VNTB – Hải Dương có chậm ‘đóng cửa’ khi chống dịch Covid-19?

VNTB – Hải Dương có chậm ‘đóng cửa’ khi chống dịch Covid-19?

Mai Lan

(VNTB) – Chưa đầy một tháng, tỉnh Hải Dương đã có trên 600 ca nhiễm Covid-19. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương nói rằng đã không chậm ‘đóng cửa’ khi chống dịch.

 

Trả lời giới truyền thông, ông Phạm Xuân Thăng – bí thư Tỉnh ủy Hải Dương – cho rằng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 mà tỉnh triển khai luôn bám sát phương hướng chỉ đạo của Chính phủ, và đều xin ý kiến của Ban Chỉ đạo trung ương, Bộ Y tế trước khi quyết định.

Về việc có nhiều người dân từ các địa phương khác về Hải Dương dịp nghỉ tết và sau đó từ Hải Dương trở lại làm việc dẫn tới nhiều nơi đang phải vất vả truy vết, xét nghiệm Covid-19 cho những trường hợp này, mà nguyên do là tỉnh Hải Dương không áp dụng sớm biện pháp cách ly xã hội toàn tỉnh, ông Thăng cho rằng vấn đề quyết định phong tỏa, giãn cách xã hội toàn tỉnh phải dựa trên cơ sở khoa học.

Theo góc nhìn được gọi là dựa trên cơ sở khoa học của ông Thăng, thì, “không phải tất cả các nơi ở tỉnh Hải Dương đều là vùng có dịch bị phong tỏa, số bệnh nhân mắc Covid-19 phần lớn liên quan ổ dịch Công ty Poyun, TP Chí Linh mà tỉnh đã ‘khóa chặt’, kiểm soát ngay từ khi phát hiện dịch nên việc áp dụng giãn cách xã hội như thế nào phải dựa trên các yếu tố dịch tễ, khoa học chứ không phải theo cảm tính” – ông Thăng nói.

Lần lại tin tức trên báo chí liên quan từ khóa “Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng”, thấy như sau qua một thống kê của nhà báo Lê Huyền Ái Mỹ, cựu tổng biên tập báo Phụ nữ TP.HCM:

“1 tuần sau khi dịch khởi phát tại Hải Dương, ngày 5/2, ông bí thư tỉnh ủy lên báo khẳng định, dịch đã được kiểm soát, “chỉ một nguồn lây duy nhất – công ty Poyun”. Số ca mới trong ngày đều trong khu cách ly, phong tỏa nên đảm bảo không lây lan bên ngoài, diện rộng.

1 tuần sau nữa, ngày 11/2, cũng là lãnh đạo tỉnh này, có sự cam kết của lãnh đạo chính phủ, “đã kiểm soát tình hình” tại Hải Dương, ngày 10/2, ổ dịch Chí Linh đã được kiểm soát hoàn toàn. Cẩm Giàng, Kinh Môn cũng được kiểm soát nốt.

Ông phó thủ tướng còn dặn nhỏ, nhớ giám sát y tế chặt chẽ với người sau cách ly, quản lý chặt những nơi đông người.

Ai nấy hồ hởi, phấn chấn, yên tâm.

Bí thư tỉnh ủy lại lên báo, “chúng tôi đã kịp thời, quyết liệt, thần tốc với nhiều giải pháp sát với tình hình thực tế”…

Đùng phát, ngày 12/2, ca mới lại bung trổ, tập trung ở ổ dịch Chí Linh, lập tức Cẩm Giàng bị phong tỏa.

Ngày 13/2, đoàn công tác liên ngành trung ương về thị sát, phát hiện có lây chéo trong khu cách ly, nhà vệ sinh là nơi dễ lây lan lại dồn cho 60 người dùng chung, cho người đang cách ly tiếp xúc gần với bệnh nhân, người có bệnh nền, phụ nữ có thai…

Con số 80 F1 trở thành bệnh nhân dương tính là hệ quả của quy trình – dịch vụ cách ly tập trung phản khoa học.

Trở lại một bài báo trên Nhân dân điện tử, ngày 7/2, với tiêu đề “Hải Dương phê bình nhiều cán bộ lơ là chống dịch”, nào là “Tại phường Tứ Minh, đoàn kiểm tra nhận thấy, khu chợ Thượng Đạt chưa lập chốt kiểm soát đo thân nhiệt, chưa kiểm soát số người ra vào chợ…”; nào là “Tại phường Thanh Bình, khu vực chợ Thanh Bình vẫn còn quán ăn phục vụ tại chỗ, tụ tập đông người, hàng quán bày trên vỉa hè; việc lập chốt đo thân nhiệt chưa đảm bảo quy định. Đây là những tồn tại đã được các tổ kiểm tra của thành phố nhiều lần nhắc nhở và yêu cầu xử lý”; hay “Ở phường Lê Thanh Nghị, khu vực chợ hoa đường Tôn Đức Thắng công tác phòng, chống dịch còn hình thức, không có người trực kiểm tra thân nhiệt cũng như kiểm soát số người ra vào chợ; trong chợ hoa còn có ba quầy bán mứt tết không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và còn có quán ăn trong chợ. Lãnh đạo thành phố gọi điện trực tiếp cho UBND phường nhưng không ai nghe máy…”.

Phê bình nghiêm khắc, yêu cầu giải trình… là coi như xong, là đã an tâm chống dịch!

Đừng hô hào, ‘ê-cô’ cái gọi là “chống dịch như chống giặc” để lấy điểm, để thị uy cho có. Chưa kể, có tường tận cái gọi là “giặc Covid” với sự biến chủng vượt mặt con người, vượt hàng đống vaccine đang tìm cách đưa về cho kịp?

Liệu khi về tới, nó có còn thích ứng với cơ thể người hay chính con virus cúm mới lại tiếp tục đột biến – như một cách sinh tồn của nó – đã kịp tái tổ hợp trong quá trình nhân bản?

Ông Bí thư, Chủ tịch tỉnh chỉ đạo chung đã đành, ông phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực, ông giám đốc sở và dàn quản lý chuyên ngành, ông giám đốc CDC tỉnh… và cơ man bác sĩ, chuyên gia ở đâu, làm gì để một khi đã khoanh vùng được “đám cháy” lại loay hoay, nhàn nhã, lơ đễnh để rồi đám cháy bùng phát, thiêu đốt những nỗ lực không ngừng nghỉ của bao người, bao ngành.

Nếu Hải Dương là một ốc đảo, thì lại khác!

Trong sự sống còn này, không có chỗ cho hô hào, càng không cần phải “vị nghệ thuật” vì dân theo kiểu… mất kiểm soát như thế!”

Theo lý lịch trích ngang thì ông Phạm Xuân Thăng – bí thư Tỉnh ủy Hải Dương có trình độ chuyên môn là Thạc sĩ Quản lý Khoa học Công nghệ; trình độ chính trị là Cử nhân chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Phạm Xuân Thăng từng là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13.

Với học hàm như trên cho thấy những gì mà ông Phạm Xuân Thăng đã ‘mạnh miệng’ trên báo chí không phải là ‘vạ miệng’, là ‘lỡ lời’.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)