Nguyễn Nhân
(VNTB) – Những tổ chức, những người thuộc con dân (có gốc) VNCH mà dùng cái cớ là “không làm chính trị” hay “phi chính trị” để tránh né Cờ Vàng hay chối bỏ lá Cờ Vàng thì chẳng khác gì chối bỏ nguồn gốc (thường bị gọi là “đồ mất gốc”), tỏ ra bất kính đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên của chính mình.
1. Thrive 2025
Buổi lễ Kỷ Niệm 50 Năm Người Tị Nạn Việt Nam tại Úc (Thrive 2025) do Hội Phụ Nữ Việt Úc (Australian Vietnamese Women’s Association – AVWA) đứng ra tổ chức với sự hỗ trợ của Chính Phủ Tiểu Bang Victoria và Hội Đồng Cựu Chiến Binh Victoria để “đánh dấu 50 năm định cư của người Việt tại Úc, tôn vinh sự kiên cường và thành tựu của cộng đồng chúng ta, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với các Cựu Chiến Binh và nước Úc.” Buổi lễ diễn ra vào Thứ Bảy, ngày 1 tháng 3 năm 2025, tại Viện Bảo Tàng Cựu Chiến Binh Việt Nam ở đảo Phillip, cách thành phố Melbourne khoảng 150km.
Để chào đón các quan khách, các em Hướng Đạo Sinh Hoa Lư đã lập một hàng rào danh dự với những gương mặt tươi cười, hồn nhiên và đã được mọi người đón nhận với những ánh mắt trìu mến, những lời hỏi han thân tình và đôi khi với những bàn tay “High Five”.
Buổi lễ có sự tham dự đông đảo của các chính trị gia lưỡng đảng các cấp, các Cựu Chiến Binh Úc, các vị lãnh đạo, các thân hào nhân sĩ trong cộng đồng, và sự hiện diện của Đại Tướng (về hưu), Cựu Toàn Quyền Úc, Ngài Peter Cosgrove cùng Phu Nhân (General the Honourable Sir Peter Cosgrove and Lady Lynne Cosgrove) là một vinh dự lớn lao cho Ban Tổ Chức.
Qua buổi Lễ Kỷ Niệm 50 Năm Người Tị Nạn Việt Nam tại Úc (Thrive 2025), BTC đã tạo cơ hội cho các diễn giả gốc Việt (cũng là tiếng nói chung cho cộng đồng Người Việt) chia sẻ những kinh nghiệm hải hùng của các cuộc hành trình vượt biên vượt biển thập tử nhất sinh; và kế đến là những bước đầu khó khăn trong việc hội nhập vào cộng đồng đa văn hoá Úc Châu, xây dựng lại một cuộc sống mới, vượt qua bao khó khăn để thăng tiến và thành công trên miền đất hứa. Sau cùng là bày tỏ lòng biết ơn đối với sự đón nhận, cưu mang của đất nước Úc, và thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa bằng những đóng góp tích cực cho xã hội – sống theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Phần văn nghệ phụ diễn ngắn gọn và xuất sắc!
Màn hoạt cảnh về truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên” (huyền thoại Lạc Long và Âu Cơ lấy nhau sinh ra một bọc 100 trứng nở ra 100 người con) do các em nhỏ trình diễn rất dễ thương. Tuy nhiên phần Lạc Long Quân đâm chém, đánh nhau với quái vật hơi “bạo lực”, nên cắt bỏ (hoặc làm giảm bớt cường độ bạo lực), vì đó là một hình ảnh không những không tốt đẹp trong một màn trình diễn của trẻ em mà còn có thể để lại một ấn tượng không tốt trong lòng các quan khách nhất là quan khách không phải gốc Việt.
Một chương trình thật có ý nghĩa, ngoài ra BTC còn tỏ rất chu đáo trong việc chuyên chở, tiếp đón và phục vụ quan khách và đồng bào.
Một số hình ảnh về buổi Thrive 2025:
https://photos.app.goo.gl/gXX8bjn8Gc1jC6pQ7
2. Ông Phụng Mai lên tiếng
Ông Phụng Mai tuy không thường xuyên tham dự các sinh hoạt trong cộng đồng nhưng luôn theo dõi và, trong trường hợp này, đã kịp thời lên tiếng về 2 sự việc:
– “Trước khi chiếu hình ảnh ngày lễ này thì đài số 7 đã cho lá cờ cộng sản to tướng hiện lên, với lời giới thiệu “cộng đồng người Việt ăn mừng 50 năm định cư tại Úc.””;
– “Được biết trong thời gian chuẩn bị cho ngày lễ này, người đứng đầu tổ chức Hướng Đạo không cho các em tham gia mang theo cờ vàng, ông giải thích vì đây là buổi Celebration 50 năm người VN định cư, vì là lễ mừng 50 năm nên không được mang cờ vì nó phản ảnh quan điểm chính [trị]. Trong buổi lễ có một người đàn ông đeo khăn huy hiệu cờ vàng đến tham dự thì người trong Hội Phụ Nữ là cô giáo Thảo Hà đến yêu cầu ông cởi bỏ huy hiệu cờ vàng ba sọc đỏ, biểu tượng của người VN tỵ nạn CS.”
Có lẽ việc “đài số 7 đã cho lá cờ cộng sản to tướng hiện lên” là một sự lầm lẫn vô tình (honest mistake) vì sau đó ông Phụng Mai đã cho biết “khoảng 24Hr thì đài số 7 đã xóa đoạn tường trình này trên youtube”.
Sự lầm lẫn về lá cờ đã xảy ra nhiều lần và sẽ còn tiếp tục xảy ra, một phần cũng là lỗi của Người Việt tỵ nạn CS chúng ta. Chúng ta đã không có một đội ngũ thiện nguyện hay những cá nhân quan tâm đến cái căn cước tỵ nạn, sốt sắng, mạnh dạn và có khả năng ngoại giao đi tiếp xúc hoặc khi có cơ hội thì sẵn sàng nói chuyện về nguồn gốc và ý nghĩa lá Cờ Vàng (căn cước của Người Việt Tỵ Nạn CS) với các cơ quan truyền thông, các cơ sở giáo dục,… hay trong các buổi hội họp, sinh hoạt quần chúng.
Vì đa số vẫn còn rất mù mờ về lá cờ biểu tượng cho cộng đồng Người Việt và để tránh những sự lầm lẫn đáng tiếc về lá cờ khi tìm kiếm bằng Google cho nên những người Úc gốc Việt khi được mời lên phát biểu, nói chuyện trước mặt một cử tọa đông đảo người Úc, trong bất cứ một buổi lễ, một buổi sinh hoạt nào, thì phải nhân cơ hội này nên nói sơ về lá Cờ Vàng là căn cước của cộng đồng Người Việt tỵ nạn để giúp cho họ biết, nhớ và phân biệt (về ý nghĩa) giữa 2 lá cờ đỏ và vàng.
3. Ban Tổ Chức hồi đáp
Việc BTC Thrive 2025 đã mau mắn có một văn thư chính thức trả lời và giải thích về 2 sự việc mà ông Phùng Mai nêu lên là một hành động đúng đắn, rõ ràng và mang tính chuyên môn (professional) của bất cứ một tổ chức nào dù là của tư nhân, cộng đồng hay chính phủ. Chính sự lên tiếng của BTC để làm sáng tỏ sự việc đã chận đứng và xóa tan đi những lời bàn ra tán vào dựa trên sự suy diễn và cảm tính của cá nhân. Nếu không có sự lên tiếng chính thức của BTC thì những sự suy diễn và cảm tính của cá nhân bên ngoài chỉ làm cho cộng đồng thêm rối rắm.
Một tổ chức mà cứ tránh né, phớt lờ, làm thinh không chính thức lên tiếng giải đáp những thắc mắc và giải quyết các vấn đề quan trọng là coi thường đồng bào, làm cho đồng bào bất mãn, chán nản, xa lánh và không hợp tác. Do đó, có tạo dựng được niềm tin ở đồng bào và có nhận được sự hỗ trợ của đồng bào hay không là tùy vào tính cách làm việc đúng đắn, thẳng thắn, trong sáng và có hiệu quả của một tổ chức.
Về sự lầm lẫn lá cờ của Đài Truyền Hình Số 7 thì BTC cho biết: “Việc Đài Số 7 dùng cờ đỏ trong vòng vài giây đầu của bản tin về Thrive 2025 là lỗi của nhóm kỹ thuật – Đài Số 7 đã xin lỗi hai lần và sửa lỗi ngay lập tức.”
Còn về việc – “Yêu cầu cởi bỏ huy hiệu cờ vàng ba sọc đỏ, biểu tượng của người VN tỵ nạn CS” thì BTC đã giải thích như sau:
“Về việc chị Thảo Hà có chuyển ý nhờ một vị khách cất khăn choàng cờ vàng: Phu Nhân của Sáng Lập Viên kiêm Chủ Tịch NVVM đã yêu cầu chị Thảo nhắc nhở vài khách có mang khăn choàng Cờ Vàng nên cất nó đi, vì cựu Tổng Toàn Quyền Tướng Peter Cosgrove muốn sự kiện này không mang màu cờ nào cả. Chị Thảo chỉ là “lính”, chuyển lời, chứ chị Thảo hoàn toàn không phải là người quyết định.”
Như vậy là mọi việc đã được làm sáng tỏ.
Tuy nhiên, sau này được cho biết là việc ngăn cấm lá Cờ Vàng và hình ảnh Cờ Vàng (yêu cầu không được mang trên người bất cứ những thứ gì có màu sắc Cờ Vàng hay hình Cờ Vàng) đã được đưa ra trong các buổi họp bàn thảo của BTC.
Nếu đúng như vậy thì không thể nói là BTC không biết trước điều này. Và việc “Phu Nhân của Sáng Lập Viên kiêm Chủ Tịch NVVM đã yêu cầu chị Thảo nhắc nhở vài khách có mang khăn choàng Cờ Vàng nên cất nó đi” không phải là một sự ngẫu nhiên. Vậy thì tại sao BTC lại không “can đảm” đưa sự “yêu cầu” này vào trong lá thư mời? Đây là một câu hỏi mà BTC không cần phải trả lời hay “thanh minh thanh nga” vì ai ai cũng đã có câu trả lời trong đầu rồi!
Nếu sự “yêu cầu” này được đưa vào trong lá thư mời thì chắc chắn BTC sẽ gặp phải sự phẫn nộ và tẩy chay của cộng đồng và dĩ nhiên số người tham dự sẽ rất ít ngoại trừ những người trong BTC, các chính trị gia, các quan khách được mời lên phát biểu. Có nghĩa là buổi Thrive 2025 sẽ không thành công như mong đợi.
4. Lá Cờ Vàng
Một buổi Lễ Kỷ Niệm 50 Năm Người Tị Nạn Việt Nam tại Úc mà lại không có lá cờ biểu tượng cho cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn thì chẳng khác gì làm lễ thượng kỳ mà không có cờ.
Xin nhớ rằng Cờ Vàng đã được các Hội Đồng Thành Phố biểu quyết chính thức công nhận là biểu tượng (căn cước) cho cộng đồng Người Việt. Và Hội Đồng Thành Phố là một cơ chế do Chính Quyền Tiểu Bang lập ra để đi sát và phục vụ người dân ở cấp địa phương. Hội Đồng Thành Phố vừa có quyền “lập pháp” (làm ra luật) lại vừa có quyền “hành pháp” (thi hành luật) trong giới hạn địa hạt của thành phố miễn sao không đi ngược lại luật pháp của Tiểu Bang. Do đó việc gạt bỏ, ngăn cấm Cờ Vàng là một hành vi sai trái, vi phạm quyền tự do ngôn luận (freedom of expression).
Ngoài ra hầu như tất cả các hội đoàn, đoàn thể, các cộng đồng sắc tộc, các công ty thương mại, sản xuất … đều có một lá cờ riêng dùng làm biểu tượng và không (cần) có sự công nhận của chính quyền nhưng lại không bị đối xử phân biệt như lá Cờ Vàng.
Trong cái Thông Cáo Báo Chí (Media Release: AVWA Marks 50 Years of Vietnamese Australian Refugees with Successful Thrive 2025 Celebration) đăng trên website AVWA (https://www.avwa.org.au/en/news-events/media-release-avwa-marks-50-years-of-vietnamese-australian-refugees-with-successful-thrive-2025-celebration) có câu:
“Held at the National Vietnam Veterans Museum on Phillip Island, the event brought together community members, veterans, and distinguished guests to honour the sacrifices of Australian Veterans and celebrate the vibrant multicultural fabric that unites us all.”
Úc Châu là một nước có chính sách đa văn hoá, luôn luôn ủng hộ, kêu gọi, đẩy mạnh việc hội nhập (integration) vào xã hội Úc (wider community) và ca tụng, đón mừng (celebrate) sự hài hòa (harmony), kết nối (connection), đoàn kết (unity), văn hoá đa dạng (cultural diversity) của các cộng đồng sắc tộc vậy mà lại gạt bỏ Cờ Vàng – căn cước của cộng đồng Người Việt, là nghĩa làm sao? Phải chăng những lời nói ấy chỉ là sáo ngữ, giả dối, đạo đức giả (hypocrisy)?
Việc gạt bỏ, ngăn cấm không cho mang trên người tất cả những thứ gì có màu sắc Cờ Vàng hay hình Cờ Vàng có nghĩa là nón, mũ, nơ, huy hiệu, cà-vạt, khăn choàng, áo,… và kể cả các huy chương mà các cựu Chiến Binh Úc đã được ân thưởng vì sự hy sinh, vì tinh thần chiến đấu và phục vụ trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Nếu thực sự như vậy thì đó là một sự sỉ nhục, một sự phản bội đối với các Cựu Chiến Binh Úc và gia đình, người thân của họ.
Có một điều thật vô lý, ngăn cấm Cờ Vàng mà buổi Thrive 2025 lại được tổ chức tại Viện Bảo Tàng Cựu Chiến Binh Việt Nam (Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Việt Nam) là nơi được trưng bày nhiều Cờ Vàng. Cờ Vàng không chỉ được trưng bày bên trong mà có lúc còn được trang trọng kéo lên trên một cột cờ bên ngoài.
Một số hình ảnh về Viện Bảo Tàng Cựu Chiến Binh Việt Nam –
https://photos.app.goo.gl/cfntCdbhjGgoCeneA
Tuy nhiên hôm ấy nhiều người vẫn tự nhiên mang trên người những vật có màu Cờ Vàng hay hình Cờ Vàng để hãnh diện về nguồn gốc tỵ nạn của mình hay để bày tỏ sự tôn trọng đối với cái căn cước của cộng đồng Người Việt, đối với các vị Cựu Chiến Binh. Ngoài ra cái logo, cái banner của Thrive 2025 và trên cái giỏ biếu không (freebies) cho đồng bào của AVWA cũng có màu Cờ Vàng mà không thấy ai nói năng gì cả?
Dưới đây là tóm lược về những cái mốc lịch sử đã dẫn đến sự “ra đời” cái căn cước của Người Việt Tỵ Nạn CS:
– Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước Việt Nam thành 2 quốc gia độc lập, được thế giới công nhận, lấy vĩ tuyến 17 làm đường ranh giới: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (bắc vĩ tuyến 17, theo chế độ cộng sản [CS Bắc Việt], cờ đỏ) và Việt Nam Cộng Hòa (nam vĩ tuyến 17, có thể chế tự do dân chủ [Miền Nam Tự Do], Cờ Vàng);
– Ngay sau khi Hiệp Định Genève được ký kết CS Bắc Việt đã có thâm ý đưa quân xâm nhập đánh chiếm Miền Nam Việt Nam và đến năm 1960 thì CS Bắc Việt đã công khai phát động chiến tranh, cương quyết chiếm trọn Miền Nam Việt Nam.
– CS Bắc Việt vi phạm Hiệp Định Paris 1973 (Hiệp Định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình cho Việt Nam), tiếp tục mở rộng cuộc chiến và đã chiếm trọn Miền Nam Việt Nam Tự Do vào ngày 30/04/1975. Cuộc chiến tương tàn kéo dài 20 năm (1954 – 1975) với con số thương vong trên dưới 3 triệu người của cả 2 bên;
– Sau ngày 30/04/1975, hàng triệu Người Việt trong đó cả người Miền Bắc đã phải trốn chạy chế độ CS đi tìm tự do bằng đường bộ và đường biển với cái giá rất đắt là đã có trên dưới 500 000 người tử nạn ngoài biển khơi hay trên rừng sâu;
– Từ đó lá Cờ Vàng đã trở thành biểu tượng (căn cước) của Người Việt Tỵ Nạn CS (Người Việt Tự Do) là niềm hãnh điện nhưng cũng là nỗi đau khôn nguôi của Người Việt Tỵ Nạn CS. Cho nên bất cứ một sự lầm lẫn nào về lá cờ hay bất cứ một hành vi nào thiếu sự tôn trọng (lack of respect) đối với lá Cờ Vàng thì đó là một hình thức xát muối vào vết thương (rubbing salt in the wound) không bao giờ lành của cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn CS.
5. “Hồn ma” và “Di ảnh”
Xin hãy hình dung thể chế VNCH như là những người thân trong gia đình đã khuất và lá Cờ Vàng là di ảnh của những người quá cố được dùng để thờ cúng và cũng là biểu tượng cho sự tôn kính và tiếc thương.
Như vậy VNCH nay chỉ là một hồn ma và lá Cờ Vàng là di ảnh của hồn ma.
Là một hồn ma (vô hình) và một di ảnh (vô tri vô giác) nhưng lại có một sức mạnh vô song làm cho nhiều người, nhiều tổ chức,… bị dị ứng, tránh né, hằn học, sợ hãi, chống đối, đánh phá, … trong đó có cả các Chùa, Nhà Thờ và, dĩ nhiên, thô bạo nhất là đảng CSVN. Đảng CSVN tự hào là đã từng đánh thắng 3 đế quốc sừng sỏ và đã chiến thắng VNCH nhưng lại sợ ma VNCH, và di ảnh của hồn ma đã trở thành nỗi ám ảnh ngày đêm của đảng CSVN trong suốt 50 năm qua.
Vậy những tổ chức, những người thuộc con dân (có gốc) VNCH mà dùng cái cớ là “không làm chính trị”/ “phi chính trị” để tránh né Cờ Vàng hay chối bỏ lá Cờ Vàng thì chẳng khác gì chối bỏ nguồn gốc (thường bị gọi là “đồ mất gốc”), tỏ ra bất kính đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên của chính mình.
Và những người, những tổ chức “ngoại tộc” (không có gốc VNCH) mà tránh né hay chối bỏ lá Cờ Vàng là thiếu sự tôn trọng, là chối bỏ sự thật, chối bỏ lịch sử vì tuy VNCH không còn nữa nhưng đã từng hiện hữu và sẽ mãi mãi hiện hữu trên các trang sách sử, các tự điển và các tài liệu trên thế giới cùng với một chứng tích mà không một sức mạnh nào có thể xoá bỏ đó là lá Cờ Vàng – “di ảnh” của “hồn ma” VNCH.