Hàn Giang
(VNTB) – Trước quyết định bị tước quốc tịch Việt Nam do Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký mà không rõ lý do tại sao? Giáo sư Phạm Minh Hoàng cho biết hiện tại rất bàng hoàng và phẫn nộ, sẽ làm tất cả để kiện Quyết định này ra Tòa án trên tinh thần còn nước tát để giữ cho bằng được ước vọng được sống và chết tại quê hương Việt Nam….
Giáo sư Phạm Minh Hoàng từng bị bắt và bị xét xử
Trong sự bàng hoàng nó có sự uất hận …!
Quyết định về việc tước quốc tịch Việt Nam của Giáo sư Phạm Minh Hoàng được Chủ tịch nước Việt Nam hiện là ông Trần Đại Quang ký vào ngày 17/05/2017, tuy nhiên mãi đến 19h 15phút ngày 10/06/2017 giáo sư Hoàng mới chính thức nhận được bản giấy quyết định này.
Chia sẻ với Việt Nam Thời Báo, giáo sư Hoàng cho biết, trước giấy quyết định bản thân bị tước quốc tịch Việt Nam ông không bất ngờ vì thông tin này đã được phía Đại sứ quán Pháp có trụ sở tại Hà Nội cho biết trước đó ít ngày vì ngoài quốc tịch Việt Nam thì giáo sư Hoàng còn có quốc tịch Pháp. Không bất ngờ khi chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến nhưng khi cầm tờ quyết định chính thức trên tay, giáo sư Hoàng nói không tránh khỏi bàng hoàng khi đối diện và sẽ phải chấp nhận một thực tế xảy ra đối với bản thân mình kể từ hiện tại. Ông Hoàng nói:
“Tôi đã được thông báo chính thức từ Tổng lãnh sự quán Pháp vào ngày 01/06/2017 rồi, họ đã nói tất cả những gì và tôi cũng đã nêu lên hết trên mạng. Nhà nước Việt Nam qua trung gian của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký vào quyết định tước quốc tịch của tôi vào ngày 17/05/2017, việc này sẽ dẫn đến việc trục xuất đối với tôi. Thực sự mà nói thì tôi cũng không ngạc nhiên lắm đâu nhưng có lẽ nếu anh đặt trường hợp của tôi vào bản thân anh thì cũng hiểu, anh chuẩn bị nhận một cái gì đó, anh chuẩn bị và anh biết là nó sẽ tới mà lúc nó tới anh vẫn còn rất lo lắng, đọc xong anh rất là bàng hoàng đó là cảm nhận của tôi cũng như phía gia đình của tôi. Lúc này tôi sống với tình trạng như thế mặc dù tôi cũng nói mình sẽ phải chấp nhận”
Quyết định tước quốc tịch Việt Nam của Giáo sư Phạm Minh Hoàng được Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký có nội dung như sau:
“…
-Điều 1: Tước quốc tịch Việt Nam đối với Phạm Minh Hoàng, sinh ngày 08/8/1955 tại Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện cư trú tại số 423 Nguyễn Tri Phương, phường 8, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
-Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ nhiệm văn phòng Chủ tịch nước và cá nhân có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. …”
Khi tờ Quyết định được ông Hoàng đăng tải lên các trang mạng xã hội, báo đài và dư luận khắp nơi vào cuộc theo dõi hầu hết đều thắc mắc tại sao một tờ Quyết định liên quan đến cả cuộc đời một công dân, làm ảnh hưởng cả một gia đình, một tổ chức của công dân mà không thấy có nói đến lý do? Việt Nam Thời Báo đặt câu hỏi này với Giáo sư Hoàng thì được câu trả lời cho đến hiện tại chính bản thân giáo sư Hoàng cũng chưa biết lý do tại sao bản thân ông bị Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký vào quyết định tước quốc tịch Việt Nam. Giáo sư Hoàng nói:
“Câu trả lời thì chưa. Tôi đã đưa lên các trang truyền thông, các trang mạng về nội dung quyết định mà ông Trần Đại Quang ký. Tôi cũng đã đọc cái đấy rồi, có lẽ anh và mọi người theo dõi sẽ thấy trong đó ông ấy dựa vào Điều 88 và 91 của Hiến pháp là những điều cho phép Chủ tịch nước làm một số chuyện. Căn cứ vào đây, ông Trần Đại Quang đã tước quốc tịch của tôi nhưng từ đầu đến cuối tôi không thấy ổng nói lý do tại sao ổng tước quốc tịch của tôi cả. Vì vậy, câu trả lời của tôi dành cho anh là cho đến bây giờ tôi cũng chưa biết lý do tại sao mình bị tước cả.”
Vốn là giảng viên của trường Đại học Bách Khoa, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 13/08/2010 giáo sư Phạm Minh Hoàng bị Cơ quan An ninh thành phố Hồ Chí Minh bắt giam với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo khoản 2 Điều 79 Bộ luật hình sự.
Ngày 10/8/2011, Tòa án thành phố Hồ Chí Minh đưa giáo sư Hoàng ra xét sử sơ thẩm và tuyên án 3 năm tù giam.
Ngày 29/11/2011, Tòa án tối cao thành phố Hồ Chí Minh mở phiên xét xử phúc thẩm và tuyên giảm án cho giáo sư Hoàng từ 3 năm xuống còn 17 năm tù giam.
Ngày 13/01/2012, giáo sư Phạm Minh Hoàng được tự do để về với gia đình sau khi đã mãn án tù giam.
Theo Điều 17, Hiến pháp 2013 của Việt Nam hiến định:
1. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam.
2. Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác.
3. Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ”.
Và Điều 31. Căn cứ tước quốc tịch Việt Nam trong luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định:
1. Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Luật này dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
Dựa vào Điều 17 trong Hiến pháp 2013 và Điều 31 luật Quốc tịch 2008, Giáo sư Phạm Minh Hoàng cho rằng bản thân không rằng trong diện quy định của Điều 31 luật Quốc tịch như; ông không phải là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài và cũng không phải là người đã nhập Việt Nam bởi ngay từ khi sinh ra ông vốn đã là người Việt Nam, sinh sống tại Việt Nam. Vì lẽ này nên giáo sư Phạm Minh Hoàng cho biết là ông sẽ kiện ra Tòa án đối với Quyết định tước quốc tịch Việt Nam của ông do Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký vào ngày 17/05/2017 vừa qua. Hiện tại giáo sư Phạm Minh Hoàng đã nhờ đến luật sư để chuẩn bị các thủ tục pháp lý cho vụ kiện:
“Luật sư đã cho tôi xem Điều luật này và tôi cũng đã đọc kỹ Điều luật ấy thì nhận xét của tôi gần như là bàng hoàng tại vì nó rõ quá, nó không phải là cái gì có thể hiểu sai được, nó rất là rõ mà họ có thể làm được điều này. Nhưng mà tôi cũng lập lại là trong quyết định của ông Chủ tịch Trần Đại Quang ký nó hoàn toàn không ghi lý do gì cả. Khổ là tôi hoàn toàn không biết vì lý do gì, trong sự bàng hoàng nó có sự uất hận của mình. Anh chuẩn bị thi hành một việc có thể nói là ảnh hưởng đến cả cuộc đời người ta, cả gia đình người ta ly tán…”
Chia sẻ của giáo sư Phạm Minh Hoàng:
“Anh cũng biết, chúng ta sống trong một đất nước mà ai cũng biết luật pháp, cán cân công lý nằm trong tay người thi hành luật pháp nghĩa là không có sự phân chia. Sống trong một đất nước như thế thì anh cũng phải chấp nhận như thế thôi, ai mà muốn nhưng không còn cách nào hơn. Anh cũng biết, trong đất nước chúng ta một ngày biết bao nhiêu vụ án, có lẽ người ta cũng suy nghĩ như tôi thôi kiện làm cái gì nữa nhưng nếu mình không kiện thì mai mốt người ta bảo anh chấp nhận cái điều ấy à? Mặc dù tôi biết, dựa theo quy định của pháp luật Việt Nam thì Thủ tướng và Chủ tịch nước là hai đối tượng không thể bị ảnh hưởng bởi các vụ kiện hay tạm gọi là quyền bất khả xâm phạm. Giờ đối với trường hợp của tôi, ông Chủ tịch nước ký sai thì tôi kiện cái gì? Tôi không kiện ổng nhưng tôi kiện cái quyết định của ổng.”
Qua Việt Nam Thời Báo, giáo sư Phạm Minh Hoàng cho biết là ông rất mong các cá nhân, các tổ chức đấu tranh vì nhân quyền Việt Nam lên tiếng giúp cho trường hợp của ông. Bản thân ông cũng cho biết mặc dù rất bàng hoàng và phẫn nộ về Quyết định bị tước quốc tịch Việt Nam, phải đụng trạm đến một người như Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhưng sẽ làm tất cả trong tinh thần còn nước còn tát để đạt được ước vọng là sống và chết trên quê hương Việt Nam, nơi có người mẹ, người vợ, đứa con và người anh thương tật cũng như đông đảo bạn bè, những người thân quen khác.
“Cái ước vọng của tôi là được sống và chết trên quê hương, một ước vọng hết sức bình thường vậy mà tôi bị tước bỏ đi mà không hiểu tại sao? Anh có hiểu cho sự phẫn nộ và bàng hoàng của tôi?”
Ngoài ra, Việt Nam Thời Báo còn được biết là giáo sư Phạm Minh Hoàng đã viết thư gửi Đại sứ quán Pháp xin được hủy bỏ quốc tịch Pháp. Hiện không biết nhà nước Pháp quyết định ra sao trước thông tin Chủ tịch nước Việt Nam là ông Trần Đại Quang đã ký quyết định tước quốc tịch Việt Nam của Giáo sư Hoàng. Dù như thế nào thì hiện giáo sư Hoàng đã trở thành người mất quyền cư trú trên đất nước Việt Nam./.