Đỗ Văn Phúc
Tôi không nhớ có bao nhiêu lần trong cuốn sách Chuyện Dài Chữ Nghĩa mà tôi cố thuyết phục việc sử dụng các tĩnh từ (hay mạo từ, động từ …) cho thích ứng với từng chủ từ mà nó bổ nghĩa hay tùy từng trường hợp tinh tế khác nhau.
Vừa rồi, chúng tôi nhận được một điện thư của một anh bạn ở tận Washington DC bào chữa cho việc dùng tĩnh từ “đẹp” khi khen một giọng hát hay. Đây là một phần nội dung điện thư đó:
Trích:
Tôi vừa tham gia lên tiếng bênh vực một người em khi cô ấy khen ngợi ba ca sĩ “có gịong hát ̣đẹp” sau khi họ trình diễn một bài hợp ca. Cô đã bị vài vị tiền bối chỉ trích , thiếu điều đòi cắt đi lời phê bình này chỉ vì lí do trong nước đã dùng rồi, đó là ngôn ngữ “Việt Cộng” !
Tôi đưa ra hai luận điểm
– Trong lãnh vực VHNT ( văn hóa nghệ thuật ) có phải chúng ta đều đi tìm , hay hướng tới đỉnh cao của nó là đạt tới CHÂN, THIỆN , MỸ ? ở đây thay vì phải nói những giọng ca hay, tuyệt vời , cao vút , lảnh lót , trầm bổng , v.v. chỉ dùng một chữ ĐẸP là diễn tả tất cả những điều muốn nói thì tại sao không ?
– Nếu qúy anh nói là từ VC thì xin qúy anh cho biết quan chức VC nào sáng chế ra chữ đó , văn bản nào của chính quyền trong nước ,chỉ thị cách dùng này ? Nếu không thì có nghĩa là quý anh căn cứ hay nghe những người làm Show Biz ở trong nước họ dùng, điều này mặc nhiên quý anh kết luận những anh chị em làm Show Biz trong nước là VC ?
Hết trích
Tôi không hiểu có phải người ta đã dịch câu khen theo cách nói của người Mỹ “A Beautiful Voice” một cách máy móc là “giọng ca đẹp” hay không! Theo tôi, một người dịch giỏi là người biết chuyển cái văn phong, ngôn ngữ nước này qua ngôn ngữ nước kia sao cho hợp với văn phong, phong tục, hoàn cảnh chứ không phải dịch kiểu “mot à mot” hay kiểu Google mà hiện nay rất nhiều người dùng để khi đọc, phải vận dụng hết trí óc mới tạm hiểu được. A beautiful voice có thể dịch là “giọng ca hay” hay cao hơn là “giọng ca tuyệt vời”…
Một ông bạn khác cũng ở DC, khi bình phẩm vấn đề này có góp ý rằng: “Chúng ta có năm giác quan; mỗi giác quan được ghép với một vài tĩnh từ khác nhau. Không thể ghép bừa bãi.” Ví dụ:
Những thứ nhìn thấy bằng mắt thì: đẹp, xấu, hay xinh,…
Những thứ nghe bằng tai thì: hay, dở, nhức óc, êm tai…
Những thứ nếm bằng lưỡi thì: ngon, dở, chua, ngọt…
Những thứ sờ bằng tay thì: êm ái, mịn màng, trơn tru, nhám nhúa…
Những thứ ngửi bằng mũi thì: thơm hay thúi…
Tốt/ xấu là nói về phẩm chất; đẹp/ xấu là nói về hình thức. Khi nói chai nước mắm tốt là khen nó được làm đúng tiêu chuẩn, ngon miệng; nhưng khi nói chai nước mắm đẹp là nói hình dạng cái chai, nhãn hiệu in màu sắc đẹp. Khi nói một người đẹp là nói về vóc dáng, khuôn mặt; còn muốn nói về phẩm cách thì phải dùng chữ tốt.
Đôi khi, người ta dùng chữ “đẹp” để cụ thể hoá những khái niệm trừu tượng. Ví dụ: Mối tình đẹp, giấc mơ đẹp, sống đẹp…
Nếu cho rằng “chữ ‘đẹp’ là diễn tả tất cả những điều muốn nói” thì liệu chúng ta có thể viết hay nói rằng:
“Ly cà phê đẹp” thay cho “ly cà phê ngon”; “Mùi nước hoa đẹp” thay vì “mùi nước hoa thơm”; “Ông ấy nói đẹp quá” thay cho “ông ấy nói hay quá.” Được không thưa quý vị.
Nếu cứ lý luận rằng ai cũng có tự do dùng chữ, không có luật lệ nào bắt ai theo một cách nào cả; thì liệu chúng ta có thể nghe lọt tai nhưng câu: “ca sĩ Thái Thanh hát xinh quá.” “Bản hợp xướng này nghe tốt lắm.” Và xin thưa, có luật lệ đấy. Đó là những môn học chính tả, văn phạm mà chúng ta học từ bậc tiểu học lên tới đại học. Ngoài ra, còn những luật lệ bất thành văn hay là các dùng quen thuộc và đã được chấp nhận trong văn học đại chúng cũng như bác học.
Các tĩnh từ về Chân (đúng), Thiện (tốt) và Mỹ (đẹp) phải dùng đúng chỗ, không thể dùng lẫn lộn như ý kiến trong phần thư trích dẫn trên.
Về luận điểm thứ hai của anh bạn này thì xin miễn bàn vì không ai nói rằng VC sáng chế ra các chữ đó, mà chỉ nói chúng phát xuất từ nước Việt Nam Cộng Sản. Và cũng không ai ngây thơ gán cho những người sử dụng các chữ đó là Việt Cộng cả.
Đến đây chợt nhớ câu ngạn ngữ xưa của Ý “Traduttore, traditore”, tạm dich là “người phiên dịch, kẻ phản bội”
Trên báo VNExpress ngày 15 tháng 10, 2021 có đăng bản tin về việc cô Jennifer Gates kết hôn với một anh đua ngựa. Tác giả đã dùng tựa đề “Con gái ‘ngậm thìa vàng’ của tỷ phú Bill Gates.” Không biết có bao nhiêu người Việt Nam hiểu ý nghĩa của tựa đề này!
Tây Phương có thành ngữ “Born with a silver spoon in his mouth” (Sinh ra với chiếc muỗng bạc trong miệng) để chỉ những người sinh ra trong gia đình giàu có vì ngày xưa chỉ có giai cấp này mới sử dụng dao muỗng làm bằng bạc. Dân thường chỉ có đồ gỗ hay đồ sắt mà thôi. Người dịch giỏi sẽ không dịch sát từng chữ mà phải có thể dịch “sinh ra trong gia đình giàu sang” hoặc hay nhất là “đẻ bọc điều,” một thành ngữ Việt Nam mà ai cũng biết.
Ông tác giả bài báo đã chơi trội khi anh ta đã sửa chữ “bạc” (silver) thành chữ “vàng” vì có lẽ anh quan niệm thìa bạc chưa đủ để nói hết cái sang giàu!
Khi còn trong trại tù A-20 đầu thập niên 1980, chúng tôi có lần mượn từ thư viện trại cuốn sách tựa đề Vật Lý Đại Chúng do Ủy Ban Khoa Học Nhà Nước phát hành để xem giết thì giờ vì tưởng rằng những vấn đề trong sách là ở tầm mức đại chúng như tựa đề sách đã ghi. Đâu ngờ khi mở ra mới thấy các phần về nghiên cứu thiên thạch, hố đen, ngân hà… là những lãnh vực cao cấp mà ở Mỹ, chỉ dạy trong môn Modern Physics (một trong những môn khó nhất) vào năm chót chương trình kỹ sư. Hoá ra những trí thức trong cái gọi là Ủy Ban Khoa Học của Việt nam Cộng Sản đã hiểu chữ “universal” trong tựa đề Anh ngữ Universal Physics (Vật Lý Vũ Trụ) theo nghĩa thông thường là “đại chúng.”
Cũng trong sách nói trên, ở chương nói về thiên thạch (meteorite), họ đã dịch chữ “The Indians living in Colorado” là “người Ấn Độ ở bang Colorado!”
Trong cuốn Tự Điển Anh Việt (phát hành những năm cuối 1970s), họ đã dịch chữ “Ladies” là nhà cầu dành cho phụ nữ; “Gentlemen” là nhà cầu dành cho đàn ông!
Câu “He didn’t make it” trong cách nói thường ở Mỹ là “anh ta không sống được,” nhưng rất nhiều lần chúng tôi thấy bên Việt Nam họ dịch thẳng là “anh ta không làm điều đó.” Đúng là dịch vật, phải không thưa quý vị?
1 comment
TAO LAO van hoan TAO LAO