Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hà Nội đang làm gì trong cao vọng “trung tâm hòa giải xung đột quốc tế”?

Trường Sơn

 

(VNTB) – “Việt Nam, trung tâm hòa giải xung đột quốc tế”…

 

Đầu năm 2019, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội, báo chí nhà nước có các tuyến bài đánh bóng Đảng Cộng sản Việt Nam, với cách lập luận như sau: Triều Tiên không chỉ có nền tảng để tăng cường tính kết nối với ASEAN, mà còn có thể dựa trên các kinh nghiệm của chiến lược FTA mà Việt Nam đang thực hiện để tạo bước đệm tham gia vào tiến trình tự do thương mại nói chung của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Với Triều Tiên, Việt Nam cho thấy khả năng kết nối nước này đến các tổ chức khu vực và khả năng truyền tải các biểu tượng tích cực về nguyện vọng hòa bình của Triều Tiên đến dư luận quốc tế.

Sự kiện lần này sẽ là cột mốc về thương hiệu quốc gia khi lần đầu tiên Việt Nam được nhìn nhận như một trung tâm hòa giải xung đột quốc tế hiếm hoi ở Đông Nam Á, giúp phát huy tối đa lợi thế của chủ trương ngoại giao cân bằng mà Việt Nam đang tích cực triển khai. Đây sẽ là tiền lệ để Việt Nam có thể giảm tải cho Singapore trong việc tổ chức các hội nghị hòa giải sắp tới, và tạo dư địa để kiến tạo những kênh đối thoại mới của riêng Việt Nam trong nhánh đối ngoại về quản lý xung đột – một nền tảng giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành “mẫu số chung về ngoại giao” đối với các bên xung đột ở châu Á nói riêng và trên thế giới nói chung.

Với một hội nghị hòa giải có nhiều triển vọng tích cực như vậy, Việt Nam sẽ trở thành đầu mối quan trọng trong việc gắn kết Triều Tiên với ASEAN về sau, góp phần xây dựng một cộng đồng kinh tế Đông Á phồn thịnh không còn di sản nào của Chiến tranh lạnh trên lục địa. Đây là lợi thế lớn nhất giúp kiến tạo môi trường hòa bình cho khu vực, mà Việt Nam cũng như mỗi quốc gia thành viên Đông Á sẽ hưởng lợi rất lớn…

Thực tế thì sau đó với phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam: “lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên”, cho thấy việc “đi tìm mẫu số chung” như tham vọng của Hà Nội ở Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần 2 đã không như kỳ vọng.

Thật ra thì trước khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai diễn ra ở Hà Nội, các cơ quan tình báo Mỹ đã công khai cảnh báo Tổng thống Donald Trump rằng Chủ tịch Triều Tiên sẽ không sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân của mình. Bình Nhưỡng cũng nhiều lần tuyên bố tiến trình phi hạt nhân hóa phải được thực hiện theo từng bước và đồng bộ giữa các bên.

Tin tức cho biết, sau cuộc đàm phán song phương kéo dài tới trưa 28-2-2019, hai lãnh đạo nhanh chóng rời đi mà không cùng ăn trưa và không ký vào bản dự thảo tuyên bố chung đã soạn sẵn.

Tại cuộc họp báo ngay sau đó, ông Trump giải thích rằng đàm phán không đạt kết quả vì phía Triều Tiên đòi Mỹ dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận trước khi họ phá hủy tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Ngoại trưởng Triều Tiên vài giờ sau cũng tổ chức họp báo và bác bỏ tuyên bố của Trump, cho rằng Triều Tiên chỉ yêu cầu được dỡ bỏ 5/11 lệnh cấm vận đang bóp nghẹt nền kinh tế và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Cuộc trao đổi ở cấp cao nhất giữa Trump và Kim vẫn không thể trả lời được câu hỏi lớn nhất: Tiến trình phi hạt nhân hóa chỉ áp dụng đối với riêng Triều Tiên, hay cần được thi hành với cả các lực lượng Mỹ trong khu vực.

Theo các nhà bình luận chính trị quốc tế, thông thường với những cuộc đàm phán quan trọng như vậy, các lãnh đạo thường xích lại gần nhau hơn sau một loạt vòng thương lượng ở cấp thấp, nơi các nhà ngoại giao đã thương thảo và thống nhất những chi tiết quan trọng nhất của thỏa thuận, hay ít nhất là một khung thỏa thuận.

Nhưng điều này dường như không tồn tại trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Hà Nội, nơi những vấn đề phức tạp nhất lại được các quan chức đàm phán hai bên để lại cho hai lãnh đạo quyết định với nhau. Các quan chức cấp cao trong chính quyền Trump như Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo đều cho rằng cơ hội để đạt được một “thỏa thuận lớn” trong hội nghị này gần như bằng không. Một số người đặt câu hỏi liệu cuộc gặp có nên được tiến hành như kế hoạch hay không?

Với lần “chưa thành công” đó của giấc mơ “trung tâm hòa giải xung đột quốc tế”, Hà Nội đang có cơ hội để “tiếp thị” khi mà Chủ tịch Duma quốc gia, Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Victorovich Volodin sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 15 đến 16-10-2023.

Xung đột Israel – Hamas và phương thức hòa giải của Hà Nội ra sao, đó cũng là một phép thử khác cho “tiếp thị” giấc mơ “trung tâm hòa giải xung đột quốc tế” của Đảng Cộng sản Việt Nam.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Hà Nội, vì đâu nên nỗi?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Vạ lây từ việc Nga xâm lược Ukraine

Phan Thanh Hung

VNTB – Khủng hoảng di cư ở Ukraine

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo