Sở Thông tin và Truyền thông địa phương tới đối chất trước toà về những kết luận giám định mà họ đưa ra. Tuy nhiên, theo luật sư Đặng Đình Mạnh thì thực tế cho thấy hầu như họ không có mặt, có một vài vụ án hết sức hiếm hoi thì khi họ đến thì thực ra thì họ cũng tránh trả lời luật sư. Chính ra những việc như vậy thì nó khiến cho cái quyết định xét xử của tòa án kém phần thuyết phục.

Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định đối chất là biện pháp điều tra được điều tra viên hoặc kiểm sát viên thực hiện dưới hình thức cho hai hay nhiều người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự đã được khởi tố, cùng một lúc tham gia tranh luận và chất vấn lẫn nhau dưới sự hướng dẫn trực tiếp của người tiến hành tố tụng nhằm làm rõ những tình tiết mâu thuẫn trong lời khai trước đó của họ, qua đó xác định tính đúng đắn trong lời khai giữa hai hay nhiều người để tìm ra sự thật của vụ án.

Thực tiễn giải quyết án cho thấy, việc nhận thức và áp dụng biện pháp đối chất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng còn có những quan điểm khác nhau, chưa thống nhất về vấn đề có cần thiết phải tiến hành đối chất hay không?

Đây là cơ sở thực tiễn đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu để có nhận thức đúng và thống nhất đối với biện pháp đối chất trong hoạt động điều tra theo tố tụng hình sự. Khi đã yêu cầu đối chất mà điều tra viên không thực hiện hoặc kết quả đối chất chưa rõ hoặc sau khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát nhận hồ sơ vụ án, nếu thấy có mâu thuẫn trong lời khai của những người tham gia tố tụng hoặc trường hợp cần thiết thì kiểm sát viên tiến hành đối chất.

Mục đích của việc đối chất là nhằm giải quyết mâu thuẫn, xác định tính đúng đắn trong lời khai giữa hai hay nhiều người để tìm ra sự thật của vụ án.

“Theo quy định, tất cả các chứng cứ phải được làm rõ tại phiên tòa. Chứng cứ chủ yếu ở đây là bản giám định thì bản này không có người đối chất. Những giám định viên mà chúng tôi đề nghị triệu tập không có mặt, hoàn toàn không có ai để đối chất. Tức là việc làm sáng tỏ các nội dung trong cáo buộc không được thực hiện. Người ta tuyên án trên cơ sở suy diễn chứ không phải căn cứ trên nội dung thực sự được làm rõ tại phiên tòa” – một luật sư ý kiến trong vụ án liên quan đến điều luật hình sự số 117.

Hồi tháng 3 năm nay, tin tức cho biết nhà báo Nguyễn Tường Thụy kêu oan từ trong tù. Ông Thụy cho biết trong bức thư rằng ông đã gửi một lá đơn đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm vào ngày 14-9-2021, trong đó nói rằng ông bị áp đặt hành vi mà ông không làm và bị kết tội với những bằng chứng giả mạo.

Kết luận điều tra cho biết công an thu giữ bộ tài liệu 13 trang liên quan đến vụ án khi khám xét nhà ông Thụy, nhưng ông cho biết trong bức thư rằng công an đã không thu giữ được “bất cứ tài liệu nào liên quan đến vụ án”, và ông yêu cầu được đối chất với các giám định viên đã kết luận những bài viết của ông là vi phạm pháp luật.

Hiện tại thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa có quy định đối chất của thẩm phán tại phiên tòa.

Quá trình xét hỏi, tùy tính chất, mức độ phức tạp của từng vụ án xét thấy lời khai của các bị cáo mâu thuẫn với lời khai có trong hồ sơ vụ án hoặc tại phiên tòa, bị cáo phản cung không nhận tội thì thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho đối chất giữa các bị cáo hoặc giữa bị cáo với bị hại, với người làm chứng và những người có liên quan, để làm rõ những tình tiết còn mâu thuẫn.

Có lẽ trong lãnh vực “giám định tư tưởng” qua các bài báo, cho đến nay vẫn chưa có trường lớp tư pháp nào đào tạo ra những chứng chỉ hành nghề trong lãnh vực này, nên các giám định viên ‘tự phong’ đó ngần ngại khi đối chất theo tố tụng tại phiên xét xử công khai.


Tin bài liên quan:

VNTB – Ồ ạt đầu tư năng lượng điện mặt trời và những cảnh báo về chất thải rắn

Phan Thanh Hung

VNTB – “Tôi không vi phạm pháp luật Việt Nam”

Phan Thanh Hung

VNTB – Chính phủ Việt Nam trả lời chuyên gia nhân quyền LHQ về việc bắt giam ông Phạm Chí Dũng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo