VNTB – Giảm thuế xăng dầu, vui là chính (!?)

VNTB – Giảm thuế xăng dầu, vui là chính (!?)

Nguyễn Huỳnh

(VNTB) – Từ 15g ngày 21-6, giá xăng dầu được các doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh tăng sau phiên điều hành của liên bộ Tài chính – Công thương.

Theo đó, giá xăng E5RON92 tăng thêm 190 đồng/lít, từ 31.110 đồng/lít lên mức 31.300 đồng/lít. Xăng RON95-III tăng 500 đồng/lít, từ mức 32.370 đồng/lít lên mức 32.870 đồng/lít. Dầu diesel tăng 990 đồng/lít, từ mức 29.020 đồng/lít lên mức 30.010 đồng/lít. Dầu hỏa là 28.780 đồng một lít, tăng 950 đồng. Còn dầu mazut là 20.730 đồng một ký, tăng 380 đồng…

Tin tức cho biết “hiệp thương giá” kể trên sở dĩ giá tăng cao như vậy là vì các đề xuất của Bộ Tài chính vẫn chưa được sự phê duyệt của Quốc hội.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất về sắc thuế bảo vệ môi trường sẽ giảm từ 1.500 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít thuế với nhiên liệu bay; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít; mặt hàng dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống 300 đồng/kg.

Riêng dầu hỏa được Bộ Tài chính đề xuất duy trì mức thuế bảo vệ môi trường ở 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong định mức cho phép.

Trước đó, chiều 23-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít. Các mặt hàng khác cũng được giảm theo.

Theo cơ quan soạn thảo, hiện nay, các hoạt động kinh tế – xã hội đã chuyển về trạng thái như trước khi xảy ra dịch Covid-19. Do đó, dự kiến sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm nay sẽ tương đương thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.

Với sản lượng tiêu thụ như vậy, nếu áp dụng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất trên, ngân sách Nhà nước có thể phải giảm thu 1.400 tỷ đồng/tháng (đã bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng). Như vậy, nếu Nghị quyết được thông qua trong tháng 7, có hiệu lực thi hành từ tháng 8 đến hết năm, mức thu ngân sách giảm sẽ vào khoảng 7.000 tỷ đồng.

Nếu tính cả phần ước giảm thu ngân sách theo Nghị quyết 18/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khoảng 2.661 tỷ/tháng), tổng giảm thu ngân sách bình quân mỗi tháng vào khoảng 4.061 tỷ đồng và cả năm là 20.305 tỷ.

Trước đó, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc giảm thuế để giảm giá xăng, dầu là một trong nhiều giải pháp. Quan điểm của Bộ Tài chính là muốn giảm thì phải đồng bộ.

Theo ông Phớc, về cơ cấu giá thành tạo nên 1 lít xăng, ở nước ngoài thuế chiếm từ 45 – 60%, ở Việt Nam ít hơn (khoảng 29 – 31%). Ví dụ, 1 lít xăng A92, các loại thuế chiếm 28% trên giá thành. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường (2.000 đồng/lít), giờ sắc thuế này còn dư địa 2.000 đồng/lít. Các sắc thuế còn lại gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng… đều thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Song, Bộ trưởng Tài chính cũng lo ngại mặc dù Việt Nam xuất dầu thô, mỗi năm được 8 triệu thùng, giá dầu thô tăng bù đắp được một phần. Song, khi giảm thuế đồng nghĩa với giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, kéo theo cắt giảm khoản chi. “Giảm thuế là một trong những biện pháp, chúng tôi sẽ cân nhắc để đánh giá tác động rồi báo cáo với Chính phủ, Quốc hội”, ông Phớc cho biết.

Theo Thứ trưởng Tài chính Tạ Anh Tuấn, thì nếu giữ nguyên các yếu tố khác trong giá cơ sở, việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường góp phần giảm giá xăng dầu trong nước từ 550 đồng/lít đến 1.100 đồng/lít.

Ông Tạ Anh Tuấn cho biết trong dự thảo Luật Giá sửa đổi hiện nay, Bộ Tài chính đưa phương thức Quỹ Bình ổn giá ra khỏi Luật Giá để xin ý kiến các tổ chức, cá nhân liên quan. Sau khi có ý kiến, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ và báo cáo Quốc hội để sửa đổi Luật Giá.

“Thực chất Quỹ Bình ổn giá xăng dầu này là trích từ người tiêu dùng. Trong thời gian qua đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Để phù hợp và tiến tới nguyên tắc thị trường, chúng ta phải đảm bảo giá của xăng dầu phù hợp với nguyên tắc thị trường, cùng với đó sử dụng các nguyên tắc bình ổn giá khác, như về cung cầu, về thuế để ổn định giá xăng dầu là mặt hàng chiến lược” – Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn, nói.

Giải thích lý do giá dầu thô thế giới có dấu hiệu giảm, chỉ ở mức dưới 115 USD/thùng, song giá xăng dầu vẫn tăng, một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết giá dầu thô và giá sản phẩm sau lọc dầu chênh lệch quá lớn. Cụ thể, giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore dao động từ 150 – 160 USD/thùng, trong khi giá dầu có thời điểm 178 USD/thùng, khi giá dầu thô giảm nhưng giá thành phẩm vẫn tăng.

“Thông thường, mức chênh lệch giữa dầu thô và sản phẩm sau lọc dầu chỉ chừng 10 USD/thùng, nhưng chênh lệch hiện đang quá lớn, giá thành phẩm vẫn ở mức cao nên xăng dầu trong nước khó giảm giá”, vị này nói.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)