Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Hàm” lãnh đạo: ý kiến từ một cựu thứ trưởng Nội vụ

Nguyễn Huỳnh (lược ghi)

(VNTB) – Còn 129 người giữ chức vụ “hàm” đều được bổ nhiệm từ năm 2018 về trước.

 

Về số lượng cụ thể cán bộ, công chức còn giữ chức vụ “hàm”, đại diện Bộ Nội vụ thông tin theo báo cáo tổng hợp hiện tại, các cơ quan của Đảng, đoàn thể và một số văn phòng ở trung ương còn 129 người giữ các chức vụ hàm. Tuy nhiên, đây đều là những người được bổ nhiệm từ năm 2018 về trước.

Liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách với các trường hợp này, đại diện Bộ Nội vụ chỉ rõ trong kết luận số 33 của Ban Bí thư đã nêu hướng dẫn cụ thể. Trong đó, với cán bộ, công chức hiện đang giữ chức vụ “hàm” thì thực hiện như sau: Thời gian công tác còn dưới 5 năm thì giữ nguyên chức vụ hàm và chế độ, chính sách đến khi nghỉ hưu.

Thời gian công tác còn trên 5 năm thì khi hết thời hạn bổ nhiệm (5 năm từ ngày được bổ nhiệm) không bổ nhiệm lại chức vụ hàm mà xem xét, bố trí công tác phù hợp.

Với cán bộ, công chức đang giữ chức vụ trưởng hoặc tương đương có thời gian công tác tính đến tuổi nghỉ hưu theo quy định còn dưới 5 năm (60 tháng) do sắp xếp tổ chức bộ máy không tiếp tục bố trí làm vụ trưởng hoặc có nguyện vọng thôi công tác quản lý, điều hành thì xem xét bố trí công tác phù hợp và được bảo lưu chế độ, chính sách hiện hưởng cho đến khi nghỉ hưu.

Cựu thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Trần Anh Tuấn có các ý kiến như sau về chuyện “hàm” này. Xin được trích giới thiệu đến quý độc giả trang Việt Nam Thời Báo.

Theo ông Trần Anh Tuấn, thời gian vừa qua dư luận có nhiều ý kiến khác nhau về việc nên hay không nên có chức danh “hàm” lãnh đạo, quản lý.

Có ý kiến cho rằng mỗi cơ quan, đơn vị đã có cấp trưởng, cấp phó rồi thì không cần phải sinh thêm chức danh “hàm” lãnh đạo, quản lý. Ngược lại, có ý kiến cho rằng đối với một số cơ quan cần thiết phải có chức danh “hàm”, áp dụng đối với những người có thể độc lập làm việc vượt cấp, có thể nhận nhiệm vụ từ cấp cao hơn để tham mưu, tổng hợp hoặc hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô.

Tuy nhiên, khi rà soát lại hệ thống pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức hiện hành thì chưa có quy định về chức danh “hàm” lãnh đạo, quản lý (trừ ngành ngoại giao). Trong khi đó, đã có một số cơ quan tự ban hành quy định về việc bổ nhiệm “hàm” để thực hiện trong nội bộ với các quy định khác nhau. Vì vậy, cần phải nghiên cứu để quy định và thực hiện thống nhất vấn đề chức danh “hàm” trong chế độ công vụ, công chức.

Hiện nay, pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức quy định có các nhóm chức danh, gồm chức danh ngạch, được sử dụng để bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (áp dụng đối với hầu hết cán bộ, công chức). Bên cạnh đó là hệ thống chức danh nghề nghiệp, được sử dụng để bổ nhiệm đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chức danh lãnh đạo, quản lý, là các chức vụ được bầu hoặc được phê chuẩn để bổ nhiệm theo nhiệm kỳ như đối với cán bộ; hoặc được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm theo quy định của pháp luật như đối với công chức, viên chức.

Ngoài ra, còn có chức danh “hàm” do Nhà nước phong cho công chức ngành ngoại giao để phục vụ công tác đối ngoại.

Khi nói đến chức danh là nói đến chức trách, nhiệm vụ và công việc đảm nhận. Còn khi nói đến chức vụ là bao hàm trong đó cả chức danh và thứ bậc vị trí trong một tổ chức với các quyền hạn cụ thể.

Chức vụ có thể gắn liền và đồng nhất với chức danh, nhưng chức danh thì chưa chắc đã là một chức vụ. Chức danh khi không bao hàm chức vụ cũng có thể được thể hiện dưới các cấp độ cao thấp khác nhau trong từng lĩnh vực, ngành nghề.

Ví dụ, chức danh ngạch của công chức hành chính nhà nước có ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên; chức danh nghề nghiệp của viên chức y tế có bác sỹ cao cấp (hạng 1), bác sỹ chính (hạng 2), bác sỹ (hạng 3); trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo có giảng viên cao cấp (hạng 1), giảng viên chính (hạng 2), giảng viên (hạng 3)…

Bên cạnh đó, còn có các chức danh gắn với các học vị được sử dụng trong hoạt động của đời sống hằng ngày, như kỹ sư, cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ… Học vị sau khi được cấp cho một người cũng có thể được sử dụng như một chức danh. Học hàm giáo sư, phó giáo sư cũng là một chức danh được tấn phong cho một người.

Khi nói đến một người từng giữ chức danh, chức vụ, người ta hay dùng các từ “nguyên”, “cựu”, “cố” trước tên chức danh, chức vụ. “Nguyên” là từ để chỉ chức vụ của một người đã từng đảm nhận và nay đã thay đổi chức vụ hoặc đã chuyển công tác khác.

Nhấn mạnh tính chất “đã” từng có thời gian giữ chức vụ nào đó. Ví dụ như “nguyên trưởng phòng”, “nguyên giám đốc”… Tuy nhiên, trong trường hợp bị kỷ luật cách chức hoặc bãi miễn thì không được sử dụng từ “nguyên”.

“Cựu” là cũ, nhấn mạnh tính chất đã từng tại vị, nay không còn tại vị nữa. “Cựu” để chỉ người từng giữ chức vụ, chức danh nay đã nghỉ làm hoàn toàn hoặc về hưu hoặc bị người khác lấy mất chức danh ấy.

Ví dụ như “cựu vô địch quốc gia về thể hình”, “cựu hoa hậu hoàn vũ”, nghĩa là người đó trước là nhà vô địch, nay không còn vô địch nữa do đã có người khác đạt được. “Cố” dùng trước từ chức vụ, chức danh, nhấn mạnh yếu tố một người giữ một chức vụ, chức danh nay đã qua đời, không phân biệt là lúc qua đời người đó đang tại vị hay không còn tại vị.

Theo ý kiến của ông Trần Văn Tuấn lúc còn là thứ trưởng thì chức danh “hàm” không phải là chức danh lãnh đạo, quản lý.

Nghiên cứu từ các nước trên thế giới và ở Việt Nam, có thể thấy từ thời phong kiến, nhiều chức danh “hàm” cũng đã được thực hiện thông qua cơ chế phong các chức danh tam công, hầu tước, tử tước, nam tước, quận công, nguyên soái… bên cạnh các chức vụ được bổ nhiệm như thừa tướng, thượng thư, tả và hữu thị lang, tri huyện…

“Trong Quân đội, Công an và Ngành Ngoại giao ở nước ta và trên thế giới, chức danh “hàm” được sử dụng từ lâu và thường xuyên. Trong Quân đội và Công an, chức danh “hàm” được gọi chung là quân hàm, quân hiệu và được thực hiện thông qua cơ chế phong, không phải cơ chế bổ nhiệm.

Ví dụ, phong quân hàm đại úy, trung tướng, phong hàm đại sứ, công sứ… Qua hệ thống quân hàm, quân hiệu mà có thể phân biệt được cấp trên và cấp dưới, sĩ quan và binh lính, bên cạnh các chức vụ chỉ huy như sư đoàn trưởng, tư lệnh… Thông thường thì quân hàm luôn tương ứng với chức vụ.

Trong Ngành Ngoại giao cũng có chế độ hàm cấp ngoại giao như hàm đại sứ, công sứ, hàm bí thư…” – ông Tuấn diễn giải.

So sánh chức danh “hàm” với chức vụ lãnh đạo, quản lý – theo ông Tuấn, có thể thấy có một số điểm khác nhau:

Một là, các chức danh “hàm” không thực hiện theo cơ chế bổ nhiệm mà được thực hiện theo cơ chế phong, thăng. Việc phong này cũng phải bảo đảm có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, được tiến hành theo quy trình, thủ tục để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Hai là, các chức danh “hàm” không phải là các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Người được phong chức danh “hàm” vẫn thực hiện các nhiệm vụ theo chuyên môn, nghiệp vụ nhưng với yêu cầu chuyên môn sâu, có tính tổng hợp cao hoặc rất cao. Các nhiệm vụ này có thể do cấp trên trực tiếp phân công hoặc có thể do cấp cao hơn cấp trên trực tiếp phân công và chỉ đạo.

Ba là, chức danh “hàm” sau khi được tấn phong cho một người thì vẫn có thể được sử dụng ngay khi cả người đó đã chuyển công tác sang lĩnh vực khác.

Bốn là, chức danh “hàm” mặc dù không phải là chức vụ lãnh đạo, quản lý nhưng là thể hiện sự tôn vinh, được công nhận về vị trí, danh phận trong một tổ chức, cơ quan, ngành, lĩnh vực hoặc trong đời sống xã hội.

Năm là, người giữ chức danh “hàm” cơ bản không thực hiện các chế độ, chính sách áp dụng như với người giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý, nhưng trên thực tế cũng có chính sách, cơ chế làm việc riêng thể hiện sự đãi ngộ, đánh giá và tạo điều kiện làm việc của Nhà nước với họ.

Việc quy định các nội dung liên quan đến chức danh “hàm” lãnh đạo, quản lý có thể ban hành dưới hình thức một nghị định của Chính phủ, khi sửa Luật Cán bộ, công chức nên xem xét bổ sung vấn đề hàm. Như thế sẽ bảo đảm thực hiện thống nhất trong hệ thống các cơ quan, tổ chức và kiểm soát, quản lý được vấn đề này, tránh thực hiện tùy tiện, không chính danh.


Tin bài liên quan:

VNTB – Facebook sắp đến ngày tàn?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tư pháp phải là “phi chính trị”

Phan Thanh Hung

VNTB – Sẽ có cuộc cách mạng về cơ cấu nhân sự Đảng?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo