Việt Nam Thời Báo

VNTB – Giáng sinh nơi “Thành phố buồn”

Nguyên Thành

 

(VNTB) – “Thành phố buồn” là một bài hát gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ Lam Phương (1937 – 2020).

 

Bài hát miêu tả về mối tình giữa đôi nam nữ trong bối cảnh thành phố Đà Lạt với rừng thông bao phủ sương khói tạo nên cảm giác buồn.

Tôi còn nhớ mùa Noel 2017, danh ca Elvis Phương hoài niệm với ca khúc ‘Thành phố buồn’, anh đã chia sẻ trong giọng nói run run của giá lạnh cao nguyên và của sự xúc động dâng trào: “Lúc Elvis Phương còn đi học ở trường Yersin Đà Lạt, có rất nhiều kỷ niệm, vui có, buồn cũng có nhưng kỷ niệm vui nhiều hơn. Hôm nay, Elvis Phương rất hạnh phúc khi được đứng đây để mà hát trước quý vị Đà Lạt, dưới bầu trời tuy rằng lạnh lẽo nhưng mà trong lòng mình cảm thấy rất ấm. Đó là Elvis Phương được đón một mùa Giáng sinh tại thành phố mà tuổi thơ của mình đã trải qua ở đây, thời còn đi học đã có mặt ở thành phố này, nhất là hạnh phúc để hát cho mọi người trong đêm Giáng sinh”.

Chắc rồi sau ngày Noel này, Đà Lạt sẽ dành hôm nào đó để tổ chức đêm nhạc tưởng niệm người nhạc sĩ tài hoa vừa ra đi trong dịp Giáng sinh 2020.

Việt Nam vốn không phải là một quốc gia Công giáo, nhưng lễ Giáng sinh từ lâu đã được xem là thời điểm khởi đầu mùa lễ hội lớn nhất năm, kéo dài cho đến Tết âm lịch.

Và rồi Covid-19 đã tạo ra một không khí Giáng sinh buồn tẻ với nhiều thành phố buồn bã hơn cả ‘Thành phố buồn’ hồi nào của nhạc sĩ Lam Phương.

Đường sá những khu phố không đông đúc và được trang hoàng lộng lẫy như mọi năm. Một vài cửa hàng, quán sá trang trí một cách chiếu lệ, như thể một loại nghĩa vụ đến hẹn lại lên, phải có cái gì đó cho ra vẻ Giáng sinh.

Và với riêng Đà Lạt, kể từ ngày 23 tháng 12 thì càng da diết hơn với ‘Thành phố buồn’ ở mỗi lúc người ta nhắc nhớ nhạc sĩ Lam Phương.

Giai thoại kể lại, năm 1970, Lam Phương đến Đà Lạt, cảm xúc chợt đến và ông viết ‘Thành phố buồn’ như một sự thôi thúc trong tâm tưởng. Ca khúc không hề cầu kỳ, hoa mỹ trong khúc thức hay hòa âm, mà chỉ được viết lên rất chân phương với giai điệu Slow Rock chậm buồn đặc trưng của Boléro miền Nam thời đó, nội dung kể về mối tình dang dở của ông với một giai nhân ông đã từng yêu tha thiết, ca sĩ Hạnh Dung.

Thành phố buồn, lắm tơ vương

Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn

và con đường ngày xưa lá đổ

Giờ không em sỏi đá u buồn

Giờ không em hoang vắng phố phường

Tiếng chuông chiều chầm chậm thê lương

Tiễn đưa người quên núi đồi,

quên cả tình yêu…”.

Bài hát không có từ nào nhắc đến Đà Lạt, mà chỉ bằng hình ảnh lãng đãng khói sương, đường quanh co quyện gốc thông già, hay con đường ngày xưa lá đổ… mà khói sương Đà Lạt được gọi về thật nhiều trong tâm tưởng người nghe. Tất cả hình ảnh đó được dùng để kể câu chuyện đúng phong cách Lam Phương: Lồng vào một chuyện tình tan vỡ – mô típ nhạc tình buồn của dòng bolero bình dân thịnh hành thời điểm này!

Người ta bắt gặp sự đồng cảm khi nghe ‘Thành phố buồn’ có lẽ vì khung cảnh Đà Lạt là thiên đường cho tình yêu, là tìm chốn êm đềm. Để rồi cũng chính đô thị khói sương ấy lại khắc khoải buồn trong bức tranh tiễn biệt.

Tôi còn nhớ hồi vừa “giải phóng”, khi ấy bà ngoại của tôi sau khi bị “đấu tố” vì là gia đình tư sản với hai hãng dệt – 14 căn phố, bà đã chép miệng nói với mấy đứa cháu đại ý rằng, quả là điềm báo khi trên tivi cứ phát bài ‘Thành phố buồn’ do Chế Linh hát buồn quá, nên tới năm 1975 ‘mình mất nước’.

Thật ra thì bà ngoại nghe bài này khi bà coi thoại kịch của Ban Kịch sống Túy Hồng, vở “Phi vụ cuối cùng”, nói về binh chủng Không quân, và nghệ sĩ kịch Túy Hồng đã đưa ca khúc ‘Thành phố buồn’ vào đây. Nghệ sĩ Túy Hồng chính là người vợ đầu tiên của nhạc sĩ Lam Phương.

Người ta nói rằng, một trong những giai đoạn hạnh phúc nhất đời Lam Phương, chính là cuộc sống hôn nhân với Túy Hồng. Đôi vợ chồng có tất cả những gì mà người đời mơ ước: danh vọng, tiền tài, sự nổi tiếng và cả cuộc sống yên bình bên con thơ…

Nhiều năm trôi qua, ‘Thành phố buồn’ đã không chỉ còn là một ca khúc viết riêng cho Đà Lạt hay cho mối tình của Lam Phương, mà đã được khái quát trở thành những giai điệu của nhớ nhung day dứt, mà chỉ cần vang lên, người nghe đã thấy dâng trào những niềm thương cảm vô bờ.

Một mùa Giáng sinh lại về!

***

[ads_color_box color_background=”#dedede” color_text=”#444″]

Nhạc sĩ Lam Phương sinh ngày 20-3-1937 tại Rạch Giá, Kiên Giang.

Năm 1947, ông đặt chân đến Sài Gòn và sau đó được người bác thứ tư cho đi học nhạc.

Năm 1952, ông công bố bản nhạc đầu tay Chiều thu ấy. Đến năm 1954, ông bắt đầu có tên tuổi với hai bài hát Kiếp nghèo và Chuyến đò vỹ tuyến.

Năm 1958, ông gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hòa và có nhiều sáng tác về người lính. Đến năm 1959 thì lập gia đình với nghệ sĩ kịch Túy Hồng.

Năm 1960, ông bắt đầu chuyển hướng viết tình ca với Tình bơ vơ, Duyên kiếp, Em là tất cả… và trở thành một nhạc sĩ thành đạt; bắt đầu có cuộc sống khá giả về tài chính.

Năm 1963, ông là một trong những nhạc sĩ ăn khách bậc nhất miền Nam.

Năm 1965 – 1968, ông cùng nghệ sĩ Túy Hồng gầy dựng Ban Kịch Sống, đạt đến lên đỉnh cao nghệ thuật đại chúng trong sinh hoạt nghệ thuật Sài Gòn.

Năm 1970, ông sáng tác hàng loạt ca khúc trữ tình như: Thành phố buồn, Biển tình… Riêng Thành phố buồn đem lại thu nhập đến 12 triệu đồng.

Năm 1975, ông lên tàu Trường Xuân sang định cư Mỹ. Từ năm 1975 – 1978, ông làm thuê cho hãng Sears với các công việc lao động tay chân và cùng Túy Hồng dựng lại Ban Kịch Sống.

Năm 1979, ông chia tay Túy Hồng và nhận tin mẹ mất. Năm 1980, ông qua Pháp “tị nạn ái tình” trước mất mát từ tình cảm gia đình. Từ năm 1981 – 1994, ông sống ở Pháp với nhiều nghề từ lao động tay chân đến quản lý nhà hàng và cũng là giai đoạn sáng tác nhiều bản tình ca. Thời gian này, ông cưới người vợ thứ hai là Cẩm Hường.

Năm 1995, ông trở về Mỹ sau cuộc ly hôn lần hai. Từ năm 1996 đến 1998, ông cộng tác âm nhạc với các trung tâm Thúy Nga, Asia và đi lưu diễn ở nhiều nơi từ nước Mỹ đến châu Âu. Tháng 3-1999, ông bị tai biến mạch máu não và phải điều trị nhiều lần, sức khỏe sa sút cho đến ngày mất.

Từ sau năm 1975 đến nay nhạc sĩ Lam Phương chưa trở về Việt Nam.

Đầu những năm 2010, nhạc của nhạc sĩ Lam Phương được nhiều đơn vị trong nước mua bản quyền để xin các cơ quan chức năng cấp phép phổ biến trong nước. Tính đến năm 2020, đã có 120/217 ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương được cấp phép biểu diễn trong nước.

Ngày 19-6-2017, lần đầu tiên một chương trình nhạc Lam Phương có tên là Lam Phương tuyệt phẩm được tổ chức tại Hà Nội. Trong chương trình này, 30 tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Lam Phương được trình diễn trên sân khấu thủ đô nhưng nhạc sĩ không có mặt trực tiếp…

[/ads_color_box]


Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam không được buồn vào mùa thu!

Do Van Tien

VNTB – Mơ về một ngày mai…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo