Kiều Phong (VNTB) – Công an dặn chủ nhiệm khoa rằng sinh viên bất đồng chính kiến là “không tốt”, trường và khoa cần phải “để ý”. Vậy là chủ nhiệm phải gọi sinh viên lên làm việc để định hướng lại tư tưởng.
Những công việc hành chính không tên
Một giảng viên trẻ nhận công tác tại một trường đại học ở Việt Nam lương tháng không quá 5 triệu. Để an tâm nhận số tiền đó, người giảng viên trẻ gần như bắt buộc phải kiêm nhiệm muôn vàn công việc hành chính không liên quan đến chuyên ngành đào tạo.
Trên các giảng đường ở Việt Nam, cách tính lương trả cho giảng viên còn nhiều bất cập, nếu không muốn nói là đã lỗi thời. Nhiều giảng viên phải kiêm luôn những công việc hành chính với mức thù lao tượng trưng, đôi khi là không công.
Xin lấy một ví dụ. Tại hệ thống trường của đại học quốc gia TP.HCM, một giảng viên lĩnh lương tháng cho việc giảng dạy và việc chấm bài thi. Tiếp đó, anh ta phải còn nhập điểm vào hệ thống dữ liệu của trường. Ở những nền giáo dục tiến bộ, công việc này là của nhân viên phòng văn thư, thậm chí có những đại học chỉ thuê nhân viên thời vụ để nhập điểm. Vậy mà ở đại học quốc gia TP.HCM, các giảng viên không hề được nhận thù lao cho việc nhập điểm vào hệ thống. Đây là việc mất rất nhiều thời gian, mất năng lượng khi ngồi lâu trước máy tính, lại hay nhầm lẫn, và không nhất thiết là giảng viên chấm thi thì cũng làm được. Nhưng chẳng thầy cô nào dám đề xuất với lãnh đạo trong các cuộc họp cả. Con người trong chế độ xã hội chủ nghĩa không có quyền tự quyết, cũng ít khi dám đòi hỏi cho quyền đó.
Một công việc hành chính khác, mất thời gian hơn, là việc sắp xếp lịch giảng dạy các môn và lịch sinh hoạt ngoại khóa. Thường các thầy phó trưởng khoa và giáo vụ khoa làm việc này. Tại trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, phòng đào tạo chỉ lên lịch học các môn cho ba học kỳ đầu tiên, tức là ba học kỳ đại cương. Nhưng sang đến học kỳ thứ tư, tức là giai đoạn giảng dạy và học tập chuyên ngành, khoa phải nộp lịch lên cho phòng đào tạo rồi phòng đào tạo đưa lên website. Chú ý rằng các khoa phải tự lên lịch giảng dạy mà không nhận được sự giúp đỡ hiệu quả từ phòng đào tạo, mà phòng này là phòng sở hữu thế mạnh kỹ thuật.
Việc người chấm thi đồng thời là người nhập từng con điểm cho từng sinh viên, nhiều khi sinh viên không được biết kết quả thi học kỳ của mình sớm. Hơn nữa tồn tại độ lệch pha vào điểm của các môn, nghĩa là có môn thì sinh viên được biết điểm thi sớm, có môn thì biết điểm muộn. Do đó, cứ chốc chốc khoảng một buổi sinh viên lại vào Web phòng đào tạo để xem điểm một lần. Không hề có ngày giờ hẹn trước cho việc xem điểm là hiện trạng chung của nhiều trường đại học trên cả nước. Ở những trường yếu về dự trữ kinh phí, điều này càng trầm trọng hơn. Lịch nghỉ tết, lịch nghỉ hè và lịch đi học trở lại, sinh viên không được thông báo sớm để các em sắp xếp đi lại và làm thêm.
Ở Việt Nam, hồ sơ của một sinh viên ngoài điểm học tập các môn còn có điểm rèn luyện. Quản lý rèn luyện là không cần thiết nên không tồn tại ở các nước Âu- Mỹ, ai phạm pháp thì đã có tòa án. Nhưng ở Việt Nam, những giảng viên được đào tạo về ngôn ngữ học nhưng lại phải kiêm công việc kiểm duyệt tư tưởng của sinh viên, và căn cứ vào việc sinh viên đó có tham gia hoạt động ngoại khóa hay không để xếp loại hạnh kiểm là đạt hay không. Chi phí trả công cho giảng viên trong việc này chỉ là mức giá tượng trưng, gần như là không công, nhưng cũng không thể không làm vì trong một khoa ai cũng phải làm một việc gì đó.
Không chỉ chịu áp lực từ lãnh đạo trường, giảng viên phụ trách khoa còn mất rất nhiều thời gian làm việc với các phòng công an. Đầu năm học, trưởng cử khoa đi họp và quán triệt về an ninh, quốc phòng. Khi trong khoa có sinh viên bất đồng chính kiến, ngành công an cử đại diện một số phòng đến làm việc với hiệu trưởng, hiệu trưởng lại đẩy xuống cho khoa. Công an dặn chủ nhiệm khoa rằng sinh viên bất đồng chính kiến là “không tốt”, trường và khoa cần phải “để ý”. Vậy là chủ nhiệm phải gọi sinh viên lên làm việc để định hướng lại tư tưởng.
Công việc chen ngang quá nhiều
Những công việc hành chính tương tự không kịp thực hiện trên thư điện tử ( email), những người có liên quan phải gọi điện cho nhau mỗi lúc có thay đổi nhỏ. Không thiếu trường hợp điện thoại của các giáo sư vang lên trong lúc những ông này đang giảng bài. Không thể không nghe máy, vì đó là điện thoại của lãnh đạo trường, lãnh đạo viện… Giảng đường có sự thiêng liêng của giảng đường, và sự thiêng liêng này cần phải được cả sinh viên và giảng viên cùng gìn giữ. Cũng có những giảng viên không bao giờ bật điện thoại trong giờ giảng, nhưng những người thầy như vậy không được lòng cấp trên.
Các trường đại học ở Việt Nam, nhất là các trường khối ngành xã hội, có quan hệ ràng buộc với các ban ngành của chính quyền, và ràng buộc với các viện nghiên cứu, các hội đoàn của chính phủ. Quanh năm có vô số hội thảo được tổ chức, mà hội thảo nào cũng cần sự có mặt của đại diện trường đại học để gây uy tín. Có những seminar của giảng viên ngành xã hội nhưng buộc các giảng viên ngành kinh tế hay toán học phải đến theo dõi.
Tiến sĩ Lê Quang Trường giảng dạy Hán – Nôm tại nhiều trường đào tạo ngành văn học từng chia sẻ bức xúc với các sinh viên về văn hóa tổ chức hội thảo. Ông so sánh giữa phương Tây nơi người tham dự hội thảo là tự nguyện và phải đóng phí với Việt Nam nơi giảng viên bắt buộc phải đi dự hội thảo miễn phí. Nghịch lý này tồn tại cho đến ngày hôm nay và chưa hề có dấu hiệu thay đổi.
Thành ra thi thoảng thầy cô phải sửa lịch rồi cho lớp nghỉ để đi dự hội thảo. Nhưng việc báo tin nghỉ tiết cho sinh viên không phải lúc nào cũng kịp thời. Chỉ còn hai ngày nữa, đôi khi chỉ là mười mấy tiếng trước khi đến giờ học thì giảng viên mới báo cho lớp trưởng. Lớp trưởng thông báo trên facebook rằng ngày mai thầy cho lớp nghỉ vì có việc bận. Một nữ sinh viên không vào facebook lớp trong ngày hôm trước, ngày hôm sau đương nhiên chị này vẫn phải lặn lội hàng chục cây số đến trường, đến nơi mới biết là không học.
Quản lý hành chính, bất cập đến bao giờ?
Sức ì của hệ thống không cho phép nâng cấp hệ thống. Quản lý hành chính trong các trường đại học ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Làm thế nào để thay đổi văn hóa hành chính trong trường đại học, ngõ hầu giảm khối lượng công việc không cần thiết cho giảng viên? Người ta cũng đã bàn, nhưng hội nghị các hiệu trưởng đại học chưa bao giờ đi đến một sự thống nhất. Lãnh đạo công đoàn giảng viên trong các trường đại học lại càng ngồi im, vì đây không phải là công đoàn độc lập nên không có quyền tự chủ.
Lãnh đạo của giảng viên có thể mong muốn tiếp tục như vậy. Minh chứng rõ ràng nhất là scandal tại trường đại học Công nghệ thực phẩm TP.HCM, khi ông hiệu trưởng Đặng Vũ Ngoạn lương cơ bản 13 triệu đồng/ tháng nhưng lại sở hữu bảng lương tháng 12/2013 lên đến 182 triệu đồng. Việc hành chính của hiệu trưởng lương cao vì chức vụ này có thể xoay sở để đề tên cho công việc của mình. Công việc hành chính của giảng viên bình thường thì lương rất thấp, và sẽ mãi mãi không có tên. Trường hợp này thường rơi vào những giảng viên trẻ, không có vai vế trong trường.
Mỗi một thầy cô giáo phải là một tấm gương sáng về tự học và sáng tạo. Ai cũng thấy điều đó là đúng. Nhưng nếu phải tiếp tục kiêm quá nhiều việc hành chính như bây giờ, quả thực giảng viên sẽ không có thời gian để nghiên cứu và sáng tạo.
Không có phát minh, không bằng sáng chế, đất nước không thể phát triển.